Thứ bảy, 20/04/2024, 02:18 [GMT+7]

Người giữ hồn văn hóa Si La ở Lai Châu

Thứ hai, 20/09/2010 - 15:44'
(BLC) - Dáng người nhỏ, nước da ngăm đen vì nắng gió, ở vào tuổi 73 với nhiều lo toan cuộc sống hàng ngày nhưng ông vẫn sưu tầm những lời dân ca, điệu sáo, múa cổ; rồi ông tự sáng tác lời để sang sông truyền dạy cho con cháu Si La mình.
Nghệ nhân Hù Chà Khao thổi Pờ Tư Hế Lế, giới thiệu nhạc cụ dân tộc Si La.
Ông là nghệ nhân văn hóa dân tộc Si La – Hù Chà Khao ở bản Seo Hai, xã Can Hồ (huyện Mường Tè).
Trước sự phát triển của xã hội, các loại hình âm nhạc, nhạc cụ ngoại lai đã xâm nhập về bản làng người Si La. Theo thời gian, trẻ em trong bản dần quên đi cách cầm đàn, thổi sáo, điệu múa và những làn điệu dân ca cổ của dân tộc mình.
Là một trong số ít người già còn lưu giữ được những nét văn hóa dân tộc Si La, nghệ nhân Hù Chà Khao hiểu rằng nếu bây giờ không gìn giữ và truyền dạy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình cho con cháu thì chẳng bảo lâu nữa tiếng đàn, sáo kia sẽ không còn.
Nói là làm, chỉ với ý nghĩ đơn giản đó thôi, nhiều năm qua, dù mưa hay nắng ngày nào ông cũng vượt sông Đà về bản Seo Hai, Sì Thao Chải dạy những bé trai làm đàn, sáo và cách sử dụng; dạy các bé gái hát những điệu dân ca, múa cổ.
Để con cháu dân tộc mình quay trở lại chơi đàn, thổi sao, hát dân ca, những ngày đầu ông gặp rất nhiều khó khăn. Ông phải đến từng nhà để vận động phụ huynh cho các cháu tới học. Do trình độ dân trí thấp, cuộc sống khó khăn nên hầu hết mọi người cho rằng “phải no bụng đã rồi mới làm gì thì làm”. Người hiểu thì thông cảm động viên ông. Người không hiểu thì cho là ông ăn cơm nhà vác tù và, hâm và buông ra những lời nói khó nghe “già rồi mà chơi với trẻ con”. Trước khó khăn đó, ông không chịu lùi bước và đến trường tiểu học, THCS nhờ các thầy, cô giúp đỡ. Có thầy, cô vào cuộc dần dần các cháu cũng nghe theo.
Khi tuổi đã cao, ông lo sợ việc làm của mình sẽ dở dang. Những ngày ốm, ông nhờ vợ mình sang sông dạy thay. Rồi hai ông bà cùng thực hiện ước nguyện. Ông dạy chơi đàn, thổi sáo; bà dạy múa, hát dân ca…
Thời gian trôi qua, đám trẻ trong bản đã dần biết chơi đàn, thổi sáo, hát dân ca. Ngôi nhà văn hóa ở trung tâm bản Seo Hai trở thành điểm để ông và bọn trẻ trong bản chơi đàn, học hát hàng ngày. Hôm nào vì lý do này, kia mà các cháu không tới được thì ông ngồi thổi sáo, chơi đàn, bà hát những làn điệu dân ca cổ.
Mưa dầm thấm lâu, việc làm của ông không chỉ thu hút được trẻ em trong bản tới học mà mỗi khi tiếng đàn, tiếng sáo cất lên, già trẻ trong bản lại kéo nhau đến thưởng thức. Bên bếp lửa bập bùng trong căn nhà lợp prôximăng, thưng ván ém mình bên bờ bắc sông Đà, ông Hù Chà Khao đang miệt mài làm đàn. Thấy khách tới nhà, ông ngưng tay rồi cầm hai cây sáo một dài, một ngắn ra khoe: “Người Si La trước đây thổi sáo, đánh đàn và hát được nhiều làn điệu dân ca của dân tộc mình, nhưng nay không ai thổi hay hát đâu. Người biết thổi sáo, đánh đàn, hát dân ca chỉ còn mình và bà nó thôi (vợ ông)”.
Nói rồi ông cầm cây sáo dài giới thiệu, nó có tên là Pờ Tư Hế Lế. Cây sáo này xưa thường được đàn ông, thanh niên trong bản dùng để gọi nhau đi làm nương hay đi rừng cùng về. Cây sáo nhỏ có tên là Là Bí, đây là dụng cụ được con trai người Si La dùng để gọi bạn tình đến chỗ hẹn. Còn cây đàn có tên là Tứ Phề, nó được dùng trong các dịp lễ, tết hoặc việc tang. Kể xong, ông cầm đàn lên chơi, tiếng đàn vang vọng, lan toả.
Với những trăn trở và việc làm thiết thực đó, nhiều năm qua, nghệ nhân Hù Chà Khao được Viện Âm nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen vì đã có thành tích đóng góp vào việc gìn giữ, bảo tồn nhạc cụ âm nhạc dân tộc Si La. Điều ông vui và mong muốn nhất không phải là những tấm Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành mà chính là con cháu đã biết đàn, hát bằng những loại nhạc cụ, làn điệu dân ca dân tộc mình.

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...