Thứ bảy, 27/07/2024, 07:10 [GMT+7]

Đổi thay ở bản vùng cao

Thứ năm, 07/12/2023 - 11:18'
Trở lại bản Phiêng Pẳng (xã Bản Bo, huyện Tam Đường) những ngày đầu tháng 12, trước mắt chúng tôi là cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Sự no ấm, trù phú hiện hữu khắp bản mường.

Nhờ có tuyến đường trải nhựa rộng rãi, phong quang, chúng tôi dễ dàng điều khiển xe máy từ trung tâm xã đến bản Phiêng Pẳng, khác hẳn còn đường gồ ghề sỏi đá trước đây. Điểm trường tiểu học, hệ thống kênh mương được Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố. Cơ sở hạ tầng nông thôn sạch, đẹp, người dân tích cực chỉnh trang nhà ở, cổng bản; trên đồi nương, dưới chân ruộng phủ màu xanh của chè, cây màu và mạ chuẩn bị gieo cấy vụ đông xuân.
Để diện mạo nông thôn khởi sắc như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của dân bản còn có nguồn lực đầu tư của Nhà nước về một số dự án giảm nghèo. Đơn cử, tháng 2/2023, bản được hỗ trợ 30 con trâu sinh sản cho 30 hộ dân, tổng trị giá 600 triệu đồng từ Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023 (giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025). Cán bộ huyện, xã hướng dẫn các hộ hưởng lợi xây dựng chuồng nuôi nhốt hợp vệ sinh, ấm áp về mùa đông, thoáng mát mùa hè; bổ sung thức ăn tinh bột để gia súc tăng sức đề kháng chống chọi với dịch bệnh. Đến nay, đàn trâu đã sinh sản được 10 con nghé.

Cán bộ xã Bản Bo (huyện Tam Đường) tuyên truyền, vận động người dân khai thác lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.

Gia đình ông Tao Văn Bun được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản đã chủ động tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh; trồng cỏ và bổ sung thêm phụ phẩm nông nghiệp trong khẩu phần ăn của trâu. Nhờ đó, trâu béo, khỏe, đã sinh sản 1 con nghé.
Ông Bun tâm sự: “Được Nhà nước hỗ trợ nuôi trâu sinh sản, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do tỉnh, huyện tổ chức để ứng dụng vào thực tế chăm sóc. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng chè, lúa chất lượng cao. Sản phẩm thóc, gạo không chỉ đủ ăn còn bán ra thị trường, góp phần giảm nghèo bền vững”.

Được biết, giai đoạn 2022-2023, Ban Quản lý dự án huyện làm chủ đầu tư xây dựng Dự án kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi Phiêng Pẳng với tổng trị giá 6 tỷ đồng, phục vụ đủ nước tưới 2 vụ cho cánh đồng hơn 10ha. Hiện, bà con đang làm đất, gieo mạ sản xuất vụ lúa đông xuân đầu tiên. Anh Tao Văn Ma - Trưởng bản Phiêng Pẳng phấn khởi khoe: “Dân bản tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao thay cho độc canh ngô, lúa trước đây. Bản đã có 22ha chè, 30ha ruộng trồng lúa chất lượng cao. Bà con cần cù, sáng tạo trong lao động, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; luôn đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; xóa dần hủ tục và tệ nạn xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần”.
Hiện, bản Phiêng Pẳng có 51 hộ với 219 nhân khẩu, 100% dân tộc Lào, Lự cùng sinh sống. Người dân tích cực chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang nuôi nhốt gia súc tập trung từ 5 - 15 con trâu, ngựa sinh sản. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, phát triển mạnh đàn gia súc. Mỗi năm, bản có tỷ lệ tăng đàn gia súc đạt 6%. Riêng năm 2023, bản có 6 hộ thoát nghèo.
Bản Phiêng Pẳng luôn đi đầu về giữ vững an ninh trật tự; duy trì bản không ma túy và ngăn chặn hiệu quả tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; được Chủ tịch UBND xã tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Thu Minh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.