Thứ bảy, 20/04/2024, 13:42 [GMT+7]

Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa

Thứ tư, 15/09/2021 - 09:41'
Nậm Chà - một trong những xã xa nhất của huyện biên giới Nậm Nhùn. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH)” được cán bộ, Nhân dân trong xã nhiệt tình hưởng ứng thực hiện. Từ đó, tạo nên những chuyển biến tích cực trong ĐSVH, tinh thần của người dân, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Xã Nậm Chà có 7 bản, 655 hộ dân với 3 dân tộc: Mông, Dao, Cống cùng sinh sống. Cơ sở để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong xã xây dựng ĐSVH đó chính là thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”. Cùng với đó là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc được Đảng ta xác định qua các giai đoạn phát triển của đất nước cũng như các nghị quyết của tỉnh, huyện Nậm Nhùn về xây dựng ĐSVH.

Nhiều lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn xã Nậm Chà được duy trì. Trong ảnh: Tết Mìn Loóng Phạt của dân tộc Cống - một trong những lễ hội tại địa phương được tổ chức khi chưa có dịch Covid-19.

Công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động của Đảng ủy, chính quyền xã Nậm Chà được thực hiện thường xuyên, liên tục và sát sao. Nội dung tập trung vào phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xây dựng ĐSVH. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp như hiện nay, xã thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ; tạo sân chơi giải trí cho người dân và khuyến khích tất cả các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng ĐSVH của cộng đồng. Quan tâm xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; tạo bộ mặt văn hoá riêng của địa phương cũng như hoà chung và theo kịp sự phát triển của huyện, tỉnh. Tính đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ bản đạt tiêu chuẩn bản văn hóa của xã là 71%, gia đình văn hóa đạt 80% và 100% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Ông Vũ Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Nậm Chà cho biết: Bên cạnh việc quan tâm để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì việc xây dựng ĐSVH ở các bản nói riêng và toàn xã nói chung cũng được quan tâm thực hiện. Văn hóa là nền tảng tinh thần của người dân, đa dạng trong hưởng thụ văn hóa cũng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của xã phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân xây dựng ĐSVH ở khu dân cư, hướng tới các bản và toàn xã xây dựng ĐSVH theo hướng văn minh, hiện đại.

Nói đến xây dựng ĐSVH ở xã Nậm Chà, không thể không nói đến hoạt động xây dựng thư viện hoặc phòng đọc sách, xây dựng các nhà văn hoá làm trung tâm của các hoạt động văn hoá cấp xã và tổ chức các hoạt động văn hoá - văn nghệ - thể dục thể thao. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức của người dân, xã xây dựng thư viện sách tại điểm bưu điện của xã. Các loại sách chủ yếu hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và pháp luật. Các bản được đầu tư xây dựng nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp cho người dân. Đến thời điểm này, 7/7 bản có nhà văn hóa được xây dựng kiên cố, bán kiên cố và thành lập được các đội văn nghệ. Các đội văn nghệ này thường xuyên tổ chức biểu diễn nhân dịp các ngày lễ của đất nước, địa phương; tổ chức phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khoẻ và các buổi giao lưu, thi đấu. Xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc xây dựng hương ước của bản trên cơ sở phát huy những quy định truyền thống tốt đẹp của địa phương với những tiến bộ, thành tựu chung của xã hội. Quản lý tốt các hoạt động văn hoá nhằm tạo lập nếp sống văn hoá trong việc cưới, tang, lễ hội và bài trừ hủ tục, tập quán lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội khác. Hiện nay, nhiều lễ hội, ngành nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn được duy trì tốt như: Tết Mìn Loóng Phạt của dân tộc Cống; nghề thêu hoa văn trên trang phục, làm bạc của dân tộc Dao; nghề rèn dao, làm vải lanh của dân tộc Mông.

Có mặt ở bản Táng Ngá, chúng tôi cảm nhận rõ nét những thay đổi từ xây dựng ĐSVH. Các tuyến đường nội bản được bà con dọn dẹp sạch sẽ bởi thói quen cứ vào buổi chiều thứ sáu hàng tuần cả bản cùng dọn dẹp. Ở bản không xảy ra việc nuôi gia súc thả rông hay dưới gầm sàn gây mất vệ sinh môi trường. Người dân trong bản luôn đoàn kết, sẵn sàng giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Bà Lò Thị Lu (dân tộc Cống ở bản Táng Ngá) cho biết: Được cấp ủy, chính quyền vận động nên người dân cũng hiểu biết hơn trong xây dựng ĐSVH. Trong bản hiện nay không còn tình trạng tảo hôn, đường ngõ bản sạch đẹp, cuộc sống ổn định nên bà con phấn khởi lắm.

Từ xây dựng ĐSVH cũng tạo ra những chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Tính đến nay xã đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 35%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98,2%...

Với những kết quả đạt được, hy vọng phong trào xây dựng ĐSVH của Nậm Chà sẽ phát triển hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt cho người dân trên địa bàn.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...