Thứ bảy, 04/05/2024, 04:43 [GMT+7]

Đảm bảo an toàn cho người dân trong vùng nguy cơ sạt lở

Thứ bảy, 12/08/2023 - 11:47'
Hiện đang là cao điểm của mùa mưa, vì vậy, các cấp, ngành huyện Tân Uyên tích cực tuyên truyền, vận động các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản. Đồng thời, xây dựng kế hoạch sắp xếp dân cư, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cho các hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở phải di chuyển, yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống.

Chúng tôi cùng cán bộ xã Mường Khoa đến bản Nà Pè - nơi duy nhất của xã có 5 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở (được phát hiện từ 3 năm trước) cần phải di chuyển sớm. Tuy nhiên, một phần do các gia đình chưa tìm được đất ở mới; phần do thói quen sinh hoạt, canh tác và sản xuất từ bao đời nay nên chưa thể di chuyển. Qua lời kể của chị Đoàn Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND xã, trong 5 hộ đã có 2 hộ mới bị sạt lở vào đầu tháng 7. Ngay trong đêm, khi nhận được tin của bản, xã huy động lực lượng dân quân cùng với công chức xã phối hợp với bản đến ngay gia đình để vận động, sơ tán bà con. Rất may không có ai bị thương.
Được biết, ngôi nhà bị sạt lở của gia đình anh Lò Văn Đoan xây bằng gạch bi từ năm 2019 với diện tích khoảng 70m2. Khi chúng tôi đến, căn nhà của anh chỉ còn trơ trọi lại mấy bức tường và đống gạch bi ngổn ngang. Toàn bộ hiên nhà bị sạt xuống dưới làm nứt tường phía sau của hộ khác. Mọi đồ đạc trong gia đình được di chuyển sang nhà bố mẹ ở gần đó. Vợ chồng anh đang đi làm thuê ở dưới xuôi, gửi con cho ông bà chăm giúp.

Hiện trạng ngôi nhà bị sạt lở của gia đình anh Lò Văn Đoan (bản Nà Pè, xã Mường Khoa).

Anh Hoàng Văn Khởi - Trưởng bản Nà Pè chia sẻ: Chỉ mưa thêm vài ngày nữa thì nguy cơ mấy ngôi nhà này bị sạt lở tiếp, bởi đây là chỗ xung yếu; nằm sâu dưới sườn đồi. Trong các cuộc họp bản, chúng tôi đã vận động các hộ di chuyển đến nơi ở an toàn hơn. Tuy nhiên, khó khăn là các hộ chưa tìm được đất để dựng nhà. Năm 2019, nhà văn hoá của bản bị sạt lở hoàn toàn. Đến nay, bản cũng chưa có đất để xây dựng lại nhà văn hoá; mỗi khi họp bản thì họp tại nhà tôi.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, những năm vừa qua, do biến đổi khí hậu, tình hình diễn biến thiên tai trên địa bàn phức tạp; hàng năm thường xảy ra lũ ống, lũ quét, gió lốc và sạt lở đất… Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Tân Uyên xảy ra 2 đợt mưa đá, gây thiệt hại cho 25 hộ gia đình tại xã Trung Đồng về tài sản và nhà ở do bị thủng mái, ước tính thiệt hại gần 26 triệu đồng; mới đây có 2 hộ dân xã Mường Khoa bị sạt lở khu vực nhà ở.
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Qua công tác rà soát trên địa bàn huyện, ngoài 5 hộ dân ở xã Mường Khoa còn có 3 khu dân cư thuộc 3 bản có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, chủ yếu là sạt lở đất, lũ quét. Cụ thể là bản Ngam Ca (xã Nậm Sỏ) có 51 hộ chịu ảnh hưởng của thiên tai từ năm 2018-2021; tại đây có cung sạt lở kéo dài trong khu vực 51 hộ gia đình sinh sống, rất nguy hiểm. Đối với bản Ngam Ca, chúng tôi đang thực hiện san gạt mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện, làm đường, xây dựng trường học, sớm hoàn thiện để đưa người dân vào sinh sống. Nguồn vốn sắp xếp ổn định dân cư của bản Ngam Ca thực hiện từ chương trình mục tiêu quốc gia dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra có 2 khu vực: bản Ui Dạo (xã Nậm Sỏ) có nguy cơ ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét với 50 hộ dân và nhóm 10 hộ dân bản Hua Cưởm (xã Trung Đồng) có nguy cơ bị sạt lở đất và lũ. Đối với 2 khu vực này, phòng tham mưu văn bản cho UBND huyện, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh xem xét, bố trí sắp xếp dân cư cho các gia đình trong vùng nguy cơ xảy ra thiên tai.
Hiện nay, với tình hình diễn biến phức tạp, mưa nhiều, kéo dài ngày, lượng mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, vì vậy, UBND huyện Tân Uyên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền tới nhân dân, nhất là các hộ dân trong vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của thiên tai chủ động sớm di dời nhà ở, tài sản đến nơi ở mới; lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho các hộ di chuyển. Đồng thời, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, xây dựng phương án ứng phó thiên tai trong các tình huống khẩn cấp theo phương châm “4 tại chỗ”; trực 24/24h trong thời gian cao điểm.
Được biết, trong năm 2022, có 1 hộ ở xã Trung Đồng và 2 hộ ở xã Nậm Cần được hỗ trợ di chuyển phân tán theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ Quy định chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng bảo trợ xã hội, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ.
Thiết nghĩ, bên cạnh sự tích cực của các cấp, ngành trong công tác phòng chống thiên tai, các hộ trong vùng nguy hiểm cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, sớm di chuyển nhà ở, đồ đạc đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho gia đình.

Đông - Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...