Thứ tư, 11/09/2024, 01:19 [GMT+7]

Suối nước nóng Tân Uyên: “Mỏ vàng” chờ khai phá

Thứ tư, 15/11/2023 - 11:52'
Suối nước nóng được coi là một trong những điểm nhấn du lịch của huyện Tân Uyên. Thế nhưng hiện nay “mỏ vàng” này vẫn chưa được khai thác hết lợi thế vốn có.

Chúng tôi đến điểm suối nước nóng của bản Nà Ún theo sự giới thiệu của cán bộ xã Pắc Ta. Khung cảnh thật yên bình, đẹp, thơ mộng; bao quanh cánh đồng còn thơm mùi rạ, những đồi chè thoai thoải uốn lượn, rặng tre, cây xanh bát ngát. Điểm suối nước nóng thuộc suối Nậm Sẳng được vợ chồng chị Lường Thị Pùa đầu tư xây bể tắm, trang trí, trồng cây xanh, đường hoa tạo khuôn viên phục vụ khách đến tắm. Ngoài ra, còn có một điểm tự nhiên bà con sử dụng để sinh hoạt hàng ngày ngay cạnh suối.
Chị Pùa tâm sự: Gia đình tôi xây bể nước nóng được hơn 3 năm. Trước thì làm nhỏ, giờ mở rộng, làm cả khuôn viên, bờ kè rộng hơn 500m2 với 3 bể tắm nhỏ, 1 bể chứa nước nóng; 2 nhà tắm riêng và nhà vệ sinh cho khách thay đồ. Khu vực bể, tôi đầu tư trên đất ruộng. Hồi đó, bố tôi đi làm đồng, thấy nước nóng sủi từ dưới mặt đất lên nên mạnh dạn chuyển diện tích đất lúa sang xây bể nước nóng. Hiện, mùa hè lượng khách ít hơn; mùa đông đón từ 50-100 người đến tắm mỗi ngày, giá vé 10.000 đồng/người, trẻ em dưới 5 tuổi thì miễn phí. Mỗi năm, gia đình thu hơn 40 triệu đồng từ dịch vụ này.

Bể tắm nước nóng ở bản Nà Ún (xã Pắc Ta) thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm.

Trên địa bàn huyện Tân Uyên hiện có 3 điểm suối nước nóng ở các bản: Nà Hoi (xã Thân Thuộc), Phiêng Phát (xã Trung Đồng), Nà Ún (xã Pắc Ta) với nhiệt độ nước từ 40-50Oc. Đây là tài nguyên quý giá thiên nhiên ban tặng cho địa phương để phát triển du lịch gắn với tham quan trải nghiệm vùng chè. Theo các nghiên cứu, nước khoáng nóng là một liệu pháp điều trị tổng hợp giúp tăng cường sức khỏe và sắc đẹp; hỗ trợ chữa nhiều bệnh mạn tính, đặc biệt là các bệnh thuộc hệ thống cơ khớp, thần kinh, rối loạn tuần hoàn dinh dưỡng. Tắm nước nóng, dưới tác động trực tiếp của nước, nhiệt, khoáng còn giúp điều trị có hiệu quả bệnh về da, trong đó có bệnh vẩy nến viêm da và nhiễm trùng nấm.
Với những công dụng tuyệt vời, được ví như “thần dược” cho sức khoẻ và sắc đẹp đã tạo sức hút lớn với người dân và du khách đến tắm nước khoáng nóng. Thế nhưng các điểm suối nước khoáng nóng của huyện Tân Uyên hiện nay đều do các hộ gia đình khai thác quy mô nhỏ, chưa được đầu tư bài bản, có hệ thống.
Dạo quanh các điểm suối nước khoáng nóng, chúng tôi nhận thấy, ngoài đầu tư xây các bể tắm nhỏ có mái che, nhà vệ sinh thô sơ và kinh doanh thêm một số đồ ăn, đồ uống đơn giản phục vụ du khách, các dịch vụ khác như honmestay, quán ăn kết hợp nghỉ dưỡng, trưng bày, giới thiệu nông sản địa phương… hầu như không có. Bãi đỗ xe chật hẹp, đường vào các điểm nước nóng không thuận tiện, thậm chí tại các điểm ở Phiêng Phát, Nà Hoi, khách đến tắm phải đi qua cầu treo hoặc lội suối, đi đường vòng.
Ông Lò Văn Họp ở thành phố Lai Châu chia sẻ: Tắm nước nóng ở đây rất thích, sảng khoái, tôi thấy khoẻ người. Tuy nhiên, vượt chặng đường hơn 70km từ thành phố xuống tắm 30 phút xong rồi về thì hơi vất vả. Nếu hộ gia đình ở đây mở dịch vụ ăn uống, nghỉ trưa sẽ thu hút khách nhiều hơn. Hay đơn giản, gia đình có thể làm cơm lam, gà nướng, trứng nướng vừa tiện cho khách, vừa giúp gia đình có thêm thu nhập.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Phát triển du lịch của địa phương còn nhiều hạn chế, trong khi đó có tiềm năng để khai thác tốt hơn nữa và các điểm suối nước nóng là tài sản, tài nguyên quý của huyện cần được tận dụng triệt để. Đến thời điểm này, huyện đã tạo điều kiện cho 2 nhà đầu tư vào khảo sát xây dựng khu nghỉ dưỡng quốc tế tại 2 điểm suối nước nóng 2 bản: Nà Ún, Phiêng Phát. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ dân đã xây dựng bể nước nóng thay đổi tư duy, hướng tới mở nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương đồng hành cùng hộ dân, đào tạo đội ngũ làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp. Huyện cũng sẽ tăng cường, quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về tiềm năng du lịch suối khoáng nóng gắn với du lịch sinh thái vùng chè, du lịch cộng đồng; qua đó tạo thành tour, tuyến du lịch địa phương hấp dẫn.
Thiết nghĩ, để “mỏ vàng” suối nước nóng Tân Uyên được khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến xã, bản nhằm thay đổi tư duy làm du lịch của các hộ dân. Hướng tới xây dựng những khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với loại dịch vụ đa dạng, hấp dẫn khách du lịch đến với địa phương nhiều hơn.

Ngân Khánh - Quốc Thái

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.