Chung sống an toàn với dịch Covid-19
Việt Nam đứng thứ 166 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc Covid-19 trên thế giới; 7/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Cả nước ta có 1.283 ca mắc Covid-19; trong đó đã điều trị khỏi 1.124 ca; 35 ca tử vong; có 590 trường hợp nhiễm nhập cảnh được quản lý ngay; 691 trường hợp nhiễm phát hiện tại cộng đồng; 14.659 trường hợp đang được cách ly tập trung; 890 trường hợp được cách ly tại nhà...
Những số liệu thống kê cho thấy, dịch Covid-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, mặc dù đã qua 75 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng (Hà Nội là 90 ngày, TP Hồ Chí Minh là 107 ngày), nhưng nguy cơ xâm nhập, lây lan vẫn luôn hiện hữu. Chỉ một sơ suất rất nhỏ, dịch bệnh có thể tái bùng phát. Việc đối phó, dập dịch sẽ vô cùng phức tạp trong những tháng mùa đông, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu-2021.
Ảnh minh họa: TTXVN
Đối với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 luôn là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có những biểu hiện “trên nóng, dưới lạnh” trong PCD. Trong đời sống cộng đồng, xã hội, đặc biệt là tại các đô thị lớn, những biểu hiện chủ quan, lơ là đang tái diễn, phổ biến là quy định đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn... đã không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Quy định thực hiện biện pháp PCD tại các khu vực công cộng như bệnh viện, bến xe, ga tàu, siêu thị, chợ, rạp chiếu phim, nhà hát... không còn chặt chẽ. Hình ảnh hàng loạt các sự kiện giải trí tập trung đông người ở TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn vừa qua, người tham dự không đeo khẩu trang, không thực hiện các quy định PCD... được truyền thông phản ánh, thực sự rất đáng lo ngại. Người dân chủ quan, lơ là, trong khi hoạt động kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng ở nhiều nơi cũng thiếu sự chặt chẽ, nghiêm túc cần thiết.
Trong bối cảnh số ca mắc ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ liên tục tăng và khó kiểm soát, thời điểm cuối năm, số lượng các chuyến bay quốc tế về Việt Nam ngày càng nhiều, các hoạt động họp mặt, giải trí diễn ra liên tục... việc PCD theo phương châm “Chung sống an toàn với dịch Covid-19” đặt ra những yêu cầu cấp bách. Ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt liên tiếp, thời tiết ở Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nguyên trở rét, là môi trường thuận lợi để dịch bệnh bùng phát. Nhiệm vụ PCD của các lực lượng trên tuyến đầu phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, gian khổ, thách thức. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, quan điểm của Bộ Y tế là phải “bao thật chặt bên ngoài”, không để dịch xâm nhập vào cộng đồng, đồng thời phải siết chặt hơn, mạnh hơn các biện pháp PCD trong đời sống xã hội.
Để “Chung sống an toàn với dịch Covid-19” trong mùa đông và dịp Tết Nguyên đán sắp tới, yếu tố quyết định nằm ở ý thức tự giác của cộng đồng và trách nhiệm PCD của toàn dân. Tâm lý chủ quan, lơ là trong cộng đồng, xã hội cần phải được chấm dứt. Chiến dịch truyền thông PCD Covid-19 cần tiếp tục được đẩy mạnh thường xuyên, nhằm duy trì, nâng cao ý thức xã hội và trách nhiệm của toàn dân, trọng tâm là ở các đô thị lớn, trọng điểm là các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cộng đồng, lực lượng chức năng các cấp phải siết chặt hơn nữa các biện pháp chuyên môn. Công tác PCD phải luôn luôn trong tư thế và tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, không được lơ là, chủ quan ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào...
Cập nhật / 17/11/2020 05:00/PHAN TÙNG SƠN/https://www.qdnd.vn
Bình luận