Thứ năm, 12/09/2024, 03:21 [GMT+7]

Đường giao thông tại xã Nậm Hăn xuống cấp nghiêm trọng

Thứ bảy, 30/04/2022 - 10:59'
(BLC) - Giao thông nông thôn tại xã Nậm Hăn (huyện Sìn Hồ) có những tuyến đường xuống cấp, người dân thường xuyên đối mặt với nguy hiểm khi di chuyển trên những con đường tróc nhựa ngập bùn, chằng chịt “ổ voi, ổ gà”. Có đường giao thông đảm bảo an toàn, thuận lợi là mong ước cháy bỏng của bà con nơi đây.

Xã Nậm Hăn là điểm cuối cùng nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, kết nối 9 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ. Nhiều năm qua các tuyến đường liên xã, nội bản tại đây xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội địa phương. Toàn xã có 11/15 bản có đường bêtông, đa phần đã xuống cấp; một số xã có đường nhưng chưa hoàn thiện. Xã hiện có 1.160 hộ, 5.525 nhân khẩu thì có đến 676 hộ nghèo, chiếm 58,5%. Giao thông đi lại khó khăn là một phần nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo của xã Nậm Hăn có chiều hướng tăng trong năm 2021 vừa qua.

Tuyến đường từ xã Nậm Cuổi tới trung tâm xã Nậm Hăn nhiều đoạn mặt đường trơ sỏi đá.

Từ xã Nậm Tăm xuôi về hướng 2 xã vùng thấp: Nậm Cuổi và Nậm Hăn là đoạn cuối của tuyến giao thông huyết mạch, nối liền 9 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ, hiện đã có dấu hiệu xuống cấp, nhiều đoạn bị nước mưa xói mòn, đi lại gặp khá nhiều trở ngại. Đặc biệt đoạn cuối của tuyến này nối từ xã Nậm Cuổi đến trung tâm xã Nậm Hăn bề mặt đường bị bong tróc sụt lún, hạn chế việc đi lại của nhiều loại phương tiện giao thông. Phải mất gần một tiếng đồng hồ để đi từ xã Nậm Cuổi vào đến UBND xã Nậm Hăn khi mà khoảng cách chưa đến 20km. Thời điểm năm 2019 tuyến đường này đã được tu sửa, mở rộng, giảm bớt góc cua, dù vậy đến nay đoạn nằm trên địa phận xã Nậm Hăn cơ bản đã hư hại nặng.

Đồng chí Lý A Đóng - Chủ tịch UBND xã Nậm Hăn cho biết: Từ năm 2012 tuyến đường vào Nậm Hăn mới được hoàn thiện. Đến nay sau hơn 10 năm sử dụng, dù đã trải qua nhiều nâng cấp sửa chữa người dân mới có thể "miễn cưỡng" đi lại. Năm vừa rồi có nhiều cán bộ xuống kiểm tra, đánh dấu mốc để chuẩn bị làm mới. Nhưng bà con trong xã chờ đợi mãi đến nay vẫn chưa thấy gì, khi mùa mưa đang đến gần chắc hẳn sẽ khó khăn với nhiều người dân trong xã, tình trạng giao thông có thể bị cô lập bất cứ lúc nào.

Đường giao thông tại trung tâm xã Nậm Hăn có điểm bề mặt thảm nhựa đã không còn.

Bên cạnh đó các tuyến đường bêtông nông thôn mới trên địa bàn xã Nậm Hăn cũng đang trong tình trạng hư hỏng nặng. Cụ thể theo ghi nhận đoạn đường từ UBND xã đến cuối bản Pá Hăn là đường bêtông dài gần 1km hiện đã không còn nguyên vẹn, bề mặt bị rửa trôi bong tróc lớp mặt, lởm chởm đá sỏi, ổ gà... Đây là con đường chính phục vụ cho hơn 60 hộ dân trong bản Pá Hăn, người dân trong bản bức xúc vị hiện trạng đã diễn ra nhiều năm khiến việc đi lại của bà con trở nên nguy hiểm, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa hoặc khi trời tối. Cũng như tại bản Pá Hăn, ở bản Pá Pha đường giao thông nông thôn mới ở đây cũng đang trong tình trạng xuống cấp tương tự, bà con vì muốn bảo vệ đoạn đường bêtông còn sót lại của bản nên cấm luôn các loại xe tải chạy vào. Tại bạn Pá Pha hiện có khoảng 70 hộ dân đang sinh sống tập trung, giao thông phụ thuộc vào hoàn toàn vào tuyến đường bêtông cũ này.

Ông Điêu Chính Vinh - Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Hăn cho biết: Đường bêtông nông thôn mới tại 2 bản Pá Hăn và Pá Pha được làm từ những năm 2015 – 2016, theo chương trình nông thôn mới do xã làm chủ đầu tư, cũng có thuê kỹ thuật, thiết kế giám sát hẳn hoi, nhưng khi triển khai công trình thì không thấy có mặt. Bà con trong xã cứ bảo nhau tự trộn bêtông, tự rải đường theo nền đường cũ, để thuận tiện đi lại. Hiện nay đường bêtông ở bản Pá Hăn chỉ còn lại bề mặt sỏi... việc đi lại rất khó khăn.

Ông Điêu Chính Vinh – Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Hăn (thứ nhất từ phải sang) đi thực tế kiểm tra hiện trạng giao thông tại bản Pá Hăn.

Hiện nay, hàng trăm hộ dân sinh sống tại trung tâm xã Nậm Hăn và 2 bản: Pá Hăn và Pá Pha đang vô cùng bức xúc, bởi trên địa bàn xã thời gian gần đây xe tải trọng lớn lưu thông thường xuyên. Hoạt động giao thông của người và các loại phương tiện trong xã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đặc biệt mặt đường bị hỏng nặng, dễ gây tai nạn cho người dân. Bà con ở đây luôn bất an khi tham gia giao thông. Chị Lù Thị Vóc, chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Nậm Hăn cho biết: Tình trạng đường xuống cấp, đi lại khó khăn khiến việc kinh doanh của gia đình cũng gặp nhiều trở ngại, trong đó chi phí vận chuyển hàng hóa tăng. Mùa mưa nguồn cung cấp hàng thiết yếu thường xuyên bị đứt gãy do tắc đường. Trước mắt, các hộ dân sinh sống gần đoạn đường bị hỏng trong xã, vẫn tiếp tục thực hiện những biện pháp khắc phục tạm thời như: đổ đá san lấp “ổ gà”, khơi thông hệ thống thoát nước để tránh bùn và nước bẩn tràn vào nhà.

Về cơ bản đây chỉ là biện pháp tạm thời, chính quyền xã đã kiến nghị với huyện để sớm có hướng giải quyết, khắc phục, cải tạo tuyến giao thông liên xã và nội bản tại địa phương. Không chỉ riêng xã Nậm Hăn, các xã khác như: Tủa Sín Chải, Làng Mô hay Nậm Cuổi vẫn đang bị "bó chân” trong phát triển kinh tế vì giao thông không đảm bảo. Có thời gian, ngô, khoai tây bà con trồng được chất đầy nhà nhưng vì giao thông không thuận lợi, thương lái không vào thu mua được ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên thì việc phát triển trồng trọt và chăn nuôi ở xã Nậm Hăn vẫn “trì trệ”, vì những con đường trắc trở, địa phương không phát triển được các loại cây trồng vật nuôi, không phát huy được thế mạnh sông nước, cũng như diện tích mặt hồ, đất bán ngập của địa phương. Người dân trong xã mong mỏi được các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện quan tâm hơn nữa, để xã Nậm Hăn, cũng như các xã khác trên địa bàn huyện có đường giao thông đảm bảo an toàn. Tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con vùng đặc biệt khó khăn này.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.