Thứ bảy, 27/07/2024, 11:01 [GMT+7]

Gìn giữ, bảo tồn nghề dệt vải

Thứ tư, 22/11/2023 - 16:30'
Dệt vải là nghề thủ công truyền thống từ bao đời nay của nhiều dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: Thái, Mông, Lào, Lự, Dao… Trải qua những thăng trầm của thời gian, cùng với sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, nhiều máy móc tân tiến ra đời, thế nhưng một số dân tộc thiểu số đã và đang gìn giữ, bảo tồn nghề dệt vải.

Vừa qua, trong khi tác nghiệp tại Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người lần thứ I, Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023, chúng tôi ấn tượng với không gian văn hóa của 4 dân tộc rất ít người của tỉnh: Lự, Cống, Mảng, Si La. Đặc biệt, khi các bà, các chị người Lự trình diễn những công đoạn cán, bật bông, quay tơ, kéo sợi, dệt vải… thu hút đông đảo du khách và đại biểu ghé thăm, trải nghiệm.
Chị Tao Thị Phúm (dân tộc Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường) cho biết: Tôi đặc biệt yêu thích nghề dệt vải truyền thống của dân tộc mình. Nhờ đó, mỗi năm tôi đều làm ra những bộ trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình. Trước đây, nhà tôi còn trồng bông, lấy nguyên liệu dệt vải; giờ thì nguyên liệu có sẵn trên thị trường, tôi tìm mua rất tiện lợi. Dù vậy, trong bản vẫn còn một vài hộ trồng bông trên nương. Tham gia ngày hội, tôi và chị em trong xã rất tự hào khi trình diễn, giới thiệu các công đoạn của nghề dệt vải truyền thống của dân tộc tới bà con trong tỉnh và du khách.
Tuy là tỉnh miền núi phía Tây Bắc của Tổ quốc, nhưng Lai Châu luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp với du khách trong nước và quốc tế bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp; sự thân thiện, mến khách của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt là nền văn hóa đa sắc màu của 20 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Lào, Lự, Cống, Mảng, La Hủ…) trên địa bàn tỉnh. Trong những nét đặc trưng riêng có, nghề dệt vải truyền thống đã và đang được lưu truyền lại từ đời này qua đời khác.

Phụ nữ dân tộc Lự trình diễn nghề dệt vải truyền thống tại Ngày hội Văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người lần thứ I, Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.

Chị Lương Thị Tý - Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Than Uyên cho hay: Cán bộ của phòng thường xuyên đến các xã, bản tuyên truyền, vận động bà con tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có nghề truyền thống như: dệt vải, đan lát, vẽ sáp ong trên vải. Hiện nay, nghề dệt vải truyền thống được bà con dân tộc Thái, Khơ Mú, Mông lưu giữ vẹn nguyên với đa dạng sản phẩm: vải để may quần áo, làm ga giường, vỏ đệm, túi sách, khăn…
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tuỳ vào mỗi trang phục truyền thống của dân tộc, dưới đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị tạo nên những tấm vải thô một màu và vải có họa tiết trang trí. Đơn cử như vải của người Thái, Mông, Dao được làm ra chủ yếu là thô trắng, sau đó nhuộm chàm và thêu hoa văn, vẽ sáp ong trước khi hoàn thành bộ trang phục truyền thống. Người Lào, Lự dệt thêm vải có họa tiết hoa văn để may váy, làm ga trải giường, chăn…
Chị Lò Thị Pỏm, dân tộc Lào ở xã Mường Khoa (huyện Tân Uyên) chia sẻ: Công đoạn khó và cầu kỳ nhất để tạo ra những tấm vải hoa văn đó chính là sắp xếp các sợi chỉ lên khung cửi; cần phải có nhiều người giúp đỡ, tỷ mỷ từng chút. Để rồi dệt đến đâu, tạo thành hình hoa văn đến đó.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, trong đó có nghề dệt vải. Theo đồng chí Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, bên cạnh chú trọng tuyên truyền các hộ dân gìn giữ nghề dệt vải, hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh và một số không gian trưng bày văn hóa các dân tộc ở Than Uyên, Phong Thổ đang có mô hình của nghề dệt vải, bao gồm khung cửi, các đồ dùng đánh bông, khung quay sợi... Tỉnh và các địa phương cũng đã quan tâm, lựa chọn trưng bày, trình diễn nghề dệt vải truyền thống của một số dân tộc tiêu biểu tại các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh.
Được biết, tháng 7 vừa qua, huyện Tân Uyên tổ chức mở lớp truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Lào tại xã Mường Khoa. Trước đó, tháng 4/2023, UBND xã Bản Hon (huyện Tam Đường) tổ chức trình diễn nghề dệt vải truyền thống của dân tộc Lự tại Lễ hội Sú Khon Khoài (Cúng hồn trâu).
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nhiệt tình, sự chủ động của nhân dân các dân tộc, nghề dệt vải truyền thống tiếp tục được lưu truyền. Qua đó, từng bước tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm những nét đẹp trong nền văn hoá đặc sắc của Lai Châu.

Đinh Đông - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.