

Những tín hiệu vui
Đến phiên chợ San Thàng vào một ngày cuối tuần, chúng tôi có dịp ghé thăm gian hàng ẩm thực của dân tộc Giáy. Không khí mua bán tấp nập, người bán vui vẻ giới thiệu, còn người mua thỏa sức lựa chọn những chiếc bánh cổ truyền do chính bà con làm ra như: bánh bò, bánh giày, bánh đúc, bánh bỏng, bánh khảo, bánh rán, bánh mật mía… Mỗi loại bánh mang một màu sắc, một dáng hình, một hương vị khác nhau. Nếu như bánh bỏng có vị ngọt sắc của gạo quyện với đường thì bánh bò lại ngọt thanh, mềm xốp, bánh rán dẻo ngậy… Với ý thức giữ gìn nghề truyền thống, các loại bánh làm ra không có chất bảo quản, phụ gia, đường hóa học, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá của mỗi chiếc bánh dao động từ 2 – 5 nghìn đồng/chiếc hoặc từ 10 – 25 nghìn đồng/gói. Đến mỗi phiên chợ San Thàng, hầu như ai cũng đều mua bánh về làm quà cho trẻ và cho bạn bè. Bánh có uy tín trên thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Cũng chính bởi lẽ đó, nghề làm bánh ở San Thàng có đất phát triển, được tỉnh công nhận làng nghề và có chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát triển.
Phụ nữ bản San Thàng 1 (xã San Thàng) làm các loại bánh truyền thống của dân tộc.
Bà Vùi Thị Liếng – người có thâm niên gần 40 năm gắn bó với nghề làm bánh ở bản San Thàng 1 chia sẻ: “Ngày trước tôi thường cùng mẹ làm bánh vào các dịp lễ, tết. Song sau này, đam mê làm bánh, nhà lại gần chợ San Thàng, nên năm 22 tuổi tôi bắt đầu sản xuất các loại bánh cổ truyền và đem ra chợ bán. Đến nay, cứ mỗi phiên chợ không kể ngày mùa, tôi đều tranh thủ thời gian làm các mẻ bánh thơm ngon bán cho người dân và du khách”. Nhìn cách bà Liếng làm bánh cẩn thận, tỉ mỉ với quy trình chuyên nghiệp, đặc biệt là công đoạn sơ chế, nhào bột để tạo ra chiếc bánh, chúng tôi cảm nhận được cái tâm, cái tình của người làm bánh.
Đến hết năm 2016, trên địa bàn thành phố có 45/67 hộ thuộc bản San Thàng 1 tham gia sản xuất các loại bánh (chiếm 67% số hộ trong bản). Từ nghề làm bánh, hàng năm đã giải quyết việc làm cho 89 lao động, doanh thu bình quân 1.988 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người/năm là 27,5 triệu đồng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tại các phiên chợ San Thàng, thu nhập bình quân 1.5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2014, nghề làm các loại bánh dân tộc được công nhận đạt tiêu chí làng nghề theo Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh về việc công nhận làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Cùng với nghề làm bánh, thành phố còn có nghề nấu rượu ngô truyền thống với 1 doanh nghiệp và 4 hợp tác xã sản xuất rượu đã đăng ký nhãn hiệu hàng hoá cho 5 sản phẩm: rượu Táo Mèo, rượu H.Mông, rượu Pu Sam Cáp của Công ty TNHH Thương mại Bảo Châu, rượu Mông Pê của Doanh nghiệp tư nhân Minh Hoàng. Sản lượng sản xuất hàng năm đạt trên 200 nghìn lít, doanh thu bình quân đạt 4,8 tỷ đồng/năm; 58 hộ gia đình tham gia nấu rượu ngô truyền thống. Năm 2014 nghề nấu rượu tại bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng cũng được công nhận đạt tiêu chí nghề truyền thống theo Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 20/8/2014 của UBND tỉnh về việc công nhận làng nghề, nghề truyền thống.
Ngoài ra, nghề thêu, dệt thổ cẩm cũng là nghề có từ lâu đời của dân tộc Mông và dân tộc Thái trên địa bàn thành phố, nghề này được bà con các dân tộc thực hiện lúc nông nhàn. Hiện nay, 100% phụ nữ dân tộc Mông của xã Nậm Loỏng đều biết thêu những họa tiết hoa văn của dân tộc Mông. Nguyên liệu sử dụng cho nghề thêu là vải bông sợi, thổ cẩm, vải lanh và đay, chỉ màu, kim thêu, sáp ong... được mua tại các chợ trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên hiện chỉ có khoảng 10% số hộ trong xã trồng đay dệt vải, còn lại 90% gia đình sử dụng nguyên liệu và phụ kiện thêu mua tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, với sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của tỉnh, thành phố, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo việc làm, nâng cao đời sống tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho các dân tộc. Đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và nhiều lợi ích xã hội khác. Mặc dù vậy, việc phát triển, mở rộng các làng nghề tại thành phố hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi, các cơ sở sản xuất hầu hết là quy mô gia đình, nhóm hộ, sản xuất nhỏ, tự phát nên công cụ, máy móc thiết bị cũ, lạc hậu. Bên cạnh đó, năng lực quản lý sản xuất kinh doanh còn hạn chế; sản phẩm, mẫu mã chưa đa dạng, tính cạnh tranh thấp, thị trường chưa ổn định. Nguồn vốn từ ngân sách của thành phố đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và một số nghề truyền thống địa phương còn hạn chế. Chưa có sự liên kết giữa người sản xuất với thị trường chủ yếu sản xuất thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao...
Những giải pháp cụ thể
Để khắc phục những khó khăn đó, hiện nay thành phố Lai Châu đang triển khai kế hoạch khôi phục và phát triển các làng nghề. Cụ thể, đối với nghề nấu rượu ngô, tiếp tục duy trì và phát triển nghề theo hướng bền vững cho các hộ dân trên địa bàn gắn với xây dựng bản văn hóa du lịch dân tộc Mông đồng thời lồng ghép xây dựng nông thôn mới tại xã Nậm Loỏng. Tăng cường tuyên truyền vận động Nhân dân trồng ngô tăng vụ làm nguyên liệu đầu vào quá trình sản xuất. Phát huy việc nghề được công nhận là nghề truyền thống, phải thường xuyên sản xuất rượu theo phương pháp truyền thống, đảm bảo được hương vị đặc trưng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp liên kết với các hộ dân trên địa bàn cùng sản xuất, đồng thời tiến hành đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm. Tích cực tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các đợt hội chợ, điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Đối với nghề làm các loại bánh, gắn với phát triển bản văn hóa du lịch dân tộc Giáy và xây dựng nông thôn mới; trên cơ sở nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Do đó, địa phương cần phải xây dựng quy chế hoạt động của làng nghề và bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường đào tạo nâng cao tay nghề, khuyến khích người có tay nghề cao trao đổi kinh nghiệm và truyền thêm cho những người chưa biết nghề, nâng cao chất lượng các loại bánh. Hướng tới nghề làm các loại bánh được coi là nghề có thu nhập chính trong thu nhập của người dân tại bản San Thàng 1, xã San Thàng. Đồng thời, hỗ trợ các hộ làm nghề máy hút chân không để bảo quản sản phẩm đảm bảo chất lượng cung cấp ra thị trường.
Giải pháp phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm, thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đang làm nghề duy trì và phát triển, tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương nhằm giữ gìn những nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc. Quan tâm quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh qua các đợt hội chợ, hội nghị văn hóa trong và ngoài tỉnh, điểm du lịch tại bản Gia Khâu 1. Khuyến khích các hộ làm nghề đa dạng các sản phẩm, đồng thời chú trọng cải tiến mẫu mã sản phẩm trên cơ sở lưu giữ nét văn hóa. Hỗ trợ các gia đình công tác đào tạo nghề, ứng dụng một số công nghệ hiện đại trong công tác phát triển nghề.
Muốn phục hồi và duy trì phát triển bền vững của các làng nghề thì vấn đề quan trọng nhất là nguồn kinh phí. Do đó, UBND thành phố lồng sẽ ghép nguồn vốn các chương trình của tỉnh và thành phố để phát triển các ngành nghề truyền thống. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hạ tầng làng nghề; gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống. Khuyến khích những người có tay nghề tổ chức đào tạo truyền nghề và nâng cao tay nghề cho các lao động tham gia sản xuất các nghề truyền thống bằng hình thức người có tay nghề giỏi truyền nghề cho người chưa biết nghề để từ đó tạo được các sản phẩm có chất lượng... Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao đời sống Nhân dân.
Tin đọc nhiều

“Phá rào” hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Làm giàu từ nghề thêu, dệt truyền thống

Vẻ đẹp mê hoặc của những đồi chè

Gần 600 học viên được tập huấn, hướng dẫn triển khai ký kết xóa bỏ hủ tục

Hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc

Mạch nguồn nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc

Doanh thu từ du lịch đạt 54,5 tỷ đồng trong 5 ngày nghỉ lễ

Chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam









