Thứ sáu, 17/05/2024, 10:21 [GMT+7]

Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc lần thứ I: “Tổng kiểm kê” vốn di sản

Thứ tư, 02/11/2011 - 14:12'
Từ ngày 25 đến 28-11 tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội), lần đầu tiên Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc. Sự kiện này được coi là cuộc tổng kiểm kê trang phục gốc, gợi mở hướng bảo tồn vốn trang phục các dân tộc Việt Nam.

Thể hiện bản sắc văn hóa

Theo nhiều nhà nghiên cứu, trang phục là một trong những nét văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Việt Nam, là yếu tố cơ bản để nhận biết, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Trang phục của người Mông tại Bắc Hà (Lào Cai).

Nói vậy là bởi trang phục của mỗi dân tộc có nét đặc sắc riêng, khá cầu kỳ. Như đã là người Mường thì dù ở thời hiện đại, trang phục cơ bản của phụ nữ vẫn là váy đen dài, đầu váy nổi bật hoa văn thổ cẩm, áo pắn, còn nam giới thì mặc áo cánh phủ kín mông, cổ tròn, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái, trên đầu quấn khăn… PGS Nguyễn Từ Chi, chuyên nghiên cứu về người Mường đã phát hiện ra trang phục phụ nữ Mường với ba phần: áo, cạp váy và váy như mô hình hóa quan niệm vũ trụ "ba tầng, bốn thế giới" của người Mường. Cạp váy (giống như thắt lưng) đại diện cho tầng người sống, nên được trang trí nhiều hoa văn rõ ràng hơi hướng nghệ thuật Đông Sơn.

Tương tự như người Mường, trang phục của người Thái phản ánh rõ đặc điểm của cư dân nông nghiệp. Để tạo ra một bộ y phục của phụ nữ Thái với áo ngắn, áo dài váy, thắt lưng, khăn, nón, xà cạp, hoa tai, vòng cổ, vòng tay, xà tích… đồng bào vừa phải biết trồng bông, chăn tằm, dệt vải, nhuộm màu, cắt may, thêu, vừa phải giỏi nghề kim hoàn để tạo tác đồ trang sức. Người Chăm ở vùng Đông Nam bộ ưa chuộng sắc màu thổ cẩm, thoạt nhìn thấy giống như ở các vùng khác, song quan sát kỹ sẽ thấy sự khác biệt ở cách bài trí cảnh, sự phối màu. Các hoa văn hình mặt trời, cỏ cây, hoa lá, núi non, sông nước, các loại động vật… phản ánh thế giới quan của người Chăm về vũ trụ và thiên nhiên.

Ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, trang phục ít nhiều thay đổi theo thời gian, nhưng chiếc áo tứ thân đã trở thành một biểu tượng rất quen thuộc của người phụ nữ, còn với nam giới, trang phục nổi bật là khăn lĩnh, áo the.

Một vài ví dụ trên cho thấy sự phong phú của trang phục truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó vừa là bề nổi, vừa thể hiện chiều sâu văn hóa, cần được giữ gìn.

Nguy cơ mai một

Trong một công trình nghiên cứu về trang phục dân tộc mới đây, GS-TS Vũ Dũng (Viện Tâm lý học) đưa ra nhận định: "Tỷ lệ người mặc trang phục hằng ngày của dân tộc Kinh chiếm đa số. Số người mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình ít đi nhiều so với trước. Đây là một biểu hiện của sự đồng nhất văn hóa dân tộc qua trang phục".

Ngay ở Cao Bằng, nơi dân tộc Tày, Nùng chiếm tới trên 60% dân số của tỉnh, có tiếng nói và chữ viết riêng thì hiện nay, một bộ phận không nhỏ đồng bào chỉ mặc trang phục truyền thống trong dịp tết, lễ hội. Tương tự, ông Nguyễn Trùng Thương, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang cho biết: Hà Giang vừa tiến hành khảo sát đánh giá tổng thể giá trị văn hóa 22 dân tộc trên địa bàn, trong đó dân tộc Bố Y đã mất trang phục truyền thống.

Khi được hỏi các dân tộc không còn trang phục sẽ tham gia cuộc trình diễn như thế nào, ông Chu Tuấn Thanh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc nói: "Hiện nay, dân tộc Xinh Môn, Pu Péo, Sila, Cống, Rục, Ơ đu, Striêng… không còn giữ được trang phục gốc. Đối với các dân tộc này, chúng tôi đã đề nghị khảo sát lại trang phục gốc, ghi hình, sau đó sử dụng kinh phí địa phương để khôi phục lại và coi đó là bộ gốc của đồng bào để tham gia trình diễn. BTC sẽ lập hội đồng thẩm định, bao gồm các chuyên gia Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Viện Dân tộc học... để kiểm tra toàn bộ trang phục gốc trước khi trình diễn.

Tổng kiểm kê di sản

"Thực ra, việc kiểm kê trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam có thể thực hiện bằng một đề tài khoa học. Song, trước nguy cơ mai một trang phục truyền thống, một cuộc trình diễn đậm chất văn hóa có khả năng thu hút cả người trình diễn lẫn người xem, tạo ra cơ hội giao lưu giữa các dân tộc và đó là hoạt động rất ý nghĩa" - ông Chu Tuấn Thanh nhận định. 

Dự kiến số lượng thí sinh đại diện cho 54 dân tộc về Hà Nội tham gia trình diễn là 255 người. Họ sẽ trình diễn trang phục sinh hoạt, đám cưới, lễ hội truyền thống với đồ trang sức như vòng cổ, vòng chân, vòng tay, hoa tai… Ngoài khả năng trình diễn, các thí sinh phải thể hiện được khả năng ứng xử cũng như sự hiểu biết về văn hóa dân tộc.

"Vượt lên trên ý nghĩa của một cuộc hội ngộ và giao lưu văn hóa, chương trình trình diễn trang phục truyền thống sẽ góp phần thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về các dân tộc Việt Nam, dự kiến kéo dài trong ba năm (2012-2015). Ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ cho biết: "Bạn bè quốc tế rất quan tâm đến cuộc trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nếu chúng ta tổ chức thành công cuộc trình diễn này, Việt Nam có thể được đề nghị đăng cai tổ chức cuộc trình diễn trang phục dân tộc của các nước trong khối ASEAN trong thời gian tới".

Như vậy, trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam rõ ràng là việc cần, qua đó có thể đề xuất các biện pháp bảo tồn phù hợp.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...