Văn hóa | QH-HĐND | Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng | KỶ NIỆM 115 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 75 THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH, 20 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU
"Đòn bẩy" đưa văn hóa - du lịch Lai Châu phát triển lên tầm cao mới
Bài 4: Đưa Văn hóa - Du lịch Lai Châu đến với bạn bè bốn phương
* Bài 3: Người dân được thụ hưởng trực tiếp từ Nghị quyết
Thực hiện quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta” (1), thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành 30 văn bản để thực hiện và được cụ thể hóa bằng nhiều hoạt động để đưa bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch đến với du khách bốn phương.
Do vậy, tỉnh Lai Châu tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch trong và ngoài tỉnh như: Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Hà Nội; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 tại tỉnh Lai Châu; Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 tại Lai Châu; Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, Tuần Văn hoá - Du lịch Lai Châu năm 2023 tại Lai Châu...
Tại các tuần văn hóa, ngày hội, nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức như giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Lai Châu đến với du khách. Đặc biệt, các nghệ nhân, diễn viên chuyên và không chuyên của các dân tộc Lai Châu đã biểu diễn các điệu múa mô phỏng hoạt động đời sống sinh hoạt thường ngày, làn điệu dân ca truyền thống và tái hiện các lễ hội cũng như hoạt động tâm linh đặc sắc... của đồng bào các dân tộc địa phương.
Đặc biệt, tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn đưa văn hóa Lai Châu đến phương nam của Tổ quốc bằng sự kiện cụ thể là Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Với chủ đề “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ”, nhằm quảng bá Lai Châu có 7 đỉnh núi cao nhất của cả nước, đây là nguồn tài nguyên để phát triển du lịch leo núi. Đồng thời, tại sự kiện các nghệ nhân, diễn viên của tỉnh Lai Châu đã biểu diễn các ca khúc, tiết mục văn nghệ, các điệu múa xòe, sạp, hát then - đàn tính dân tộc Thái, múa khèn dân tộc Mông, múa xòe dân tộc Hà Nhì; đã thu hút đông đảo người dân, du khách đón xem và để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
Qua các sự kiện trên cho thấy, Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu được cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, có quy mô mang tính toàn quốc và cấp tỉnh, góp phần đưa văn hóa Lai Châu đi xa khắp muôn phương và kích cầu du lịch ngày càng phát triển.
Cùng với đó, tỉnh Lai Châu tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm thu hút các nhà quản lý, chuyên gia du lịch hàng đầu, đại diện các công ty lữ hành trong và ngoài nước về du lịch đánh giá khả năng khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh. Điển hình là vào đầu tháng 11 năm 2023, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023, tỉnh Lai Châu tổ chức Tọa đàm đánh giá sản phẩm du lịch Lai Châu.
Buổi Tọa đàm nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch, dịch vụ mới của tỉnh Lai Châu tới các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan truyền thông trong cả nước, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch 3 tỉnh Bắc Lào (Phong Sa Ly, U Đôm Xay, Luông Pha Bang), các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ đó, đẩy mạnh công tác truyền thông các điểm đến của Lai Châu tới du khách trong nước và quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Lai Châu kết nối với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình tour du lịch đưa khách đến với Lai Châu.
Khi đến với Lai Châu, du khách đều ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của mảnh đất và con người nơi đây. Lai Châu được ví như người con gái đẹp ngủ quên và chưa được đánh thức, để đưa vẻ đẹp tiềm ẩn đó đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước, tỉnh đẩy mạnh thực hiện các biện pháp tuyên truyền, quảng bá hình hình ảnh về tiềm năng, thế mạnh, vùng đất, con người, các nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
Một trong những biện pháp đã thực hiện đó là tỉnh Lai Châu đã tiến hành quảng bá văn hóa, du lịch trên các báo, tạp chí điện tử trung ương và địa phương (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lai Châu, Báo Dân trí, VnExpress, Tiền phong, VietNamnet, Thông tấn xã Việt Nam, Tapchidulich.net.vn, Giáo dục và Thời đại, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Dân Việt)…
Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội; Hội chợ Du lịch quốc tế ITE Thành phố Hồ Chí Minh 2023; Hội chợ Du lịch Tây Bắc và sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch đất tổ năm 2023 tại tỉnh Phú Thọ; phối hợp xây dựng sản xuất phim quảng bá về văn hóa - du lịch Lai Châu…
Không chỉ cấp tỉnh mới có nhiều hoạt động thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng tổ chức nhiều sự kiện để thu hút khách du lịch. Phong Thổ là một trong những địa phương điển hình, HĐND huyện Phong Thổ đã ban hành Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 18/3/2022 về Đề án Phát triển du lịch huyện Phong Thổ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, HĐND huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết các cấp, trong đó có Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh, Nghị quyết 71 của HĐND huyện đến toàn thể cử tri, Nhân dân trên địa bàn huyện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai, thực hiện Nghị quyết bằng việc tham gia vào các cuộc kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy, Huyện ủy, các của Ban HĐND tỉnh khi thực hiện kiểm tra, giám sát tại địa phương. Từ đó, HĐND huyện đã tham gia và định hướng cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nội dung đã được ban theo đúng quy định và đạt hiệu quả. Bà Vương Thị Thu Hiền, Chủ tịch HĐND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết.
Lai Châu là tỉnh nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có các quốc lộ 279, 4D, 12, 32 chạy qua; có cửa khẩu Quốc tế Ma Lù Thàng, nằm không xa địa bàn kinh tế quan trọng của vùng Tây Bắc với tuyến hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tỉnh có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trong đó có tiềm năng du lịch. Tài nguyên thiên nhiên phong phú, hấp dẫn như: Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ) được mệnh danh là một trong những cung đèo dài nhất Việt Nam, khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây có cầu kính cao nhất Đông Nam Á, khu rừng sinh thái Hoàng Liên, khu sinh thái Tà Tổng, khu du lịch sinh thái Thác Tác Tình, khu du lịch sinh thái Quần thể hang động Pusamcap lớn nhất Tây Bắc...
Cùng với lợi thế là tỉnh có 7/10 ngọn núi cao nhất cả nước, tỉnh Lai Châu đang xây dựng sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm (dù lượn) và các tour khám phá, chinh phục các đỉnh núi cao như Đỉnh Pu Si Lung (cao 3.083 m); đỉnh Pu Ta Leng (cao 3.049 m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m), đỉnh Tả Liên Sơn (cao 2.993m)…
Với lợi thế sẵn có, thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh, tỉnh Lai Châu đã lãnh, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và sản phẩm nông nghiệp, các lễ hội truyền thống, trong đó có thể kể đến các điểm được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến như khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây, khu du lịch sinh thái Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ); làng cá Thẩm Phé (Than Uyên), bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ - Đồng chí Chu Lê Chinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết.
Để đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của du lịch Lai Châu với các hãng lữ hành, du khách trong nước và quốc tế, tỉnh Lai Châu đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, hợp tác phát triển du lịch Lai Châu - Lào Cai…
Công tác hợp tác quốc tế về phát triển du lịch được tỉnh Lai Châu tăng cường thực hiện với các tỉnh lân cận của các nước bạn. Trong đó, tỉnh Lai Châu đã hợp tác về văn hóa, du lịch với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; 3 tỉnh Bắc Lào bằng việc tham gia chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); tham gia sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Tây Bắc tại tỉnh Luông Pha Băng (Lào).
Việc quảng bá hình ảnh, miền đất, con người Lai Châu tại các sự kiện văn hóa khu vực, toàn quốc do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các địa phương trong cả nước tổ chức cũng được tỉnh Lai Châu chú trọng thực hiện và qua đó học hỏi kinh nghiệm phát triển văn hóa, du lịch của các tỉnh khác. Điển hình như tỉnh Lai Châu đã tham gia chuỗi sự kiện Festival Tinh hoa Tây Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tuần Du lịch - Văn hóa Tây Bắc mở rộng tại thành phố Cần Thơ; Liên hoan Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (tại tỉnh Hòa Bình); Lễ hội hoa Ban năm 2023 tại tỉnh Điện Biên; Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia năm 2023 tại huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái)…
Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: Để khảo sát xây dựng và phát triển tour du lịch “Hùng vĩ Tây Bắc” kết nối sản phẩm du lịch của các tỉnh Tây Bắc, tỉnh Lai Châu đã đón các đoàn khảo sát và tham gia tọa đàm chương trình “Ruộng bậc thang”, kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia tại 4 tỉnh Yên Bái - Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang; chương trình Famtrip khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch mới tại 4 huyện Sìn Hồ - Tân Uyên - Than Uyên - Nậm Nhùn; khảo sát Khu vực đèo Hoàng Liên Sơn, khu du lịch Cầu kính rồng mây, bản Sì Thâu Chải và bản Thẳm (huyện Tam Đường); chợ đêm và chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu); bản Vàng Pheo, bản Vàng Pó và bản Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ)…
Theo đánh giá của các các đơn vị lữ hành đến khảo sát tại tỉnh Lai Châu, tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển văn hóa, du lịch, kết nối với những tour khác của các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… để đưa du khách đến Lai Châu ngày càng nhiều hơn. Tỉnh Lai Châu có thế mạnh phát triển du lịch leo núi, mạo hiểm, du lịch cộng đồng, đặc biệt là việc khám phá các nét đặc sắc văn hóa của người dân bản địa ở địa phương. Việc khảo sát là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành kết hợp các tour du lịch và đưa khách đến với Lai Châu nhiều hơn nhằm kích cầu, mở rộng thị trường du lịch tại địa phương.…
Qua các hoạt động đã tiến hành trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm quản lý; đổi mới hình thức xúc tiến quảng bá, thu hút, kêu gọi đầu tư; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và góp phần giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế về du lịch, văn hóa truyền thống đặc sắc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Lai Châu với bạn bè trong nước, quốc tế và góp phần kích cầu du lịch phát triển.
Từ đó có thể thấy, việc thực hiện thực hiện Nghị quyết 59 của HĐND tỉnh Lai Châu được tiến hành phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực, đã góp phần lấy văn hóa để phát triển du lịch và lấy du lịch để phát triển văn hóa. Qua đó, đưa văn hóa, du lịch của Lai Châu ngày càng phát triển lên tầm cao mới, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Ra sức xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 979, tháng 12-2021, tr. 7
(còn nữa)
Kim Anh - Văn phòng UBND tỉnh
Bình luận