Thứ ba, 07/05/2024, 12:21 [GMT+7]

Từ sự cố tại chương trình “Đêm mỹ nhân” tại Quảng Bình: Không chỉ xử phạt

Thứ năm, 15/09/2011 - 09:38'
Chuyện ăn mặc phản cảm của nhiều nghệ sĩ đã được báo chí nhắc đến từ lâu, cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng nhưng sự thể chưa có dấu hiệu giảm. Gần đây nhất là những điều tiếng sau chương trình nghệ thuật từ thiện "Đêm mỹ nhân" diễn ra tối 14-8 tại Quảng Bình.

Chỉ phạt tiền thôi, chưa đủ!

Sau sự "ồn ào" của dư luận và văn bản thúc giục xử phạt của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Bình đã quyết định phạt Công ty Thương mại và dịch vụ quảng cáo quốc tế JITA 3,5 triệu đồng vì đã để người biểu diễn sử dụng trang phục không phù hợp với thuần phong, mỹ tục - điều được quy định trong văn bản pháp quy với mức phạt từ 2,5 đến 5 triệu đồng. Vài triệu đồng chẳng là bao đối với những người tổ chức và điều đáng nói là ca sĩ, người gây ra phản ứng gay gắt từ công chúng bởi cách ăn mặc phản cảm của mình đã không bị "sờ gáy". Công luận trong hai ngày qua nóng lên là vì thế.

Chương trình thời trang ca nhạc “Đêm mỹ nhân”.

Theo ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục NTBD thì Cục đã soạn thảo xong dự thảo nghị định mới để trình Bộ VH,TT&DL và Chính phủ, với phạm vi điều chỉnh bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến biểu diễn nghệ thuật trước công chúng. Trong đó, sẽ có sự điều chỉnh cụ thể về trang phục biểu diễn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó phòng Quản lý biểu diễn và băng đĩa (Cục NTBD) cho biết sẽ có sự điều chỉnh khung phạt ở nghị định mới, nhưng không thể cao hơn nhiều so với mức cũ như nhiều người kỳ vọng. Trong điều kiện ấy, liệu có cách nào hiệu quả hơn để ngăn chặn hiện tượng ăn mặc phản cảm đang lan tràn trong số nghệ sĩ trẻ?

Kêu gọi lòng tự trọng: Ước muốn xa vời?

Vụ việc trong chương trình "Đêm mỹ nhân" chỉ là một ví dụ điển hình. Đầu tháng này, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản số 2770/BVHTTDL-NTBD gửi Bộ TT-TT, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc phối hợp chấn chỉnh những vi phạm, uốn nắn sự lệch lạc trong hoạt động biểu diễn. Sở VH,TT&DL Quảng Bình liên tục họp bàn việc xử phạt đơn vị tổ chức sự kiện "Đêm mỹ nhân"… Nhưng từ văn bản đến thực tiễn thi hành lại là chuyện khác. Sau mức phạt "nhẹ hều", hiệu quả giáo dục ra sao khi bao tình huống bi hài, hớ hênh, hở hang xuất hiện ngoài đời, trên mạng, trên sàn diễn của bao nhiêu "sao" mà chỉ có "Đêm mỹ nhân" bị "dính"? 

Đã nhiều lần Hànộimới đề cập đến vấn đề văn hóa ứng xử của một số nghệ sĩ trước công chúng, bao gồm cả chất lượng sản phẩm nghệ thuật, hình ảnh xuất hiện, phát ngôn và thái độ sau khi bị dư luận phản ứng. Giữ quan điểm đã là nghệ sĩ thì phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước công chúng, ông Nguyễn Thành Nhân nói: "Theo quan điểm của nhà quản lý, xử phạt không phải là biện pháp duy nhất. Cái cần điều chỉnh là cách nhìn nhận và cung cách ứng xử của một số nghệ sĩ. Tôi không dám khẳng định họ đã ý thức được sự phản ứng của công chúng mà vẫn cố tình vi phạm, nhưng rõ ràng là nhiều người đã có hành vi thiếu lành mạnh để đánh bóng tên tuổi". 

Nghệ sĩ được một bộ phận công chúng hâm mộ, tôn vinh, xem là thần tượng và cũng có thể họ là người đầu tiên xa lánh khi nghệ sĩ cố tình "nhố nhăng". Mức phạt chưa đủ răn đe, cách phạt chưa thuyết phục lòng người, có phải chỉ còn cách kêu gọi sự tự trọng ở mức cần thiết của một số nghệ sĩ? Đó có là đòi hỏi bất khả thi? Hay cần phải có phong trào tẩy chay sự phản cảm, những trò lố thái quá của ai đó như đã từng rộ lên khuynh hướng tẩy chay nạn "hát nhép" trong thời gian qua?

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Điển hình “dân vận khéo” của Đồn Biên phòng Hua Bum
Cùng với triển khai đồng bộ biện pháp nghiệp vụ, công tác dân vận cũng được Đồn Biên phòng Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) đặc biệt chú trọng. Và, trong số những điển hình “dân vận khéo” của đơn vị có...