Thứ sáu, 29/03/2024, 12:25 [GMT+7]

Bản Huổi Hằm vẫn nghèo

Thứ ba, 04/08/2020 - 16:05'
Bản Huổi Hằm (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) có 44 hộ, 219 nhân khẩu, 97% hộ người Mông sinh sống. Mặc dù được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững theo các chương trình, đề án của Chính phủ, tỉnh nhưng nhiều năm nay, bản Huổi Hằm vẫn giữ nguyên tỷ lệ hộ nghèo 100%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Như Tơ - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cang cho biết: Đây là bản có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã nên thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp để thoát nghèo. Cùng với đó, xã ưu tiên cho bản được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ phát triển từ các chương trình 30a/CP, 135/CP của Chính phủ; hỗ trợ theo Quyết định 29 của tỉnh như: cấp giống cây trồng, máy móc sản xuất, con giống cho hộ nghèo; hỗ trợ cứu đói giáp hạt. Phấn đấu mỗi năm giảm từ 1-2 hộ nghèo.
Thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), xã huy động nguồn lực tập trung xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng. Đến nay, trong bản đã có đường giao thông, trường học, nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp; có điện thắp sáng. Đồng thời, xã cử cán bộ văn hóa phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tăng cường tuyên truyền, rà soát, phát hiện và ngăn chặn các trường hợp có ý định tảo hôn.

Công chức văn hóa xã Mường Cang (huyện Than Uyên) cùng Trưởng bản Huổi Hằm tuyên truyền, vận động dân bản phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; hạn chế tảo hôn, sinh nhiều con.

Năm 2017, thực hiện Đề án trồng chè của tỉnh, huyện, xã vận động Nhân dân khai hoang diện tích, chuyển đổi đất canh tác để trồng chè, nâng cao thu nhập; phối hợp với cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức hướng dẫn bà con các khâu làm đất, trồng, chăm sóc chè. Huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ các bản giúp bản Huổi Hằm làm đất trồng chè; ứng trước phân bón cho người dân có phân bón chăm sóc chè. Hiện nay, dân bản đang chăm sóc 25ha chè.
Tuy thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ như vậy, nhưng đến nay bản Huổi Hằm chưa có hộ nào thoát được nghèo. Để tìm hiểu rõ nguyên nhân, chúng tôi cùng với công chức văn hóa của xã đến thăm bản. Bản cách trung tâm xã khoảng 10km, các hộ sống rải rác trên các quả đồi. Đứng ở trung tâm của bản, có gần 20 hộ sinh sống, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà gỗ, nền đất, mái lợp prôximăng lụp xụp. Vào thăm một số hộ tài sản chẳng có gì ngoài mấy bao lúa mới được thu hoạch của vụ đông xuân vừa rồi và chiếc xe máy; hộ nào khá hơn thì có thêm chiếc tivi cũ.
Trải lòng với chúng tôi, anh Kháng A Tâu - Trưởng bản Huổi Hằm tâm sự: Gia đình tôi cũng là hộ nghèo vì mới tách hộ được 2 năm nay. Ở trong này, không có nguồn nước nên thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất; đất sản xuất ít lại khô cằn nên năng suất cây lúa không cao. Trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế, 50 người không biết chữ, tiếng phổ thông nói cũng chưa thạo; canh tác lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm còn lạc hậu, theo truyền thống. Vì nghèo quá nên 38 con dê được xã hỗ trợ thì một số người dân trong bản nuôi được 1 năm đã bán lấy tiền mua gạo, thực phẩm; một số hộ nuôi thì bị chết, giờ còn 8 con dê.
Được biết, cả bản Huổi Hằm có diện tích cấy lúa 5ha/2 vụ, hơn 4ha ngô, 10ha sắn, 25ha chè; nuôi 43 con trâu, 46 con bò, 8 con dê, 10 con lợn và 500 con gia cầm các loại. Năng suất lúa đạt 40 tạ/ha. Thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm (trong khi đó thu nhập của xã bình quân đạt 40,5 triệu đồng/người/năm).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài vấn đề thiếu nguồn nước, đất bạc màu, bản nghèo là do những quan niệm cổ hủ của người dân nơi đây. “Theo quan niệm của người dân tộc Mông trong bản chúng tôi, trên 20 tuổi là già rồi, nên phải lấy vợ, lấy chồng sinh con sớm thôi”- anh Tâu cho biết thêm. Có lẽ chính vì những suy nghĩ ấy dẫn đến việc tảo hôn cao; nhiều trẻ đang tuổi vị thành niên 14-16 tuổi, học xong THCS đã xây dựng gia đình. Riêng trong năm 2019, bản có 3 cặp tảo hôn.
Vẫn biết rằng nhiều con sẽ khổ, khó mà nuôi dạy tốt, nhưng một số hộ bỏ mặc ngoài tai những lời vận động của cán bộ xã, trưởng bản, tiếp tục sinh con, bởi họ cho rằng “sinh nhiều để chúng còn có anh em”. Điển hình như gia đình chị Giàng Thị Sá, anh Lò A Cu, dù năm nay hai vợ chồng mới ngoài 35 tuổi nhưng có tới 7 người con, con lớn 20 tuổi, con út 3 tuổi.
Đặc biệt, bản mãi nghèo còn do sự trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo của người dân. Anh Vàng A Thanh (người dân trong bản) cho biết: Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, gồm bố mẹ tôi, vợ chồng tôi và hai con. Gia đình cấy hơn 500m2 lúa, nuôi 3 con trâu, 30 con gà. Từ khi chuyển về bản đã thuộc hộ nghèo. Gia đình tôi cũng không muốn thoát nghèo vì thoát nghèo rồi, không được hỗ trợ các chính sách nữa, làm lại không đủ ăn.
Đó cũng là câu trả lời của nhiều người dân bản Huổi Hằm khi chúng tôi tiếp xúc, nói chuyện. Nghe xong mà chúng tôi cảm thấy rất buồn. Liệu rằng nếu không có những chính sách hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện, người dân có nỗ lực thoát nghèo, vươn lên trong phát triển kinh tế để con cháu sau này có tương lai tốt đẹp hơn.
Qua nhiều chuyến công tác, đến thăm các bản xa của huyện Than Uyên, nhưng có lẽ Huổi Hằm là bản duy nhất khiến chúng tôi mang nhiều tiếc nuối khi ra về. Hy vọng rằng, thời gian tới, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân bản Huổi Hằm sẽ được nâng lên, không còn ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, tỉnh.

Đinh Đông

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều khó khăn, vướng mắc
Từ ngày 10/7/2023 tại tỉnh Lai Châu nói riêng, cả nước nói chung đã triển khai, thực hiện đồng bộ liên thông thủ tục hành chính (TTHC) đối với 2 nhóm TTHC: đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú -...
Nhiệt tình với hoạt động đoàn
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Lò Thị Kim Lệ - Bí thư Chi đoàn Tổ dân phố số 25, phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) luôn hăng hái trong mọi hoạt động, phong trào đoàn, là gương sáng cho...