Thứ hai, 06/05/2024, 18:39 [GMT+7]

Giúp dân xóa nghèo từ những mô hình điểm

Thứ ba, 10/07/2012 - 16:04'
(BLC) - Những cánh rừng xanh thẳm, những nương ngô, khoai xanh ngút tầm mắt... Màu xanh no ấm ấy được xây nên bởi chính bàn tay và khối óc của cán bộ, đội viên Đội công tác xây dựng cơ sở (XDCS) số 11. Từ các mô hình thí điểm của những người lính vì dân đã, đang hiện hữu một nhịp sống mới ở xã Khun Há, huyện Tam Đường. 

Ông Lù A Phủ - trưởng bản Sàn Phàng Cao cho biết: “Ngày trước, đồng bào mình thường đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây ngô không lớn được, lại đi tìm cánh rừng khác. Cái ăn thì bốc bằng tay. Cái đau, cái bệnh cũng từ đấy mà sinh ra. Nhưng từ ngày có “Bộ đội cơ sở 11 về đây, mọi thứ đã thay đổi...”.

Cán bộ, đội viên Đội công tác XDCS số 11 hướng dẫn nhân dân các dân tộc xã Khun Há cách chăm sóc cây măng bát độ.

Thượng tá Tống Xuân Thành - Đội trưởng Đội công tác XDCS số 11 tâm sự: “Ngày đầu, chúng tôi lên đây, còn rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, không đồng đều, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Hệ thống chính trị vừa yếu lại thiếu, khí hậu khắc nghiệt, tỷ lệ đói nghèo cao… Bộ đội khoác ba lô về bản đồng bào lạ lẫm, thắc mắc. Thấy bộ đội làm nhà, ủ phân trồng rau, trồng rừng… đồng bào lại ngạc nhiên. Chính điều đó khiến chúng tôi phải cố gắng tìm cách tháo gỡ cho đồng bào thông qua các mô hình. Dù khó khăn, nhưng với tình cảm chân thành, bằng hiệu quả thiết thực, kết hợp giữa “nói và làm”, giữa vận động và thuyết phục, Đội đã làm cho dân hiểu, dân tin, dân theo”.

Là địa bàn th­ường hay xảy ra mưa lũ, bão lốc, sạt lở, gây sập đổ nhà cửa của dân. Chỉ tính riêng năm 2008, toàn xã Khun Há đã có 12 nhà bị tốc mái, 3 nhà bị đổ tường, chi phí sửa chữa, dựng lại rất tốn kém… Qua một thời gian trăn trở, suy nghĩ sáng kiến về mô hình “3 cứng” (nền cứng, vách cứng và mái cứng của Đội công tác XDCS số 11) đã “ra đời” và ngay lập tức được đông đảo cán bộ, đảng viên đồng tình biểu quyết nhất trí cao.

Nhờ sự tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua họp bản, hoặc đến từng nhà; lấy nhà của Đội công tác làm mô hình điểm để dân làm theo. Được mắt thấy, tay sờ ngôi nhà đồng bào đã ưng ngay cái bụng, phục cái tâm. Bởi lẽ nhà “3 cứng” tường đ­ược quét xi, vôi trắng, mái lợp prôximăng, nền láng xi măng tạo ra không gian thoáng mát mà giá thành lại hợp lý, do tiết kiệm được nguồn nguyên vật liệu ngay tại địa phương. Ng­ười dân rất tâm đắc và cho rằng đó là một điều kỳ diệu vì bao đời nay ng­ười dân trong xã vẫn chỉ có thể ở nhà tranh, tre, nứa, lá… nhưng giờ phải thay đổi, học và làm theo ngay.

Đến nay, đã có trên 70% số hộ trong xã đã có nhà “3 cứng”, toàn xã cơ bản không còn nhà tạm. Từ mô hình “3 cứng”, nhiều hộ có điều kiện đã xây tư­ờng bằng gạch, nền lát đá hoa, xây nhà vệ sinh tự hoại, chuồng trại chăn nuôi được được xây ở một khu riêng. Mô hình “3 cứng” còn thu hút sự quan tâm và vận dụng của đồng bào các xã lân cận. Hiện nay, Đội tiếp tục tham mưu cho chính quyền, địa phương vận động các hộ gia đình tham gia đóng góp tiếp tục bê tông hoá đường vào tận bản.

Đồng bào đã an cư, nhưng do thiếu kiến thức về khoa học, chăn nuôi, trồng trọt nên vẫn còn nghèo. Đi sâu vào tìm hiểu, cán bộ, đội viên lại tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi cho đồng bào một mô hình phát triển kinh tế phù hợp và mô hình trồng măng bát độ tiếp tục “ra đời”. Với phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) và luôn sát cánh cùng dân, từ sinh hoạt, ăn ở, lúc xuống ruộng, khi lên n­uơng để tuyên truyền, vận động đồng bào về lợi ích của việc trồng măng bát độ. Cách thức tập hợp khoa học, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, một lần nữa mô hình trồng măng bát độ lại được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, sẵn sàng làm theo.

Đội đã vận động nhân dân trồng được trên 9ha cây măng bát độ; 10ha rừng kinh tế như: thông, chàm, mác ca; hàng trăm cây ăn quả các loại, trên 72% hộ gia đình có vườn rau tại nhà. Do đó mà tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm xuống dưới 55%… Ngoài ra, Đội còn vận động nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ hàng trăm héc ta rừng, tu sửa 5km đường giao thông liên bản, 3,5m kênh mương thủy lợi, 2 nhà văn hóa, 6 trường học; giúp dân trên 800 ngày công làm nhà và thu hoạch hoa màu, khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí, trị giá gần 10 triệu đồng.

Mô hình “3 cứng” và trồng măng bát độ của Đội công tác số 11 đang là những mô hình xóa đói, giảm nghèo, đư­ợc cấp uỷ, chính quyền địa ph­ương các cấp ghi nhận, đúng với lời nhận xét của đồng chí Cứ A Lồng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Khun Há: “Nhờ có bộ đội 11, đồng bào mới được đổi đời như hôm nay. Chính các anh đã giúp địa phương phát triển toàn diện, đem lại diện mạo mới cho địa phương…

Chiều muộn, nơi vùng cao bồng bềnh sương giăng, thơm mùi cơm mới lan tỏa trong khói lam chiều biểu hiện của sự bình yên, no ấm. Tình yêu với dân, với bản đã tiếp thêm sức mạnh giúp cán bộ, đội viên Đội công tác XDCS 11 yên tâm sát cánh cùng nhân dân xã Khun Há xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp…

 

Thế Thành - Bộ CHQS tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Xứng danh người chiến sỹ
Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Nguyễn Giang Lam ở tổ dân phố số 11 (phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) vẫn hăng say hiến công, hiến kế cho các hoạt động của địa phương và giáo dục con cháu...