Thứ bảy, 20/04/2024, 22:10 [GMT+7]

ADB cảnh báo Covid-19 đe dọa nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương

Thứ tư, 25/08/2021 - 09:31'
Ngày 24-8, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo “Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2021”, trong đó quan ngại về việc đại dịch Covid-19 đang đe dọa tiến triển của khu vực trong việc hướng tới những chỉ tiêu then chốt trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2030 của Liên hợp quốc. 

Ảnh minh họa.

Thông qua số liệu thống kê toàn diện về kinh tế, tài chính, xã hội và môi trường của 49 quốc gia thành viên thuộc khu vực của ADB, báo cáo cho biết, khoảng 203 triệu người, tương đương 5,2% dân số khu vực châu Á đang phát triển, sống ở mức nghèo cùng cực vào năm 2017; nhấn mạnh nếu không có Covid-19, con số này đã có thể đã giảm xuống còn khoảng 2,6% vào năm 2020. 

Đại dịch đã khiến khu vực này có thêm 75-80 triệu người dân (so với trong trường hợp không có dịch) rơi vào tình trạng nghèo cùng cực riêng trong năm 2020. Theo ADB, nếu giả định rằng đại dịch làm gia tăng bất bình đẳng, mức tăng tương đối tỷ lệ nghèo cùng cực - được định nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày - thậm chí có thể cao hơn. ADB cũng ghi nhận tiến triển chững lại trong các lĩnh vực như xóa đói, y tế và giáo dục..., dù những lĩnh vực này đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên khắp khu vực.

Cũng theo báo cáo, trong số các nền kinh tế được báo cáo ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉ một phần tư có tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm ngoái. Khu vực cũng đã mất khoảng 8% số giờ làm việc do những hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng sâu sắc đến các hộ gia đình và người lao động nghèo trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Yasuyuki Sawada, châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được những bước tiến ấn tượng, nhưng đại dịch đã làm lộ ra những đứt gãy về kinh tế - xã hội, có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của khu vực. 

Chuyên gia này khuyến nghị, để đạt được SDGs, các nhà hoạch định chính sách cần dựa vào dữ liệu chất lượng cao và kịp thời để định hướng hành động, nhằm bảo đảm quá trình phục hồi sẽ không bỏ lại ai phía sau, đặc biệt là người nghèo và người dễ tổn thương.

Cập nhật 11:20 thứ ba ngày 24/08/2021/HOÀNG LINH/hanoimoi.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...