Thứ sáu, 26/04/2024, 17:12 [GMT+7]

Tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở Peru cao nhất thế giới

Thứ ba, 23/11/2021 - 08:03'
Với hơn 200.000 ca tử vong trong tổng dân số hơn 33 triệu người, Peru hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới.

Số liệu thống kê từ trang worldometers.info ngày 22/11 cho thấy, số ca mắc COVID-19 ở Peru là  2.224.344 ca, trong đó 200.866 ca đã tử vong. Nếu tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất với 617 trường hợp tử vong/100.000 dân.

Trước khi đại dịch xảy ra, Peru là quốc gia có thu nhập trên trung bình, kinh tế tăng trưởng, tuổi thọ của người dân tăng, tỉ lệ nghèo đói giảm và đạt được tiến bộ đáng kể trong cải thiện hệ thống y tế công cộng khi ngày càng nhiều người dân được tiếp cận. Bên cạnh đó, Peru cũng là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh yêu cầu người dân không đi ra ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tuy nhiên, tác động của đại dịch COVID-19 đối với Peru là rất nghiêm trọng, khi nước này có tỷ lệ tử vong tính theo đầu người ở mức cao nhất thế giới. Ước tính, nước này cũng có tỉ lệ trẻ em bị mất cha, mất mẹ hoặc bị mất người giám hộ do COVID-19 ở mức cao nhất thế giới.

Hệ thống y tế của Peru khá đắt đỏ đối với những người không có bảo hiểm cá nhân hay không tiếp cận được các trung tâm y tế tốt của nhà nước. (Ảnh: EPA-EFE)

Có 3 yếu tố được cho là nguyên nhân dẫn đến điều này là do Peru đã không áp đặt lệnh phong tỏa, hệ thống y tế còn yếu kém và chi phí y tế đắt đỏ.

Chính phủ Peru thừa nhận rằng, việc áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt là điều rất khó thực hiện bởi nước này có một lực lượng lao động phi chính thức đông đảo và hệ thống an sinh xã hội khá hạn chế. Vì vậy, Chính phủ Peru đã ban hành một loạt chính sách như chuyển tiền mặt để hỗ trợ người dân khi yêu cầu họ ở nhà. Tuy nhiên, do nhà nước không thể phân phối tiền mặt và lương thực theo cách kiềm chế người ở trong nhà, nên người dân vẫn phải ra ngoài và đứng xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng để nhận tiền. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cần đi chợ hàng ngày. Do vậy, ngân hàng và chợ đã trở những ổ dịch để COVID-19 lây lan.

Số ca mắc COVID-19 ở Peru đã bộc lộ yếu kém về cơ cấu trong hệ thống y tế. Mặc dù đạt tăng trưởng kinh tế và cải thiện trong hệ thống y tế công cộng, song nhìn chung hạ tầng cơ sở y tế của Peru vẫn yếu kém trước làn sóng dịch bệnh. Bộ Y tế Peru hồi tháng 1/2020 cho biết 78% trung tâm y tế của nước này không thể cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do không đủ trang thiết bị hoặc trang thiết bị lỗi thời. Tỉ lệ này đã tăng tới 97% vào đầu năm 2021.

Đại dịch COVID-19 đã phơi bày mức độ đắt đỏ của hệ thống y tế Peru. Đối với những người không có bảo hiểm cá nhân hay không tiếp cận được các trung tâm y tế tốt của nhà nước, các chi phí thậm chí có thể cao hơn, trong đó giá thuốc và chăm sóc được tính với mức cao ở một số bệnh viện tư nhân. Đối với một số người, chi phí khám chữa bệnh cao khiến họ không thể đi bệnh viện.

Hiện nay, nhờ tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Peru tăng từ tháng 6 đến nay, số ca mắc và tử vong đã giảm và ổn định ở mức thấp hơn giai đoạn trước.

Cập nhật Thứ hai, 22/11/2021 21:31 (GMT+7)/KG/dangcongsan.vn (theo The Conversation, Statista)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...