Thứ sáu, 17/05/2024, 12:03 [GMT+7]

Tranh khắc gỗ của Phạm Khắc Quang ra mắt

Thứ tư, 23/11/2011 - 14:37'
Vào chiều ngày 27/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66, phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội) sẽ diễn ra cuộc triển lãm tranh khắc gỗ với tên gọi “Kịch bản đương đại” của họa sỹ Phạm Khắc Quang. Đây là cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ đồ họa Phạm Khắc Quang với sự tài trợ của Quỹ phát triển và giao lưu văn hóa (the Cultural Development and Exchanges Fund – CDEF) thuộc Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên, có một triển lãm mỹ thuật với chất liệu khắc gỗ truyền thống nhưng đề cập trực diện đến cuộc sống của người nông dân Việt Nam hôm nay. Triển lãm sẽ giới thiệu một sáng tác nghệ thuật sắp đặt với 1.000 bản khắc gỗ chân dung người nông dân.

Triển lãm tranh khắc gỗ “Kịch bản đương đại” được chia làm hai phần: Phần đầu gồm chùm 10 bức tranh khắc gỗ màu với kỹ thuật khắc phá bản, thể hiện suy ngẫm của tác giả trước nhiều vấn đề xã hội trong cuộc sống nông thôn hiện nay. Tác giả đã đưa chú Tễu - nhân vật dẫn chuyện trong các tích trò rối nước dân gian - đến với cuộc sống đương đại, làm nhân vật chính trong các câu chuyện thời cuộc. Tễu có khi là một thương lái, một doanh nhân lừng lững và viên mãn giữa chợ người - chợ đời. Cũng có khi, Tễu lại vẫn là người nông dân hóm hỉnh, ý vị trong mối quan hệ cộng đồng làng xã, cùng nhau làm mùa, cùng nhau vui chơi. Nhưng cũng là người nông dân ấy với nụ cười vô ưu đang bày bán một góc tài sản tinh thần của làng mình, của chính mình - hình ảnh "cây đa bến nước sân đình" - ngay nơi chợ quê. Cái cười vô ưu của Tễu là để che giấu nỗi đau, sự bất lực trước sức cám dỗ và sự xô ép của nhu cầu vật chất hay cũng là cái cười tự bằng lòng? Bên cạnh việc sử dụng thủ pháp đa nhân cách hóa nhân vật chính - chú Tễu một cách thông minh, họa sĩ cũng cẩn trọng và tỉ mỉ trong kỹ thuật khắc gỗ. Bố cục tạo hình chặt chẽ giúp biểu đạt rõ ràng thông điệp xã hội của tác giả. 

Phần tiếp theo là một sáng tác sắp đặt tiêu đề Thở. Trên 30m2 nền với một số chất liệu được xử lý tinh tế, đem lại cảm giác về một mảnh ruộng quê, tác giả đặt lên 1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở đa dạng lứa tuổi, trong đó chân dung người phụ nữ chiếm đa số một cách ngẫu nhiên. Các chân dung được khắc trên bề mặt rộng nhất (7cm x 9cm) của chiếc xẻng gỗ - vật dụng quen thuộc trong căn bếp gia đình; những nét khắc tỉ mỉ, giàu cảm xúc đã giúp thể hiện một cách sống động chân dung người nông dân hôm nay. Tuy bị hạn chế về diện tích nhưng có lẽ, đây là một tác phẩm có khả năng gợi mở câu chuyện rộng lớn hơn về số phận của cánh đồng - cũng là số phận người nông dân trong một bối cảnh xã hội đang đổi thay từng ngày.

Hai phần triển lãm không hoàn toàn tách rời nhau bởi bao trùm lên đó là những suy ngẫm khá sâu sắc của nghệ sĩ trước biết bao đổi thay trong cuộc sống của người nông dân quê hương anh, một vùng thuần nông Hải Dương có nghề rối nước truyền thống. Triển lãm cũng cho thấy sự tâm huyết của nghệ sĩ trong việc sử dụng nghệ thuật khắc gỗ truyền thống để kể với khán giả hôm nay những câu chuyện thời cuộc - một cách thức thú vị trong việc kết nối các yếu tố truyền thống và đương đại trong nghệ thuật.

Triển lãm sẽ được trưng bày từ 27/11 đến hết ngày 4/12/2011.

Theo Hanoimoi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...