Đặc sắc không gian trưng bày văn hoá các dân tộc tỉnh tại Tiền Phong Marathon 2023
Theo đó, đã có hơn 200 hiện vật của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, bao gồm: công cụ lao động sản xuất, trang phục truyền thống, nhạc cụ, công cụ săn bắt, đồ dùng sinh hoạt, các trò chơi, nghệ thuật trình diễn dân gian, công cụ nghề dệt vải, công cụ nghề rèn, ẩm thực truyền thống… được trưng bày, giới thiệu và quảng bá.
Du khách trải nghiệm xay ngô - hoạt động đặc trưng trong văn hoá của người dân tộc Mông.
Đặc biệt, tại không gian văn hoá này, các du khách, vận động viên, Nhân dân được trải nghiệm nhiều hoạt động trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, nét văn hoá độc đáo của 2 dân tộc đặc trưng trên địa bàn thành phố Lai Châu là người Mông, người Giáy. Đối với người dân tộc Mông có các hoạt động nổi bật như: khắc hoạ tiết bằng sáp ong lên vải, xay ngô bằng cối đá, nghề rèn sắt. Đối với người dân tộc Giáy, mọi người được tham gia vào các hoạt động: dệt vải, đan lát; thưởng thức các điệu múa, tiếng nhạc pí kẻo, món ăn mang đặc trưng; chơi các trò chơi dân gian…
Các vận động viên tham dự Giải Tiền Phong Marathon 2023 thích thú khi được khắc hoạ tiết bằng sáp ong lên vải.
Nghề dệt vải của dân tộc Giáy thu hút sự tham gia của nhiều du khách.
Lai Châu là tỉnh biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có 20 dân tộc cùng sinh sống. Vì vậy, qua không gian trưng bày văn hoá, nhằm giới thiệu, quảng bá và tôn vinh những nét văn hoá đặc sắc, hấp dẫn của các dân tộc trên địa bàn tới vận động viên, du khách, Nhân dân trong và ngoài nước nhân sự kiện Giải Tiền Phong Marathon 2023. Chính những bản sắc văn hoá độc đáo của 20 dân tộc đã tạo nên sự đa dạng, phong phú, làm động lực tinh thần to lớn để Nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội; đồng thời làm điểm nhấn để thu hút các du khách trong nước và quốc tế đến với Lai Châu nhiều hơn.
Các em nhỏ hào hứng với trò chơi cầu bập bênh bằng gỗ.
Đông - Duy
Bình luận