Thứ ba, 07/05/2024, 09:21 [GMT+7]

Phong Thổ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

Thứ sáu, 04/02/2022 - 20:07'
(BLC) - Thực hiện Đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2020-2025” huyện Phong Thổ đã tạo điều kiện thuận lợi để 2 bản: Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) và Vàng Pheo (xã Mường So) phát triển, tạo được điểm nhấn, thu hút du khách gần xa tới tham quan.

Vàng Pheo và Sin Suối Hồ là 2 trong số 11 bản được tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2020-2025”. Ngay khi có văn bản chỉ đạo của cấp trên, tháng 3/2020 UBND huyện Phong Thổ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Chỉ đạo cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức thực hiện.

UBND các xã: Sin Suối Hồ, Mường So tổ chức họp bản, tuyên truyền đến đông đảo người dân hiểu về ý nghĩa Đề án để bà con tự giác tham gia; lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Qua thống kê, trong năm 2020, 2 xã được giao 3.130 triệu đồng đầu tư cho 2 bản xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, cảnh quan, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sản phẩm du lịch, đẩy mạnh phát triển các lễ hội, xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Năm 2021, hai xã tiếp tục được đầu tư 1 tỷ đồng để 2 bản trồng nhãn chín muộn và trồng địa lan. Điều này đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nâng cao nhận thức của Nhân dân trong cách làm du lịch, tăng sức hấp dẫn, mời gọi du khách.

Người dân bản Vàng Pheo (xã Mường So) được truyền dạy kỹ thuật chế tác nhạc cụ đàn tính tẩu.

Người dân bản Vàng Pheo (xã Mường So) được truyền dạy kỹ thuật chế tác nhạc cụ đàn tính tẩu.

Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, cảnh sắc và đất trời đang giao hòa, chúng tôi có dịp cùng cán bộ xã Mường So đến thăm bản Vàng Pheo. 3 chiếc cổng chào mới đã gây ấn tượng với chúng tôi. Những vòm hoa được làm rất tinh tế, mang vẻ đẹp tự nhiên, du khách thỏa sức chụp hình ở nhiều góc để lưu giữ hình ảnh. Đường đi lối lại trong bản sạch sẽ, gọn gàng, những giàn hoa, cây cảnh dọc bên đường đua nhau khoe sắc thắm.

Theo chia sẻ của bà con, bản văn hóa Vàng Pheo nằm dưới chân núi Pu Khọ Nhọ, nơi giao thoa giữa 2 dòng suối Nậm So và Nậm Lùm tạo cho Vàng Pheo sức hấp dẫn đặc biệt. Nơi đây còn có nhiều núi non hùng vỹ, những thửa ruộng, nương ngô xanh tốt. 100% là đồng bào dân tộc Thái trắng, vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng thông qua những ngôi nhà sàn truyền thống. Bà con mặc trang phục áo cóm duyên dáng, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ và duy trì nấu các món ăn đặc trưng như: cá bống vùi tro, rêu đá, cá nướng, thịt nướng, măng đắng…

Anh Đèo Văn Phong – Chủ tịch UBND xã Mường So cho hay, bên cạnh sức hút vốn có bởi cảnh sắc thiên nhiên, nét văn hóa đặc sắc, lý do du khách đến với bản Vàng Pheo là được thỏa sức trải nghiệm các hoạt động trong đời sống hàng ngày của bà con: dệt vải, đan lát, thưởng thức các điệu múa. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, thông qua Đề án “Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2020-2025”, bản được đầu tư gần 2 tỷ đồng để phục dựng Lễ hội Áp Hô Chiêng hay còn gọi là lễ hội gội đầu (thường diễn ra vào ngày 30/12 âm lịch). Nhân dân được truyền dạy các ngành nghề truyền thống (đan lát, chế tác nhạc cụ), trồng cây hoa ban ven đường vào bản. Gần đây, nhiều hộ dân được tham gia mô hình trồng nhãn chín muộn với diện tích 7ha. Nét đẹp nhiều, sức hấp dẫn gia tăng, du khách đến thăm bản đông, khiến số hộ làm dịch vụ homstay tăng từ 2 hộ (năm 2020) lên 5 hộ (năm 2022).

Du khách lựa chọn quà lưu niệm khi đi du lịch tại bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ).

Du khách lựa chọn quà lưu niệm khi đến du lịch tại bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ).

Nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, bản Sin Suối Hồ mang trong mình vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, có thác trái tim, chợ phiên vào ngày thứ 7 hàng tuần. Bản còn được mệnh danh là xứ sở của hoa địa lan và nơi lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Trong 2 năm 2020, 2021, bản được đầu tư trên 2,1 tỷ đồng để tạo cảnh quan môi trường; xây dựng các điểm dừng chân tại thác tình yêu và thác trái tim; xây dựng biển quảng cáo bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ; truyền dạy kỹ thuật tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong, sản xuất sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo người dân làm du lịch; triển khai trồng địa lan…

Được quan tâm đúng mức, 2 bản Sin Suối Hồ, Vàng Pheo ngày càng phát triển, hoàn thiện diện mạo, tạo điểm nhấn và phần nào làm giảm tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động du lịch. Chỉ tính riêng trong năm 2021, 2 bản vẫn đón lượng khách khá lớn đến tham quan, trải nghiệm (bản Vàng Pheo đón  2.500 lượt khách, bản Sin Suối Hồ đón hơn 1.000 lượt khách). Đây là minh chứng rõ nét khẳng định hiệu quả bước đầu của Đề án.  

Chị Nguyễn Thị Sen - du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Lần đầu tiên có dịp đi du lịch tại tỉnh Lai Châu tôi bị thu hút với các bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo, Sin Suối Hồ của huyện Phong Thổ, những nét văn hóa đặc sắc, không khí trong lành, khí hậu mát mẻ, con người thân thiện, vẫn giữ được nét hoang sơ vốn có. Lần sau có dịp lên Lai Châu tôi nhất định sẽ ghé thăm các bản”.

Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn là hướng đi phù hợp. Với 2 bản Sin Suối Hồ, Vàng Pheo, Đề án là điều kiện thuận lợi để tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn thông qua phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tiến tới nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Điển hình “dân vận khéo” của Đồn Biên phòng Hua Bum
Cùng với triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, công tác dân vận cũng được Đồn Biên phòng Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) đặc biệt chú trọng. Và, trong số những điển hình “dân vận khéo” của đơn vị có...