Thứ bảy, 27/04/2024, 08:33 [GMT+7]

Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa

Thứ sáu, 17/07/2020 - 11:12'
Nhắc đến Than Uyên, người ta thường nghĩ ngay tới vùng đất cổ - nơi có nhiều dân tộc cùng chung sống với những nét đẹp riêng về văn hóa của mỗi dân tộc từ tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, ẩm thực, kiến trúc xây dựng nhà ở… Dịp tết đến, xuân về hay lễ hội khách thăm Than Uyên được thưởng thức âm thanh trong trẻo, ngân nga, rộn rã, tươi vui của tiếng chiêng, trống, đàn tính tẩu, tiếng khèn và hòa mình vào vòng xòe đoàn kết. Người dân Than Uyên luôn tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. 5 năm qua, huyện triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt để lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin đẩy mạnh tuyên truyền lưu động, đưa thông tin về cơ sở, phổ biến tới bà con các chủ trương của Đảng, chính sách, của Nhà nước về bảo tồn văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, tổ chức lễ hội; tuyên truyền các loại hình văn hóa dân gian; khuyến khích người dân chú trọng bảo tồn nguyên gốc các lễ hội, ẩm thực, văn nghệ dân gian; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các loại hình kiến trúc đặc trưng như nhà sàn của người Thái. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị xã, thị trấn mỗi năm duy trì tổ chức từ 50-55 chương trình văn nghệ, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, thông tin tuyên truyền. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân Than Uyên về mảnh đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Huyện quan tâm sưu tầm, phục dựng, tổ chức và nâng tầm các lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa, tâm linh của các dân tộc trên địa bàn như: lễ cấp sắc của người Dao đỏ; lễ cầu phúc, cầu thọ, tết cổ truyền của người dân tộc Mông; lễ cúng bản, hội Xòe chiêng, lễ hội Lùng Tùng của người Thái…; bảo tồn tư liệu lịch sử giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được chú trọng, gìn giữ phát huy gồm: trang phục, nhà sàn, nghề dệt truyền thống thổ cẩm, đàn tính - hát then, múa xòe, ẩm thực.

Đồng chí Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên thực hiện nghi thức xuống đồng tại Lễ hội Lùng Tùng.

Đồng chí Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên thực hiện nghi thức xuống đồng tại Lễ hội Lùng Tùng.

Huyện chú trọng tới các di tích được xếp hạng cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử cách mạng bản Lướt, xã Mường Kim (nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Lai Châu) được công nhận năm 2009; Di chỉ Khảo cổ học Thẩm Đán Chể (xã Mường Kim) được công nhận năm 2011; Quần thể hang động bản Mè (xã Ta Gia) được công nhận năm 2016. Và biên soạn, phát hành 3 cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Than Uyên”, “Lịch sử Đảng bộ xã Mường Kim” và “Lịch sử Đảng bộ xã Khoen On”. Đây được coi là những “địa chỉ đỏ” giúp huyện làm tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng và giá trị văn hoá của các dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Mới đây, huyện đầu tư xây dựng và hoàn thành hạng mục phù điêu, bia di tích, trồng cây xanh tại Khu di tích lịch sử bản Lướt tạo điều kiện cho du khách trong và ngoài tỉnh tham quan, du lịch.
Trong 5 năm qua, huyện Than Uyên duy trì tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 hàng năm với quy mô ngày càng lớn và nhiều đổi mới về nội dung, hình thức phong phú. Tiêu biểu, trong năm 2019, ngoài các hoạt động: chợ vùng cao, trại văn hóa, thi trình diễn trang phục, ẩm thực, các môn thể thao dân tộc… Ngày hội còn tổ chức giải đua thuyền đuôi én; biểu diễn lễ hội đường phố quy tụ gần 600 nghệ nhân, diễn viên, quần chúng tham gia tái hiện lại các hoạt động văn hóa: đàn tính - hát then của người Thái; múa lân - rồng của người Kinh; đánh chiêng - trống, múa Hưn Mạy của người Khơ Mú; lễ rước dâu của người Dao đỏ và múa khèn, múa ô của người Mông. Khôi phục lại không gian văn hóa nhà sàn (của người Thái) và tổ chức Hội thi Văn nghệ dân gian dân tộc Mông. Đây là dịp để Nhân dân các dân tộc trong huyện giao lưu văn hóa, gắn bó tình đoàn kết.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của 127 đội văn nghệ quần chúng cấp xã, bản, khu phố; 2 câu lạc bộ (CLB) đàn tính - hát then, 1 Ban vận động CLB văn hóa dân tộc Mông. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hạ tầng thiết chế văn hóa cơ sở. Đến nay, toàn huyện có 147 nhà văn hóa ở 12 xã, thị trấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa của Nhân dân. Thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường học trên địa bàn huyện chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường đưa văn hóa dân gian vào trường học. Hiện, toàn huyện có 7 CLB thêu, 1 CLB khèn Mông, 1 CLB hát then - đàn tính của 9 trường tiểu học và trung học cơ sở với sự tham gia của gần 400 học sinh là người Mông, người Thái.
Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, sự giao thoa của nền văn hóa trong xã hội hiện đại, nhiều nét văn hóa của các dân tộc như: làn điệu dân ca, múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, nghề thủ công truyền thống dần bị mai một. Do đó, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; duy trì các hoạt động hiện có; khôi phục lại một số lễ hội: lễ hội Mừng cơm mới của người Khơ Mú, Then Kin Pang, Hạn Cuống (hát giao duyên) của người Thái; khai thác các khu di tích lịch sử, khu du lịch sinh thái lòng hồ gắn với văn hóa từng dân tộc.

Trần Quang Chiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...