Thứ năm, 25/04/2024, 22:27 [GMT+7]

Để không em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau

Thứ bảy, 25/06/2022 - 16:32'
Sự giản dị, chân thành và bền bỉ là những điều tôi thấy ở Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cầu Bóng, BĐBP Khánh Hòa. Gần 20 năm qua, với suy nghĩ “để không em nhỏ nào bị bỏ lại phía sau”, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng đã truyền dạy kiến thức, bảo ban, giáo dục về đạo đức, lối sống cho nhiều trẻ em nghèo không được đến trường.

“Lớp học tình thương” được Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng duy trì trong gần 20 năm qua. Ảnh: Yến Nhi

“Lớp học tình thương” được Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng duy trì trong gần 20 năm qua. Ảnh: Yến Nhi

Mỗi buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, Nhà văn hóa tổ dân phố 19 khu vực Trường Phúc, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lại sáng đèn và râm ran tiếng cười nói của các em nhỏ. Đây là “Lớp học tình thương” dành cho trẻ em nghèo do Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng tổ chức và duy trì từ tháng 4/2004 đến nay. Chiếc bảng nhỏ được anh chia làm 3 cột, lần lượt dành cho khối lớp 1, khối lớp 2-3 và khối lớp 4-5. Anh thường kiểm tra chữ viết, tập đọc, luyện chữ cho các em bé nhất lớp, sau đó mới giảng bài cho các bạn lớn hơn.

Ngược dòng quá khứ, cách đây gần 20 năm, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng được điều động công tác tại Đồn Biên phòng Cầu Bóng và phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước. Đây là địa bàn có nhiều tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến các em nhỏ, các em rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội hoặc tiếp tay cho tội phạm.

“Hình ảnh một số em nhỏ ở các tổ dân phố 17, 18, 19, 20 khu vực Trường Phúc đang độ tuổi đến trường lẽ ra các em phải được vui chơi, học tập, nhưng do nhà nghèo nên phải phụ giúp cha mẹ lượm ve chai, làm thuê, bán vé số... đã làm tôi trăn trở. Các em thiếu sự chăm sóc, quan tâm của gia đình và đã có những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, đánh nhau gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Mỗi em lại có một hoàn cảnh đáng thương khác nhau như: Cha mẹ ly hôn, phạm pháp phải đi cải tạo, gia đình nghèo, khó khăn... Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã báo cáo chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương về kế hoạch mở và duy trì “Lớp học tình thương”” - Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng cho biết.

Những ngày đầu “Lớp học tình thương” chỉ có 8 em tham gia. Lúc vận động các em đi học, anh cũng gặp những phản ứng dữ dội của các em như chửi bậy, văng tục..., nhưng không vì thế mà anh nản lòng. Vừa công tác địa bàn, vừa dạy học, anh tới từng nhà động viên bố mẹ, nhờ hàng xóm, đoàn thể khuyên bảo các em đến lớp. Ban đầu, các em đến chỉ để chơi chung với các bạn, thích về thì về. Các em bỏ về nhưng thấy bạn học thì lại buồn. Rồi tò mò và cuối cùng, nhận sách vở đi học. Chỉ hơn một tháng sau, lớp học đã có hơn 30 em tham gia. Hiện nay, anh duy trì 5 lớp học với khoảng 35-45 em. Do ban ngày, các em phải phụ giúp gia đình nên “Lớp học tình thương” được duy trì vào buổi tối, thời gian từ 19 đến 21 giờ các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng cho biết: “Bắt tay vào công việc, ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Các em sớm tiếp xúc với mặt trái của xã hội; nhận thức và tiếp thu bài học không đồng đều, tính cách thích tự do, nhiều em còn tinh nghịch..., điều đó ảnh hưởng đến việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, tôi chưa dạy học bao giờ nên gặp không ít trở ngại. Với tình thương và trách nhiệm, sự kiên trì, lòng quyết tâm, tôi đã khắc phục được khó khăn. Tôi vận động các cơ quan, tổ chức và nhà hảo tâm tài trợ cho lớp học về sách, vở, bút và dụng cụ học tập..., đảm bảo cho các em khi đến lớp không phải mua bất cứ đồ gì phục vụ cho việc học”.

Do các em phải mưu sinh sớm và môi trường sống tiếp xúc với rất nhiều đối tượng xấu nên ngoài việc dạy học, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng còn truyền đạt, trang bị cho các em một số kỹ năng sống cơ bản, tuyên truyền cho các em về phòng, chống HIV/AIDS; tệ nạn tiêm chích, sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy; lạm dụng tình dục và các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức... Từ đó, các em biết cách phòng tránh và vận dụng trong cuộc sống hằng ngày.

Em Nguyễn Đoàn Quang Vinh, sinh năm 2009, trú tại tổ dân phố 19 khu vực Trường Phúc có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ lao động tự do, không được tới trường. Vinh có dáng người gầy gò, làn da đen và nét mặt láu lỉnh, là cậu bé mà Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng mất nhiều thời gian vận động và kèm cặp, dạy bảo nhiều nhất. “Để vận động cậu học trò Quang Vinh, tôi đã đến nhà rất nhiều lần và tìm hiểu gia cảnh, sau đó, nhờ bố mẹ, bạn bè tác động. Khi tham gia lớp học, em rất nghịch ngợm, khó bảo nên chưa thể vào nền nếp ngay được. Sau nhiều lần tâm sự, nắm bắt tâm lý, hiện nay, em biết nghe lời thầy giáo, bố mẹ, sống có nền nếp, không nghịch ngợm và tham gia học đều”.

Gần 20 năm duy trì “Lớp học tình thương”, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng luôn phát huy vai trò trách nhiệm của người “thầy giáo mang quân hàm xanh”, phối hợp vận động được 168 em tham gia “Lớp học tình thương”; 56 em học sinh bỏ học quay trở lại trường; vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ sách vở, dụng cụ, vật dụng cho lớp học và các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình các em như: Gạo, mì tôm, dầu ăn, nước mắm, kẹo bánh, quần áo..., trị giá khoảng 50 triệu đồng/năm.

Hằng năm, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là Nhà thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa tổ chức cho các em vui chơi, giao lưu, giải trí... “Lớp học tình thương” được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành tại địa phương đánh giá cao. Có lẽ, niềm vui lớn nhất đối với Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng là học trò của mình trở thành người tốt, có kiến thức cơ bản để học nghề và kiếm được thu nhập chính đáng, ổn định cuộc sống.

Với những cống hiến của mình, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (năm 2019). Anh cũng vinh dự là một trong những đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X (năm 2020).

Cập nhật Thứ sáu, 24/06/2022 17:12 GMT+7/Thùy Trang/https://www.bienphong.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...