Thứ bảy, 27/04/2024, 14:36 [GMT+7]

Nơi lưu giữ những chiến công anh hùng

Thứ sáu, 08/03/2024 - 11:09'
Trong hành trình đến với Vùng 3 Hải Quân (thành phố Đà Nẵng) tháng 1/2024, chúng tôi ấn tượng về những chiến công anh hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) hải quân suốt chặng đường 45 năm tại Nhà truyền thống đơn vị. Nơi đây là môi trường văn hoá để tuyên truyền, giáo dục cho CBCS về lịch sử truyền thống của vùng. Từ đó, phát huy lòng tự hào, tình cảm và trách nhiệm gắn bó xây dựng đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nhà truyền thống Vùng 3 Hải quân được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2014, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập vùng. Nhà truyền thống bài trí trang nghiêm theo 3 khu vực: những hình ảnh về 8 chiến công hải quân; quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Vùng 3 Hải quân; tư liệu khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi thấy ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất, ngay chính giữa là bức phù điêu với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đội mũ hải quân.
Qua lời thuyết minh của Đại úy Lê Thị Thu Trang - Nhà văn hóa, Ban Tuyên huấn Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân về bức phù điêu này, chúng tôi được biết, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến biển, đảo quê hương. Người đã từng căn dặn: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển”. Lời căn dặn của Người đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình chiến đấu, xây dựng, phát triển và trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Trong đó, các thế hệ CBCS, quân nhân chuyên nghiệp trong toàn Vùng 3 luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, đoàn kết, khắc phục khó khăn, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, xây đắp nên truyền thống với khẩu hiệu hành động: “Tích cực chủ động. Đoàn kết hiệp đồng. Làm chủ vùng biển. Quyết chiến quyết thắng”.

Đại biểu các cơ quan, đơn vị, phóng viên trên cả nước tham quan, nghe thuyết minh về lịch sử hào hùng của Vùng 3 Hải quân tại Nhà truyền thống.

Tại khu vực trưng bày hình ảnh về 8 chiến công của Vùng 3 Hải quân, chúng tôi hiểu rõ hơn về sự anh dũng, tinh thần dám hy sinh, không ngại khó khăn, gian khổ của các CBCS với quyết tâm dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những chiến công tiêu biểu có thể kể đến như: trận đánh đuổi tàu khu trục Mađốc của Mỹ mang hiệu số 731 ra khỏi vùng biển miền Bắc nước ta ngày 2/8/1964; đánh bại chiến dịch phong tỏa thủy lôi trên sông, biển từ năm 1967 đến năm 1972 với 2.400 quả thủy lôi; mở đường Hồ Chí Minh trên biển Đông chi viện cho miền Nam; giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần xứng đáng vào Đại thắng mùa xuân 1975…
Nghe từng chiến công, nhìn những hình ảnh minh chứng, chúng tôi và đội ngũ phóng viên, đại biểu các địa phương trên cả nước về tham quan đều xúc động. Rưng rưng đôi mắt, chị Trương Lệ Thu - Báo Cần Thơ chia sẻ: Tôi rất tự hào và khâm phục tinh thần chiến đấu quả cảm của những người lính Hải quân luôn mưu trí để chiến thắng kẻ thù, làm nên những chiến công hiển hách, vang dội cho lịch sử hào hùng của dân tộc, góp phần mang lại hoà bình, tự do cho cuộc sống của mọi người hôm nay.
Ở khu vực trưng bày quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Vùng 3 hải quân, thông qua những bảng ảnh, chúng tôi biết thêm về sự ra đời, phát triển và những mốc son lịch sử, hoạt động vì nước, vì dân của đơn vị. Theo đó, Vùng 3 Hải quân là lực lượng chiến đấu cơ động chiến dịch, chiến lược của Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng. Để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trên phạm vi cả nước, ngày 26/10/1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập 5 vùng duyên hải, trong đó có Vùng 3 duyên hải - tiền thân của Vùng 3 Hải quân hiện nay. Vùng 3 duyên hải được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển từ đèo Ngang (Quảng Bình) đến Cù Lao Xanh (Bình Định) với phạm vi rộng lớn và chiều dài bờ biển trên 1.000km. Trong 45 năm qua, Vùng 3 Hải quân luôn nỗ lực cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; vượt qua sóng dữ cứu hộ, cứu nạn trong cơn bão Chan Chu, Xang Xen; ứng cứu, giúp đỡ hàng trăm ngư dân cùng phương tiện tàu thuyền thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Chúng tôi thật tự hào biết mấy khi được tận mắt chứng kiến những tư liệu lịch sử về quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Đây là những bằng chứng về lịch sử, địa lý và pháp lý khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những con tàu mô phỏng có trong Nhà truyền thống như một lời nhắc nhở chúng tôi rằng, CBCS đã và đang không quản ngại ngày đêm, mưa nắng, lênh đênh trên mặt biển để giữ vững chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà truyền thống Vùng 3 Hải quân chính là nơi giao hòa, kết nối từ quá khứ đến hiện tại trong suốt quá trình hoạt động của vùng. Nơi đây mỗi năm đón tiếp hơn 10.000 lượt khách trong cả nước tới tham quan, học tập. Những người dân trên cả nước luôn trân trọng và tự hào về những trang lịch sử hào hùng đó.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...