Thứ sáu, 17/05/2024, 11:41 [GMT+7]

Kịch "Tất cả đều là con tôi": Diện mạo mới với phong cách tả thực

Thứ sáu, 04/11/2011 - 08:36'
Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp với Đại sứ quán Mỹ dàn dựng tác phẩm "All my sons" - "Tất cả đều là con tôi" của tác giả người Mỹ Arthur Miller - theo chương trình "Đại sứ văn hóa" nhằm nâng cao kỹ năng diễn xuất cho diễn viên trẻ và tiếp cận sân khấu Mỹ. Trong một tháng, đạo diễn sân khấu người Mỹ Neil Fleckman sẽ làm việc với các nghệ sĩ của Đoàn kịch 2 - Nhà hát Tuổi trẻ nhằm chuẩn bị cho màn ra mắt được kỳ vọng tạo diện mạo mới cho chính tác phẩm này

Đoàn kịch II Nhà hát Tuổi trẻ tham gia diễn xuất vở “Tất cả đều là con tôi”.

Nói vậy là bởi "Tất cả đều là con tôi" không phải là tác phẩm mới với công chúng Việt Nam. Vở kịch viết năm 1947 này đã được dịch giả Đặng Thế Bính dịch sang tiếng Việt, NXB Văn học in năm 1973 và đạo diễn - NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng cho Đoàn kịch Hà Nội trình diễn thành công. Tác phẩm còn một bản dịch nữa, nằm trong bộ sách "100 kiệt tác sân khấu thế giới" do NXB Sân khấu phát hành năm 2006. Với tư cách là người biên tập kịch bản, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận cho biết: "Tất cả đều là con tôi" dàn dựng lần này sử dụng bản dịch cũ của Đặng Thế Bính. Chuyện kể lại rằng một nhà thơ Nga đã sang Việt Nam mua cuốn sách do Đặng Thế Bính dịch và tặng lại nó cho tác giả Arthur Miller. Nhà viết kịch rất quý cuốn sách và xúc động khi tác phẩm của mình phổ biến đến vậy. Hơn nữa, bản dịch này được chuyển ngữ khá chuẩn xác và mang tính văn học cao.

"Tất cả đều là con tôi" là kiệt tác xúc động nhất của Arthur Miller, từng gây tiếng vang trên sân khấu Broadway trong cả 3 lần dàn dựng và đã được chuyển thể điện ảnh. Tấn bi kịch mà Miller dựng lên xoay quanh gia đình Joe Keller - chủ xí nghiệp chế tạo động cơ máy bay. Vì lợi nhuận, Keller giao hàng kém phẩm chất khiến nhiều phi công thiệt mạng. Ông ta đẩy lỗi khiến bạn phải vào tù và bình thản dựng cơ đồ mới. Con trai Keller biết, quá xấu hổ và đã tự sát… Miller viết kịch bản này theo quy tắc kinh điển của sân khấu: toàn bộ câu chuyện diễn ra ở một địa điểm trong 24 giờ. Tác phẩm mang đúng phong cách của ông là chống lại bất công xã hội, chống phân biệt chủng tộc.

Trong khi nghệ sĩ và công chúng Việt Nam quá quen với sân khấu ước lệ thì việc dàn dựng tác phẩm nước ngoài theo phong cách tả thực với một đạo diễn chuyên nghiệp của Mỹ chắc khó tránh khỏi những bỡ ngỡ. "Nhưng, qua 3 ngày làm việc, mọi lằn ranh đã được xóa nhòa, chỉ có chỗ cho lao động nghệ thuật để đem đến một tác phẩm tốt nhất", đạo diễn Fleckman đánh giá.

Họa sĩ Doãn Bằng được lựa chọn thiết kế sân khấu cho vở kịch qua sự giám tuyển chặt chẽ của đạo diễn. Câu chuyện xảy ra trong không gian hẹp nhưng họa sĩ sẽ mang đến cho người xem cảm nhận về một khu vườn thực, sinh động mang đặc trưng của nước Mỹ. Nhà hát Tuổi trẻ đang dựng mô hình tòa nhà 2 tầng như kích thước thật để đưa lên sân khấu. Đoàn kịch 2 đã cử những diễn viên hàng đầu tham gia vở kịch như NSND Lê Khanh, Sĩ Tiến, Bá Anh, Thanh Bình, Tú Oanh, Ngọc Huyền, Quang Ánh, Thanh Dương, Thùy Dương… Dự kiến, "Tất cả đều là con tôi" sẽ có 3 buổi diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Lớn - Hải Phòng vào đầu tháng 12.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...