Thứ sáu, 26/04/2024, 02:06 [GMT+7]

Bạo lực gia đình sẽ phải thực hiện công việc phục vụ cộng đồng

Thứ tư, 17/08/2022 - 09:05'
Người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng như: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng…

Đây là đề xuất tại dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/8. 

Biện pháp có tính răn đe, giáo dục

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)


Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phạm Thắng)

Dự luật Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trình tại phiên họp đã bổ sung một điều quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng”. 

Cụ thể, dự luật quy định, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình mà chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các công việc phục vụ cộng đồng: Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; Tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng.

Thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.

Giải trình về đề xuất bổ sung quy định này, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, quá trình xây dựng dự án Luật và thực tiễn giám sát cho thấy, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao. Với quan điểm cần phải có biện pháp phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực gia đình chưa đến mức xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có tính răn đe, giáo dục thì bổ sung một biện pháp mang tính xã hội phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết.

Qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, Thường trực Uỷ ban Xã hội nhận thấy, “lao động phục vụ cộng đồng” được quy định là biện pháp giáo dục, cải tạo người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong trường hợp người chấp hành án không có việc làm hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành án (Điều 101 Luật Thi hành án hình sự) và “lao động trị liệu” là một giai đoạn trong quy trình cai nghiện ma tuý (Điều 29 Luật Phòng, chống ma tuý). “Lao động phục vụ cộng đồng”, “lao động trị liệu” không bị coi là “lao động cưỡng bức”.

Đồng thời, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và rà soát tính tương thích với các điều ước quốc tế, Thường trực Uỷ ban nhận thấy, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng có thể coi là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng, chống bạo lực gia đình, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức. 

“Do vậy, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” tại dự thảo Luật” - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh. 

Có giới hạn số lần áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng?

Còn băn khoăn về thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo luật quy định, phục vụ cộng đồng không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, lại chưa làm rõ áp dụng bao nhiêu lần phục vụ cộng đồng. Có hạn chế số lần phục vụ cộng đồng không?

Quang cảnh phiên họp  

 

Quang cảnh phiên họp. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát quy định của dự thảo luật tương thích đối với quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế. Đơn cử như đối với phục vụ cộng đồng, nên có quy định loại trừ, bảo đảm phù hợp với Điều 36, Bộ luật Hình sự đó là: Hình phạt cải tạo không giam giữ không áp dụng với phụ nữ có thai, hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng, người già, yếu, người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật. 

Bên cạnh đó, biện pháp áp dụng của Tòa án đối với hành vi cải tạo không giam giữ chỉ quy định không quá 4 giờ/1 ngày và không quá 5 ngày/tuần. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, dự thảo Luật quy định không quá 8 giờ/một ngày liệu đã phù hợp và bảo đảm tính khả thi hay chưa, để bảo đảm kế sinh nhai cho người bị áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng? Giả dụ, một người phục vụ cộng đồng phải có thêm hai người cùng giám sát, có triển khai được trên thực tế?

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cũng đánh giá đây là biện pháp tốt, kinh nghiệm quốc tế đã áp dụng. Tuy nhiên, do đây là biện pháp mới, chưa có thí điểm ở Việt Nam nên đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để có lộ trình cụ thể, đảm bảo tính khả thi khi tổ chức thực hiện.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ, nhất là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, để bảo đảm luật khi ban hành bảo đảm tính khả thi. 

Về biện pháp thực hiện phục vụ cộng đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Ủy ban Xã hội nên lấy thêm ý kiến của đại biểu chuyên trách; phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá tác động của quy định này, rà soát bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật, bảo đảm không vi phạm các điều ước quốc tế./.

Cập nhật, Thứ ba, 16/08/2022 14:48/ Kim Thanh/dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...