Thứ sáu, 19/04/2024, 08:39 [GMT+7]

Đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện

Thứ năm, 04/05/2023 - 15:00'
(BLC) - Bệnh viện Đa khoa tỉnh thời gian qua tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), từ đó từng bước xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nhiễm khuẩn trong bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn gặp ở bệnh nhân sau khi nhập viện do lây nhiễm chéo hoặc các vi khuẩn đang lưu hành trong môi trường bệnh viện làm nhiễm khuẩn các vết mổ hay những bệnh nhân phải can thiệp đường hô hấp, đường tiểu… thì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Việc KSNK trong bệnh viện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh.

Khoa Cấp cứu trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40 lượt bệnh nhân đến cấp cứu và được tiểu phẫu nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đòi hỏi công tác KSNK phải được tăng cường nhằm hạn chế mức thấp nhất việc nhiễm khuẩn.

Những bệnh nhân được cấp cứu bao gồm các lĩnh vực sản, nhi, đông y, truyền nhiễm, nội khoa và ngoại khoa. Nhiệm vụ của khoa là xử trí cấp cứu các trường hợp bệnh nhân nặng, sau khi bệnh nhân ổn định chuyển vào các khoa lâm sàng điều trị tiếp. Riêng các bệnh nhân không phải nhập viện sau khi xử trí ổn định cho bệnh nhân ra viện hoặc chuyển về tuyến dưới tiếp tục điều trị.

Công tác vệ sinh phòng bệnh cũng được khoa chú trọng, vào thứ 5 hàng tuần cán bộ y tế phối hợp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tổng vệ sinh toàn khoa nhằm đảm bảo các phòng bệnh được thoáng mát, sạch sẽ. Bên cạnh đó, Khoa Cấp cứu được đầu tư trang thiết bị và các dụng cụ y tế bảo đảm tiệt khuẩn tuyệt đối nên tỷ lệ lây nhiễm chéo giảm đáng kể so với trước đây.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã và đang tích cực triển khai công tác KSNK. Với mục tiêu nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng nhiễm khuẩn ở bệnh viện bằng cách ngăn ngừa sự lây lan của các vi khuẩn. Do đó, ngoài chuẩn bị về nhân lực, bệnh viện còn đầu tư thiết bị máy móc hiện đại và nhiều trang thiết bị chuyên dụng đáp ứng nhu cầu khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, thiết bị y tế nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và cán bộ nhân viên y tế.

Khoa KSNK - là khoa vô cùng quan trọng của bệnh viện, bởi khoa thực hiện công tác vô khuẩn, chuẩn hóa các quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế, đồ vải, xử lý và phân loại rác thải… trong bệnh viện.

Để xử lý dụng cụ y tế, đồ vải đã qua sử dụng phải theo một quy trình rất nghiêm ngặt. Đối với dụng cụ y tế để dùng lại cho bệnh nhân được xử lý theo quy trình gồm: khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn và bảo quản đúng cách; đặc biệt phải được làm sạch mọi chất hữu cơ trước khi khử khuẩn, tiệt khuẩn.

Riêng với đồ vải trong bệnh viện được xử lý theo nguyên tắc giảm tối thiểu giũ đồ vải để tránh lây nhiễm vi sinh vật từ đồ vải sang môi trường không khí, bề mặt và con người. Đồ vải trong bệnh viện được thu gom và chuyển xuống nhà giặt trong ngày và được thu gom thành hai loại cho vào túi riêng biệt: đồ vải bẩn và đồ vải lây nhiễm (đồ vải dính máu, dịch, chất thải cơ thể).

Đồ vải được giặt sạch, gấp gọn gàng trước khi đưa đi hấp tiệt khuẩn.

Đồ vải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được giặt sạch, gấp gọn gàng trước khi đưa đi hấp tiệt khuẩn.

Đồ vải cũng được giặt theo các chương trình khác nhau tùy theo mức độ lây nhiễm, chất liệu. Riêng đồ vải phục vụ công tác phẫu thuật, thủ thuật được hấp tiệt khuẩn trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của cán bộ y tế và người bệnh. Từ đầu năm đến nay, Khoa KSNK đã hấp tiệt trùng hơn 17 nghìn lượt bộ dụng cụ y tế, giặt là hơn 70 tấn đồ vải và xử lý hơn 40 tấn rác thải y tế.

Cán bộ y tế khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu) sử dụng máy để tiệt khuẩn đồ vải và dụng cụ y tế.

Cán bộ y tế Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu) sử dụng máy để tiệt khuẩn đồ vải và dụng cụ y tế.

Bà Mào Thị Minh (xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn) chia sẻ: "Tôi bị đau bụng vào viện được bác sỹ chẩn đoán bị sỏi túi mật nên phải mổ và được sử dụng quần áo, chăn ga của bệnh viện đã được tiệt khuẩn để bảo vệ sức khỏe. Trong thời gian nằm viện, tôi được cán bộ y tế hướng dẫn vệ sinh cá nhân, thay quần áo, chăn ga hàng ngày nhằm phòng, chống nhiễm khuẩn".

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cường tuyên truyền cán bộ, nhân viên y tế thực hiện các quy định phòng, chống nhiễm khuẩn. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống nhiễm khuẩn, nhất là đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế, đồ vải đã qua sử dụng… góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...