

Nỗi niềm người dân TĐC
Con đường rải cấp phối lên bản Bi giờ đã phong quang, sạch đẹp. Từng dãy nhà sàn lợp ngói prôximăng san sát; những vườn rau nhỏ đang lên xanh tốt. Gầm nhà sàn giờ không còn là nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm như trước nữa mà đã được láng nền sạch sẽ.
Ngoài thời gian về nơi ở cũ sản xuất, chị Lường Thị Hệ ở bản Bi, xã Mường Kim, huyện Than Uyên tập trung chăn nuôi để tăng thêm thu nhập.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản, anh Đường Văn Quyết - Trưởng bản Bi chỉ cho chúng tôi những triền đồi thoai thoải ngay cạnh bản. Anh nói: “Đó là đất sản xuất của chúng tôi đấy. Nhưng ổn định cuộc sống được gần 3 năm rồi mà bà con vẫn chưa được chia đất sản xuất. Nhiều hộ trong bản sốt ruột cũng ra vỡ đất trồng thử nhưng không thành vì đất vốn đã khô cằn lại không có nước cải tạo không trồng cấy được”.
Chúng tôi dừng chân tại nhà chị Lường Thị Hệ, khi chị đang nấu cám cho lợn. Chị Hệ cho biết: “Thực hiện chủ trương di dân, tái định cư (TĐC) Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, gia đình tôi chuyển về đây từ tháng 1/2009. Về nơi ở mới, được nhà nước đầu tư con đường mới, lại có điện thắp sáng, nước sinh hoạt, con cháu được học tập trong ngôi trường mới khang trang… chúng tôi phấn khởi lắm! Nhưng vẫn chưa được cấp đất sản xuất nên 2 con lớn của tôi phải tranh thủ ra huyện, tỉnh làm thêm, 2 đứa nhỏ theo bố mẹ về nơi ở cũ sản xuất.
Còn đôi vợ chồng trẻ Hoàng Văn Dót nuôi hy vọng sau khi có tiền hỗ trợ TĐC sẽ dựng một căn nhà mới rồi đầu tư phát triển chăn nuôi… Nhưng tất cả chỉ nằm trong kế hoạch bởi chưa có đất sản xuất nên chưa thể trồng cấy, lấy đâu nông sản phục vụ chăn nuôi. Anh Dót tâm sự: “Trong 2 năm đầu về nơi ở mới chúng tôi được nhà nước hỗ trợ đời sống là 2 triệu đồng/khẩu/năm. Song khoảng thời gian hỗ trợ đã hết, chúng tôi phải tiêu cả vào tiền đền bù TĐC. Vốn liếng đang cạn dần mà đất sản xuất vẫn chưa được cấp. Tôi lo lắm. Hiện nay chúng tôi vẫn phải trở về nơi ở cũ để sản xuất, nhưng theo kế hoạch đến tháng 8 năm 2012, nước sẽ ngập toàn bộ cánh đồng cũ của bản. Từ giờ tới lúc đó, có lẽ chúng tôi chỉ sản xuất được vụ mùa chứ vụ chiêm chưa chắc đã được thu hoạch. Lúc đó, không biết sẽ lấy đất ở đâu để sản xuất nữa”.
Khi biết chúng tôi là nhà báo lên công tác, bà con không ngần ngại bày tỏ nỗi niềm của mình, ai cũng lo không có đất sản xuất sẽ kéo theo những khó khăn như: kinh tế bấp bênh, đặc biệt là lực lượng thanh niên không có việc làm sẽ dễ sa vào các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy… Hiện tượng này đã manh nha xuất hiện trên địa bàn từ đầu năm nay.
Nguyên nhân
Mang theo những trăn trở của bà con bản Bi chúng tôi gặp đồng chí Hoàng Văn Sam – Bí thư Đảng ủy xã Mường Kim, được biết: “Hiện nay không chỉ có bản Bi mà 2 bản TĐC Nà Hày, Nà Then cũng chưa có đất sản xuất. Bản Chát đã có đất sản xuất song vẫn chưa đủ. Các hộ TĐC chuyển về nơi ở mới từ năm 2007, đến nay tình trạng thiếu và chưa có đất sản xuất vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân chính là do công trình Thủy lợi Nậm Mở thi công từ cuối năm 2009 cung cấp nước cho trên 70ha ruộng của nhân dân 4 bản TĐC đến nay vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Do vậy chưa thể có nước để cải tạo đất sản xuất cấp cho nhân dân. Điều này chúng tôi đã báo cáo huyện cũng như Ban Quản lý Dự án (QLDA) Di dân TĐC Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát nhiều lần nhưng vẫn chưa có ý kiến trả lời. Để khắc phục khó khăn trước mắt, bà con phải trở về nơi ở cũ cách nơi ở mới gần 40km để sản xuất. Việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn”.
Tiếp tục đến Ban QLDA Di dân TĐC Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm: Công trình Thủy lợi Nậm Mở có chiều dài gần 30km. Trong đó đập đầu mối và 12km đầu tuyến kênh mương thuộc địa phận huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Phần còn lại thuộc địa phận huyện Than Uyên do Ban QLDA Di dân, TĐC Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát là chủ đầu tư. Công trình có tổng trị giá gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn di dân, TĐC Thủy điện Bản Chát. Theo hồ sơ thiết kế công trình Thủy lợi Nậm Mở cung cấp nước sản xuất cho 700ha ruộng dọc theo tuyến kênh mương.
Giải thích về nguyên nhân chậm tiến độ, ông Đinh Trung Hiếu – Phó Ban QLDA di dân, TĐC Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát cho biết: “Do công trình Thủy lợi Nậm Mở thuộc địa phận 2 tỉnh Yên Bái và Lai Châu nên trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Đơn giá đền bù của tỉnh Yên Bái khác với tỉnh ta nên bà con không chịu nhận tiền đền bù. Ngoài ra, một số hộ có đất rừng nhưng khai là đất nương để được đền bù giá cao hơn. Một số hộ đã nhận tiền đền bù song đơn vị thi công san gạt lượng đất, đá đùn ra quá phần thu hồi nên phải bổ sung thêm”.
Ông Hiếu cho biết thêm: Ban vừa nhận được quyết định của UBND tỉnh cho phép chủ đầu tư sử dụng vốn dự phòng để tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khắc phục sự cố, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Lời kết
Là cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND huyện và tỉnh về công tác di dân TĐC Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, nếu như chỉ vì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng không hoàn thành mà để một công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống của nhân dân TĐC phải đình trệ thì Ban QLDA Di dân TĐC Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát cần phải xem xét lại nguyên nhân của sự chậm trễ.
Để đảm bảo phương châm của tỉnh đối với các hộ vùng TĐC là bà con khi về nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, ngoài đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, Ban QLDA Di dân TĐC Thủy điện đáp ứng mong mỏi của bà con vùng TĐC.
Tin đọc nhiều
Người dân Sàng Cải mong mỏi một con đường

Tăng cường quản lý kinh doanh dược phẩm

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Ngăn chặn các hoạt động buôn bán lâm sản trái phép
Bài 2: Khi Đảng gần dân, hủ tục không còn chỗ đứng

Tân Uyên – Nơi ánh sáng Nghị quyết 15 lan tỏa

Tam Đường tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

“Ma trận” sữa giả: Người tiêu dùng hoang mang






