Thứ bảy, 20/04/2024, 18:48 [GMT+7]

Bên lề kỳ họp

Thứ năm, 09/07/2020 - 20:30'
(BLC) - Tại Kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 14, khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 bàn thảo nhiều nội dung quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đặc biệt là các chế độ chính sách. Phóng viên LaiChau Online đã ghi lại một số ý kiến của đại biểu bên lề kỳ họp.

BÀN THẢO NHIỀU NGHỊ QUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH

khanh

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Bí thư Huyện ủy Tam Đường, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng, bên cạnh việc đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và các báo cáo thường kỳ khác của Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh; đại biểu quan tâm và đặc biệt chú ý đến các nghị quyết chuyên đề quy định về một số chế độ, chính sách hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học, THCS ở các xã khu vực II không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh. Việc tiếp tục ban hành chính sách này sẽ thuận lợi cho ngành Giáo dục duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh ở các bản, xã khó khăn và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tại kỳ họp này cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành nghị quyết này cụ thể hóa chủ trương về tinh giản số lượng, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn lực Nhà nước, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị tại cơ sở. Đồng thời sẽ tháo gỡ khó khăn cho các xã, bản trong quá trình sáp nhập các thôn, bản trong thời gian qua.

RÀ SOÁT, TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP CỤ THỂ CHO TỪNG CHỈ TIÊU

Lương Chiến Công

Đại biểu Lương Chiến Công - Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu: 6 tháng đầu năm, tình hình thiên tai, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, đa phần các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Lai Châu không đạt 50% theo kế hoạch giao và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, UBND thành phố đã báo cáo UBND tỉnh cũng như Thành ủy các giải pháp để thực hiện. Trọng tâm là rà soát các chỉ tiêu đạt thấp và khó đạt để xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện từng chỉ tiêu một. Ví dụ như: chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới, chỉ tiêu về thu ngân sách trên địa bàn dự kiến sẽ khó đạt, vì vậy thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng chỉ tiêu này để tập trung lãnh, chỉ đạo. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tại các điểm bản thuộc xã Sùng Phài (cũ). Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn; tập trung các giải pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước, nợ đọng thuế; tích cực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thu vượt dự toán tỉnh, thành phố giao. Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH

man

Đại biểu Vương Thế Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ: Đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Phong Thổ có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể với Nhân dân. Đồng thời giúp Đảng ủy, UBND xã nhiều công việc ở cơ sở như: triển khai các chính sách, các nghị quyết đến người dân, đảm bảo an ninh nông thôn, trật tự xã hội. Tuy nhiên hiện nay chính sách hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách rất thấp, họ phải tự trang trải chi phí đi lại, tiền điện thoại, xăng xe... Vì vậy, việc xây dựng ban hành Nghị quyết Quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các chức danh khác ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu là phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn tại địa phương. Hướng tới mục đích nhằm sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm số lượng, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố, bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

TẠO ĐỘNG LỰC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ

nam

Đại biểu Kiều Hải Nam - Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2019. Qua số liệu thống kê, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) của các tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại Trung tâm khá nhiều (trung bình trên 1.400 hồ sơ/tháng) ở tất cả các lĩnh vực. Do đó, đòi hỏi cán bộ tại Trung tâm trong quá trình tiếp nhận hồ sơ phải có kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực quản lý. Đồng thời phải tích cực phối hợp trong giải quyết, trả kết quả cho các tổ chức, cá nhân, hạn chế tối đa việc để hồ sơ, TTHC quá hạn, trễ hẹn; từng bước nâng cao tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả tại chỗ. Bên cạnh đó, tháng 5/2020, UBND tỉnh ban hành quyết định đưa danh mục TTHC của một số ngành dọc ra thực hiện tại Trung tâm. Do vậy, số lượng công dân, tổ chức, doanh nghiệp đến thực hiện tại Trung tâm sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Song hành với đó là áp lực đối với lực lượng làm việc tại Trung tâm ngày càng lớn.

Hiện nay hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công trên cơ sở vận dụng các chính sách hiện hành tùy theo nguồn ngân sách cân đối của các địa phương.

Tại tỉnh ta, trong kỳ họp này sẽ thảo luận, xem xét, ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức, người lao động làm nhiệm vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Điều này góp phần tạo động lực, nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Trung tâm. Tạo được sự hài lòng, củng cố niềm tin của tổ chức, cá nhân vào các cơ quan Nhà nước.

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ, TĂNG THU NGÂN SÁCH

toan

Đại biểu Nguyễn Đức Toán - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: 6 tháng đầu năm, mặc dù thu ngân sách địa phương đạt trên 5.400 tỷ đồng, đạt 64% so với dự toán Trung ương giao, đạt 63% so với dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 95% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn chỉ đạt 30% so với dự toán Trung ương giao và đạt 28% dự toán HĐND tỉnh giao.

Tính tỷ lệ các nguồn thu thì nguồn thu từ các công trình thủy điện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dự toán thu năm 2020. Nhưng từ đầu năm đến nay, sản lượng điện chỉ đạt 3.093 triệu KWh, đạt 19,7% so với dự toán giao. Bên cạnh đó, các thủy điện: Lai Châu, Sơn La có số thuế phải nộp được bù trừ với số thuế nộp thừa năm 2019 chuyển sang nên thực tế đã nộp vào ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm chỉ đạt 13,5% so với dự toán giao.

Nguyên nhân do ảnh hưởng của khí hậu nắng nóng kèo dài, lưu lượng nươc về hồ luôn ở mức thấp hơn so với mức trung bình nhiều năm dẫn đến sản lượng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Đến hết quý I/2020, lượng nước trên các hồ thủy điện chỉ còn khoảng 35% dung tích hưu ích trong khi thời gian tới cao điểm sử dụng vào cuối mùa khô vẫn còn dài. Do đó, Cục Thuế tỉnh ước thực hiện thu từ thủy điện năm 2020 là 625,8 tỷ đồng (giảm 479,2 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính giao).

Ngoài ra còn các nguồn thu khác từ các doanh nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước tại địa phương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường; lệ phí trước bạ; tiền thuê đất, sử dụng đất, khai thác khoáng sản hoặc hoạt động xổ số kiến thiết… Tuy nhiên, nguồn thu từ thủy điện vẫn chiến trên 57% trong tổng nguồn thu.

Việc nguồn thu đạt thấp đều có nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Do đó, các đơn vị, địa phương, các cấp, ngành cần có sự quyết tâm và đồng thuận cao thì mới đảm bảo chỉ tiêu về thu ngân sách trong năm nay.

MONG ĐƯỢC ĐẢM NHẬN NHỮNG CÔNG TRÌNH, PHẦN VIỆC LỚN HƠN

thinh

Đại biểu Nguyễn Tiến Thịnh - Bí thư Tỉnh đoàn: Trong 19 tiêu chí về nông thôn mới (NTM), cơ bản tiêu chí nào cũng có sự tham gia của lực lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN); có tiêu chí thì tham gia hỗ trợ về công sức, có tiêu chí tham gia với vai trò nòng cốt, trong đó, một số tiêu chí thể hiện rõ nét vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên. Tiêu biểu trong 6 tháng đầu năm 2020, tổ chức Đoàn các cấp đã huy động các nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài tỉnh thực hiện 2 công trình đường bêtông tại các xã: Thèn Sin, Khun Há (huyện Tam Đường); kết nối vận động xây dựng được 5 điểm trường tại 3 huyện: Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Mường Tè; xây dựng nhà ở cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê”; duy trì 29 tuyến đường kiểu mẫu “sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” do thanh niên tự quản; trồng mới hơn 10.000 cây xanh.

Một số huyện cũng đã có những cách làm hay, ví dụ như ở Tân Uyên, tổ chức Đoàn đã nhận hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ 2 bản của xã phấn đấu đạt chuẩn NTM. Ngoài việc tập trung các nguồn lực để hỗ trợ các tiêu chí cho các bản, Đoàn thanh niên còn hình thành các tổ tình nguyện viên để hướng dẫn Nhân dân thực hiện các tiêu chí về môi trường, văn hóa, giáo dục… Duy trì hàng tuần việc dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh môi trường, hướng dẫn bà con vệ sinh chuồng trại, nhà, góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, hình thành nếp sống mới văn minh hơn, tiến bộ hơn.

Mặc dù đã có những đóng góp tích cực, song nguồn sức mạnh to lớn của lực lượng ĐVTN (lực lượng giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào) chưa được cấp ủy, chính quyền huy động, phát huy tối đa. Thời gian tới, mong rằng trong phân công thực hiện các tiêu chí về NTM, cần giao nhiệm vụ cụ thể hơn cho các tổ chức đoàn thể, trong đó có ĐVTN; đặc biệt là có những cơ chế cụ thể để giúp ĐVTN, tổ chức Đoàn có thể đảm nhận những công trình, phần việc lớn hơn, để phát huy được sức lực, tinh thần, trí tuệ của lực lượng này, đồng thời góp phần rèn luyện, xây dựng lớp lớp thanh niên Lai Châu trưởng thành hơn, tiến bộ hơn, sống cho ích cho xã hội và cộng đồng hơn.

TẠO THUẬN LỢI CHO CÁC TRƯỜNG TỔ CHỨC DẠY - HỌC THEO HÌNH THỨC BÁN TRÚ

hai

Đại biểu Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn: Huyện Nậm Nhùn có 1.862 học sinh tiểu học và THCS ở 4 xã vùng II. Hiện nay, thu nhập của người dân ở các xã này còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao cho nên việc cho con em ăn học gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo cho học sinh ở nội trú, thời gian qua, các nhà trường đã phải huy động từ nguồn xã hội hóa, song nguồn hỗ trợ hiện nay không được thường xuyên và chủ động.

Tại kỳ họp này sẽ đưa ra xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học và THCS ở các xã vùng II không được hưởng chế độ theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho các nhà trường tổ chức dạy và học bằng hình thức bán trú. Qua đó, tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình nông dân có thu nhập thấp trên địa bàn; tạo điều kiện nâng cao tỷ lệ huy động học sinh ra lớp và chất lượng giáo dục toàn diện của huyện Nậm Nhùn nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Nhóm P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...