Lan tỏa phong trào xây dựng nông thôn mới
Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) từng là “điểm nóng” khi tình trạng trồng và hút thuốc phiện trong nhân dân khá phổ biến. Cùng với đó là lạc hậu, nghèo đói, tệ nạn xã hội... Giờ đây, Sin Suối Hồ đã “lột xác” toàn diện.
Anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Trước đây, dân bản trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, say mê trong làn khói thuốc phiện và uống rượu để rồi đói nghèo đeo bám. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền bản triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch; “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tuyên truyền, vận động và “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với trồng rừng. Nhân dân quyết tâm hơn trong cuộc chiến với “ma men” và “nàng tiên nâu”. Thay đổi nếp nghĩ, cách làm, dân bản ký cam kết thực hiện 5 “không”: Không thuốc phiện, không uống rượu, không thuốc lá, không cờ bạc và không xả rác. Nông sản làm ra, bà con chủ động đưa về chợ trung tâm xã, huyện và tỉnh để bán, từ bỏ lối sống tự cung, tự cấp; cải tạo môi trường sống xanh - sạch - đẹp, giữ gìn vệ sinh chung. Đồng thời, tích cực học hỏi cách làm du lịch của các địa phương khác, khai thác lợi thế địa hình, khí hậu xây dựng thành công bản du lịch cộng đồng vào năm 2015. Và, vừa qua, tại Indonesia, điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023.
Một góc thành phố Lai Châu hôm nay.
Được biết, với sự sáng tạo trong ý tưởng, cách làm, một số hộ dân ở bản Sin Suối Hồ đã xây dựng mô hình: homestay nhà tổ chim, tổ ong; quán cafe trên đỉnh núi, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Nhân dân tập trung trồng, chăm sóc 187,7ha chè, 232ha thảo quả, 30.000 gốc địa lan; kết hợp trồng dược liệu, chăn nuôi, trồng rừng. Nhờ đó, Sin Suối Hồ đã ra khỏi diện trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự; tỷ lệ hộ giàu chiếm tới 40%.
Anh Nguyễn Văn Thủy (du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc) hồ hởi: Đi du lịch nhiều nơi nhưng tới Sin Suối Hồ tôi có nhiều cảm xúc khác biệt. Nơi đây còn giữ nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ, đậm đà bản sắc dân tộc Mông. Con người hiếu khách, thân thiện; khí hậu trong lành, bản làng sạch, đẹp. Tìm hiểu về cuộc sống của bà con, tôi càng khâm phục sự nỗ lực hướng tới những điều tích cực. Đây thực sự là một miền quê đáng sống, chúng tôi sẽ trở lại vào ngày gần nhất.
Xây dựng Lai Châu phát triển nhanh, bền vững, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Trọng tâm là phát động, lan tỏa các phong trào thi đua: “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”… gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Triển khai nhiều cuộc vận động, mô hình như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”; “Tổ dân phố không tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội”. Qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân, cảnh quan đô thị, nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ).
Thông qua các chương trình, đề án của trung ương, của tỉnh, các địa phương đồng hành với các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, OCOP. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn; thực hiện tiêu chí nhà ở dân cư, môi trường. Triển khai nhiều chính sách, nghị quyết hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đã xây dựng được các điểm du lịch cộng đồng, điểm đến hấp dẫn như: Bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ), bản Vàng Pheo (xã Mường So) của huyện Phong Thổ; Bản Thẳm (xã Bản Hon), Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) của huyện Tam Đường… Tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu 2022; Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023… nhằm tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc các dân tộc ít người. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; thúc đẩy sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của mỗi cá nhân cùng những khát vọng và quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, lịch sự - là điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế.
Với những giải pháp, cách làm cụ thể, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 711 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; ước tính năm 2023 đón 1.045.000 lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng; tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm 3,4%/năm; có 39 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Khí hậu trong lành, người dân thân thiện, mến khách, an ninh trật tự đảm bảo. Lai Châu đang là điểm đến hấp dẫn, là miền quê đáng sống để mỗi người dân khi xa đều lưu luyến trở về.
Vương Trang
Bình luận