Thứ ba, 16/04/2024, 22:16 [GMT+7]

Bâng khuâng thành phố trong sương

Thứ sáu, 14/08/2020 - 12:04'
Mới đó, Lai Châu đã hơn 16 năm chia tách, thành lập, căng tràn nhựa sống như cô gái đang độ xuân thì. Còn thành phố Lai Châu thì trẻ trung, năng động. Miền đất hoang sơ, bộn bề những ngày đầu kiến tạo với câu thơ “thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi…” bây giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người mà thôi! Thành phố trong sương ấy giờ trông như bức tranh tạc vào núi mang trên mình những đổi thay ngoạn mục.

Anh Nguyễn Văn Phương - Trưởng Phòng Quản lý Đô thị thành phố Lai Châu nói với chúng tôi bằng giọng đầy tự hào khi anh giới thiệu hàng loạt những điểm nhấn. Đầu tiên phải kể đến khu Lâm viên cây xanh tọa lạc trên mảnh đồi sau Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Lai Châu và Quảng trường Nhân dân tỉnh thênh thang rộng lớn. Để có một “công viên trong rừng” như bây giờ, ít ai nghĩ các cơ quan chuyên môn của thành phố đã tốn bao nhiêu công sức nhọc nhằn để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp, quy hoạch khu dân cư. Hiện nay, khu Lâm viên đã hoàn thành 80% khối lượng công việc và đang nỗ lực từng ngày hoàn thiện bàn giao để sớm đưa nơi đây trở thành khu vui chơi giải trí lớn nhất thành phố đến thời điểm hiện tại. Và, cũng chính địa điểm này hợp cùng công trình nâng cấp, cải tạo ao cá Bác Hồ, quần thể khu văn hóa tâm linh chùa Linh Sơn đã tạo nên khu liên hợp tuyệt đẹp. Những đồi chè cằn cỗi, những bụi lau lách rậm rạp, bãi sình lầy hay những khu nhà ở xập xệ cũ kỹ xưa kia nay đã có diện mạo hoàn toàn mới mà những ai đi xa lâu ngày trở về có lẽ phải mường tượng lâu mới hình dung ra được.
Hàng loạt các công trình, dự án như: cải tạo vỉa hè Đại lộ Lê Lợi, thay thế cây xanh, nâng cấp chợ San Thàng cũng như các hạng mục: đèn trang trí dọc dải phân cách đường 58m, Đại lộ Lê Lợi; công trình đài phun nước thành phố, đường giao thông tại các xã Sùng Phài, San Thàng… đã điểm tô cho thành phố thêm khang trang, hiện đại, tiện nghi, thân thiện hơn nhiều. Nói như đồng chí Phạm Xuân Dụ - Bí thư, tổ trưởng tổ dân phố số 7 (phường Đoàn Kết), dẫu biết Lai Châu còn nhiều khó khăn song nhìn về tương lai, vẫn cần sự đầu tư thích đáng để thành phố khang trang, bề thế hơn nữa; để những cảnh quan thiên nhiên và con người Lai Châu luôn là những “điểm sáng” trong bức tranh muôn màu Tây Bắc.

Khu quảng trường trung tâm hành chính thành phố Lai Châu được đầu tư xây dựng khang trang.

Trong 5 năm (2015 - 2020), thành phố đã đầu tư 274 dự án về hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng đô thị, nông thôn (làm mới, nâng cấp) với tổng nguồn vốn trên 1.000 tỷ đồng, trung bình mỗi năm thành phố phải có trên 50 công trình thi công (chưa kể các công trình chuyển tiếp). Theo đó, đã có 70 dự án giải phóng mặt bằng tương đương diện tích thu hồi trên 70ha với số tiền bồi thường hỗ trợ trên 100 tỷ đồng được triển khai thực hiện từ đầu đến cuối thành phố; từ khu vực trung tâm cho đến những điểm ngoại thành. Điều đó đã trả lời cho câu hỏi vì sao công tác quy hoạch, xây dựng, kiến thiết của thành phố lại được tiến hành nhanh gọn và khoa học, hợp lý đến như vậy.
Là người con của thành phố Lai Châu, được lớn lên, tận mắt chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất này, làm sao chúng tôi không cảm thấy tự hào về nơi luôn đem đến những điều mới mẻ ấy. Cách đây 5 năm thôi, những ngã rẽ dẫn sâu vào các khu dân cư chưa được cứng hóa và lắp điện chiếu sáng mỗi đêm để người dân thuận tiện cho sinh hoạt, đi lại. Chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng lên gấp nhiều lần với 100% dân số nội thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Những ngôi nhà văn hóa khang trang, rộng, thoáng được xây lên, tạo không gian sinh hoạt văn hóa, hội họp, thể thao của người dân trong bất cứ thời điểm nào. Hiện nay, thành phố có 97% hộ gia đình, 98% tổ dân phố, bản, cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa. Với gần 3.700 cơ sở bán lẻ và các siêu thị - là nơi cung cấp và đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của đông đảo Nhân dân trên địa bàn. Bởi thế, tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ của thành phố chiếm tới 64%, còn lại là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp (chiếm số ít). Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giờ chỉ còn 0,6%.
Lại nói về nông nghiệp, ngoài một số diện tích trồng lúa chất lượng cao (lúa tẻ râu), giờ đây để nhìn thấy những thửa ruộng 1 vụ bỏ không hoặc những mảnh đồi hoang sơ vùng ngoại thành chắc hẳn là hiếm hoi. Ở những diện tích đất hiệu quả kinh tế thấp được chuyển đổi hoàn toàn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, bắt nhịp với thị trường tiêu thụ.
Nhìn lại quãng đường 5 năm qua, đồng chí Lương Chiến Công - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu khẳng định: “Đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới, thành phố đã tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển đan xen với những khó khăn, thách thức. Ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, nhiều năm qua, thành phố Lai Châu được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Trung ương, tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, năm 2019, thành phố Lai Châu vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất”.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...