Thứ bảy, 27/04/2024, 21:30 [GMT+7]

Bạo lực phụ nữ vẫn diễn ra như… cơm bữa

Thứ năm, 24/11/2011 - 08:35'
Chỉ tính 9 tháng đầu năm 2011 cả nước đã có gần 34.000 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), trong đó chủ yếu là bạo lực đối với phụ nữ. Mặc dù nước ta đã có Luật Phòng chống BLGĐ từ năm 2007 nhưng xem ra Luật vẫn chỉ là… trên giấy.

Mới xử lý khoảng 4.000/34.000 vụ bạo lực

Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho biết, theo báo cáo chưa đầy đủ của các Sở VHTTDL cả nước, chỉ tính 9 tháng đầu năm 2011 đã có 33.904 vụ BLGĐ. Trong đó, số vụ bạo lực với người già là 1.739 vụ; phụ nữ là 12.699 vụ; trẻ em là 2.892 vụ

Với con số “khủng” như vậy, chắc hẳn nhiều người không khỏi giật mình: Hóa ra nạn bạo lực vẫn đang hiện hữu (dù công khai hay lẩn khuất) trong cuộc sống hàng ngày.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáng lo ngại là không những gia tăng số vụ bạo lực mà tính chất dã man, sự đau đớn, tổn thương của nạn nhân càng ngày càng khiến xã hội căm phẫn, xót xa. Ngày càng có nhiều vụ bạo lực gây chết người phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Gần đây nhất là vụ BLGĐ nghiêm trọng dùng xăng đốt con bị bỏng nặng tại tỉnh Thanh Hóa gây bất bình trong dư luận.

Tuy nhiên, theo bà Tuyết Ánh, mặc dù có đến gần 34.000 vụ BLGĐ nhưng số vụ xử lý được chỉ ở mức khiêm tốn 4.185 vụ. Hiện vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập trong việc giải quyết dứt điểm các vụ bạo lực này.

“Mặc dù chúng ta đã có Luật Bình đẳng giới (2006); Luật Phòng chống BLGĐ (2007) nhưng lại chưa có cơ chế điều phối rõ ràng, sự phối hợp cơ quan ban ngành còn yếu. Chưa có một khung giám sát quốc gia về việc thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ; thiếu cán bộ làm công tác phòng chống BLGĐ và chủ yếu là kiêm nhiệm ở cấp cộng đồng trong khi năng lực còn hạn chế… làm hạn chế hiệu lực thi hành pháp luật. Trong khi đó nguồn ngân sách quốc gia cho phòng chống BLGĐ chưa được phân bổ phù hợp ở các cấp mà phụ thuộc chủ yếu vào nguồn tài trợ đang giảm dần…”- bà Ánh nói.

Có chấm dứt được nạn đánh đập phụ nữ?

Tại buổi Đối thoại chính sách về tăng cường các giải pháp cho vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở VN nhân kỷ niệm Ngày thế giới về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25.11) diễn ra sáng nay 23.11, câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta có thể chấm dứt được nạn bạo lực đối với phụ nữ?

Cùng ký cam kết hành động chống lại bạo lực đối với phụ nữ.
Cùng ký cam kết hành động chống lại bạo lực đối với phụ nữ.

Một điều ai cũng có thể dễ dàng nhận ra đó là những thương tổn mà nạn nhân bị bạo lực phải chịu đựng, nhất là phụ nữ. Họ đang phải chịu một loạt các vấn đề sức khỏe và thu hẹp khả năng tham gia vào đời sống xã hội. Đau đớn là vậy nhưng không phải ai cũng dám đứng lên kêu cứu và đòi quyền bình đẳng của nữ giới. Gần một nửa số phụ nữ bị bạo hành chưa từng kể với ai về hành vi bạo lực của chồng; 87% phụ nữ từng bị chồng đánh chưa từng tìm đến bất kỳ cơ quan tổ chức nào để nhận sự giúp đỡ. Rào cản lại chính từ phía nạn nhân.

Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN VN cho rằng: “Gốc rễ sâu xa của BLGĐ là sự thiên kiến, định kiến về giới đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ trong gia đình và xã hội. Bởi vậy chỉ có thể chấm dứt vấn nạn này khi toàn xã hội kiên trì, đồng lực thay đổi định kiến giới”.

Trước vấn nạn BLGĐ đang hết sức nhức nhối, Bà Ánh tiết lộ, hiện Bộ VHTTDL đang dự thảo hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp và sẽ được ban hành trong năm 2012. Đồng thời trình Chính phủ Nghị định và Thông tư về Công tác gia đình nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ nạn BLGĐ.

Theo vnexpress

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...