Thứ ba, 10/09/2024, 23:35 [GMT+7]

“Sức sống xanh” nơi đảo xa

Thứ tư, 15/05/2024 - 10:38'
Một trong những điều khiến nhiều người ngạc nhiên khi đặt chân đến Quần đảo Trường Sa là “màu xanh” nơi đây. Khó có thể tin giữa mênh mông biển khơi, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi nắng cháy da thịt và gió biển mặn mòi, những “sức sống xanh” vẫn đâm chồi, phủ xanh trên những hòn đảo.

Ngoài những loại cây quen thuộc trên các đảo như: phong ba, bàng vuông, tra, phi lao... thì nơi đây còn có nhiều loại cây ăn quả như: đu đủ, xoài, chuối, dừa... Để Trường Sa có được màu xanh như hiện tại là sự quyết tâm, nỗ lực không chỉ của những cán bộ, chiến sỹ (CBCS), nhân dân trên các đảo mà còn có sự chung tay, góp sức của cả nước. Với tầm quan trọng của việc trồng, phát triển cây xanh, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân đã thực hiện hiệu quả chương trình “Xanh hóa Trường Sa” góp phần tích cực thay đổi diện mạo cho các đảo. Đây là một trong những chủ trương lớn, trọng tâm mà Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân triển khai thực hiện để xây dựng Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”. Trồng, chăm sóc, nhân rộng, phát triển hệ thống cây xanh không chỉ làm đẹp cảnh quan mà còn có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện môi trường sống, chất lượng sống, phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tới đảo Song Tử Tây - một trong 3 xã, thị trấn của Huyện đảo Trường Sa. Nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây như một khu rừng thu nhỏ, mọc lên giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình. Sau khi đặt chân lên Song Tử Tây, đi giữa những lối nhỏ bằng bê-tông dưới tán cây xanh rợp mát, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sức sống mãnh liệt của những loài cây chắn gió, ngăn bão, thể hiện “sức sống xanh” của Trường Sa.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương - Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: “Để xây dựng được hòn đảo xanh, đẹp, Ban Chỉ huy đảo thường xuyên đề cao ý thức trách nhiệm cho CBCS trong việc trồng và chăm sóc cây xanh. Hằng năm đều tổ chức trồng mới, nhân giống các loại bàng vuông, tra, phong ba, mù u... bằng hạt hoặc chiết cành để trồng mới, phủ xanh đảo. Đảo còn giao trách nhiệm cho từng cụm trong việc duy trì, phát triển cây xanh, coi đây là một tiêu chí thi đua”.

Cán bộ, chiến sỹ đảo Sinh Tồn trồng rau xanh, cải thiện bữa ăn.

Đi giữa những bóng cây rợp mát trên đảo, khó ai có thể nghĩ rằng 2 năm trước, Song Tử Tây đã từng gánh chịu hậu quả nặng nề do cơn bão Rai (cơn bão số 9) đã tàn phá phần lớn các công trình trên đảo, hầu hết cây cối đều bị quật đổ, bật gốc. Nhưng với ý chí vượt lên mọi khó khăn, khắc nghiệt của thiên nhiên, quân và nhân dân trên đảo đã đồng lòng, sát cánh, trong thời gian ngắn nhất quyết tâm phủ xanh hòn đảo. Không chỉ nhanh chóng phủ xanh hòn đảo, từng CBCS, mỗi người dân trên đảo đều nêu cao tinh thần hăng hái tăng gia sản xuất để phấn đấu không có bất cứ chỗ nào có đất mà không có cây xanh. Các hộ dân trên đảo với sự hỗ trợ về cây giống, phân bón đã trồng được nhiều cây rau, quả các loại như: bầu, bí, mướp đắng, bí đỏ, chuối... để cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống hàng ngày trên đảo.
Còn tại đảo Sinh Tồn Đông, mặt đất của đảo chủ yếu là cát trắng, không chỉ vậy nơi đây giữa bốn bề biển cả, cũng thường xuyên phải đối diện với nắng nóng và mưa bão. Thượng tá Trần Văn Trình - Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ: “Khắc phục điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khắc nghiệt trên đảo, những năm qua, CBCS và nhân dân trên đảo tập trung tăng cường trồng cây xanh, tạo bóng mát, xây dựng cảnh quan trên đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp. Hằng năm, quân và nhân dân trên đảo chiết đục khoảng 1.000 cây xanh các loại. Cây xanh không chỉ tạo môi trường sống trong lành trên đảo, cây xanh còn là “bức tường” chắn gió hiệu quả khi mưa bão”.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu tăng gia tập trung của đảo Sinh Tồn, Thượng úy Lê Văn Chung - Trợ lý hậu cần cho biết: “Được sự đầu tư của Quân chủng Hải quân và sự ủng hộ của cả nước, đến nay, quân, dân trên đảo đã xây dựng được một số vườn rau chuyên canh kiên cố, diện tích rộng hơn 500m2 với 8 nhà màng, được thiết kế bằng khung sắt chắc chắn, xung quanh lắp đặt những tấm tôn cao 2m, trên mái nhà có màng trắng chuyên dụng để chắn gió, hơi nước biển. Trong vườn được phân ô thửa, có biển tên các đơn vị, trồng đủ các loại rau như: cải xanh, mồng tơi, rau dền, rau ngót, rau muống nước, các cây rau gia vị... Cùng với đó, trên đảo hiện có máy lọc nước biển thành nước ngọt, bể chứa nước mưa dung tích lớn nên nguồn nước tưới rau bớt khó khăn hơn”… Với ý chí tự lực, tự cường và tính cần cù, sáng tạo, quân và dân đảo Sinh Tồn đã tích cực tăng gia sản xuất tự bảo đảm được 100% nhu cầu rau xanh và một phần lớn thực phẩm. Tổng sản lượng tăng gia năm 2023 đạt trên 280 triệu đồng, bình quân đạt 1.550.000 đồng/người/năm; rau xanh các loại đạt trên 9.700kg; thịt các loại trên 2.176kg.
Ở các đảo có diện tích nhỏ như: Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, Len Đao... chiến sỹ chắt chiu từng nắm đất màu từ đất liền chở ra, tận dụng cả xô, chậu, thùng nhựa, chậu ximăng, chậu composite để ươm trồng rau xanh. Trò chuyện với CBCS trên đảo Cô Lin chúng tôi được biết, hằng năm, trên đảo có trên 300 ngày nắng nóng; mùa khô kéo dài tới 3 tháng, cùng với đó là gió bão mang theo nước biển mặn lên đảo, việc tăng gia vô cùng khó khăn. Để trồng rau xanh phát triển trên đảo là cả một hành trình đầy gian nan. Hằng năm, CBCS trên đảo được nhận từng bao đất nhỏ từ trong đất liền chuyển ra, sau đó tận dụng vật liệu để tạo nên vườn rau nhỏ, dễ cơ động khi biển động. Đặc biệt, hằng ngày, CBCS phải chú ý theo dõi dự báo thời tiết để tổ chức che chắn cẩn thận cho vườn rau, hạn chế tác động của gió biển và nắng.
Có thể nói, từ chủ trương “Xanh hóa Trường Sa” của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã góp phần phủ xanh các đảo ở Trường Sa. Đồng thời đã chủ động được một phần nhu cầu thực phẩm tươi, nhất là rau xanh, góp phần cải thiện đời sống bộ đội nơi đầu sóng ngọn gió.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.