Chủ nhật, 05/05/2024, 04:56 [GMT+7]

Bảo hiểm y tế học sinh: Vùng khó đã được gỡ khó

Thứ ba, 31/10/2023 - 23:19'
(BLC) - Trước năm 2021, 100% học sinh nghèo thuộc vùng đồng bào thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Tân Uyên được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Song từ khi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã của huyện được xác định thuộc khu vực I và thôi hưởng các chính sách hỗ trợ như trước, đồng nghĩa với việc các em học sinh không còn thuộc diện được cấp thẻ BHYT miễn phí. Vừa qua, Chính phủ ban hành chủ trương mới về mở rộng đối tượng hỗ trợ BHYT đã gỡ khó được cho những vùng khó khăn của huyện Tân Uyên về vấn đề này.

Nhiều học sinh chưa mua bảo hiểm y tế

Là đơn vị giáo dục trên địa bàn thị trấn huyện song Trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên chỉ có 32 em dân tộc Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số. Có em ở tận xã vùng xa như Hố Mít cũng ra thị trấn học. Ai cũng nghĩ diện mạo khang trang, thoáng đãng của ngôi trường mới, học sinh sẽ có điều kiện, cuộc sống khá giả. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với cô giáo Hoàng Thị Hạnh Huyền – Phó Hiệu trưởng nhà trường, được cô cho hay: "Trường có 878 học sinh với 35 lớp ở 6 điểm bản. Tính đến ngày 12/10, toàn trường chỉ có 46 học sinh tham gia đóng BHYT. Thuộc địa bàn thị trấn song đời sống người dân ở đây còn nhiều vất vả, thiếu thốn, chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, làm nương, trồng chè. Nhiều em bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà, việc học hành cũng không được quan tâm, quán xuyến sát sao".

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, do nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vào đầu năm học mới nhưng vẫn chưa có điều kiện mua sách giáo khoa cho con. Để đảm bảo học sinh có đủ sách, vở học tập, nhà trường đã đứng ra ứng trước với đơn vị cung ứng sách, thiết bị trường học, sau khi ổn định năm học sẽ thu lại của phụ huynh. Nhưng cho đến cuối tháng 10, việc trả tiền sách giáo khoa cho con em cũng rất nhỏ giọt vì cha mẹ học sinh không có tiền để trả. Quần áo đi học của các em, các thầy cô giáo cũng phải huy động các nhà hảo tâm đóng góp. Chưa kể học phí nhà trường cũng không thu đủ. Việc mua BHYT cho con em xem như một điều vượt quá khả năng của các bậc phụ huynh.

Hầu hết học sinh trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên thuộc dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn nên phụ huynh chưa có điều kiện mua thẻ BHYT cho con em.

Hầu hết học sinh Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên thuộc dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn nên phụ huynh chưa có điều kiện mua thẻ BHYT cho con em.

Thực trạng mua thẻ BHYT cho học sinh thông qua đơn vị trường học ngay trung tâm thị trấn cho chúng tôi hình dung bức tranh của toàn huyện. Bởi đối với những xã vùng sâu vùng xa, thì khó khăn của phụ huynh, học sinh còn nhân lên gấp nhiều lần. Nếu người dân phải tự lực cánh sinh, tự mình vận động, việc lo cho các con đủ ăn, thì việc chuẩn bị tiền dự phòng cho sức khỏe là cả sự cố gắng lớn. 

Nỗ lực tối đa mở rộng diện bao phủ

Với vai trò là “tư lệnh” của BHXH huyện Tân Uyên, ông Nguyễn Đức Thịnh luôn luôn trăn trở về bài toán nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia BHYT trên địa bàn huyện. Trong công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm học, BHXH huyện đã phân công cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, nắm chắc địa bàn dọc tuyến đến tận các xã, đơn vị trường để tuyên truyền, vận động, lồng ghép vào nhiều hoạt động của trường để phân tích cho học sinh hiểu quyền lợi khi tham gia BHYT. Ban hành các văn bản hướng dẫn cho giáo viên, phân kỳ thu phí thành 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng để phụ huynh không quá áp lực khi đóng khoản này.

Các đơn vị trường cũng triển khai tới bậc phụ huynh thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh đầu năm; điện thoại, mạng xã hội facebook, zalo… và tận dụng mọi hình thức truyên truyền giúp phụ huynh hiểu rõ ý nghĩa của việc tham gia BHYT để mua cho con em mình. Công tác tuyên truyền cũng dẫn ra một số ví dụ sinh động khi không may học sinh phát hiện bệnh đột xuất, hiểm nghèo, nếu có thẻ BHYT sẽ giảm áp lực chi phí phẫu thuật và điều trị. Nhưng ngược lại, nếu không có thẻ, số tiền phải trả cho các cơ sở y tế là rất lớn.

Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp người dân, học sinh hiểu rõ quyền lợi khi có thẻ BHYT trong tay. Đồng thời cũng hiểu quy định mới về chính sách hỗ trợ của tỉnh thông qua Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Theo đó, học sinh được hỗ trợ 60%, mỗi học sinh chỉ phải đóng 40% với số tiền trên 360.000 đồng/năm học, nhưng với mức đóng đó cũng không phải dễ dàng đối với hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo số liệu thống kê từ BHXH huyện Tân Uyên, tính đến giữa tháng 10, toàn huyện có 13.839 học sinh thuộc diện phải tham gia BHYT bắt buộc. Có 2.489 học sinh tham gia BHYT năm 2022 (đến nay vẫn còn hiệu lực). Số học sinh còn phải mua thẻ gần 6.800 em. Căn cứ điều kiện thực tế, nếu khai thác tốt cũng chỉ được hơn 1.000 thẻ, nâng tổng số năm nay lên 3.489 thẻ, như vậy vẫn còn thiếu 5.000 thẻ chưa thể huy động học sinh mua.

Đối với học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện thì chủ động hơn trong việc mua thẻ BHYT.

Đối với học sinh các Trường THPT trên địa bàn huyện thì chủ động hơn trong việc mua thẻ BHYT.

Nhiệm vụ nặng nề đó cũng được lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện quán triệt sâu sắc đến các đơn vị trường và được phổ biến đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trường nào không đạt tỷ lệ theo kế hoạch giao sẽ đánh giá vào tình hình thực hiện nhiệm vụ cuối năm. 

Vùng khó đã được gỡ khó

Đúng vào thời điểm khó khăn, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT ở các trường học trên địa bàn huyện Tân Uyên đạt thấp thì ngày 19/10 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT (Nghị định 75). Theo đó, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 như ở huyện Tân Uyên sẽ được hỗ trợ 70% mức đóng BHYT, cộng với 30% mức đóng BHYT được hỗ trợ theo Nghị quyết 19/NQ-HĐND tỉnh, tổng cộng mức hỗ trợ là 100%.

BHXH huyện Tân Uyên triển khai Nghị định 75 tới các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các xã, thị trấn vào ngày 28/10 vừa qua.

BHXH huyện Tân Uyên tuyên truyền, triển khai Nghị định 75 tới các đồng chí bí thư, chủ tịch UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tiếp nhận chủ trương này, ông Nguyễn Đức Thịnh - Giám đốc BHXH huyện Tân Uyên phấn khởi nói với chúng tôi: Vậy là vùng khó Tân Uyên đã được gỡ khó, 100% các em học sinh đồng bào DTTS đều được cấp thẻ BHYT miễn phí như trước đây. Các em lại được cầm trên tay “tấm vé phòng vệ” khi gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 75, tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh trên địa bàn huyện vẫn chưa thể đạt được con số tuyệt đối vì với học sinh là người dân tộc Kinh thì không được hỗ trợ và đời sống của một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn khó khăn.

Được biết, ngày 28/10 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 75 tới toàn thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và bộ phận chuyên môn các xã, thị trấn trên địa bàn, qua đó phổ biến, tuyên truyền, rà soát, lập danh sách được cấp trong thời gian sớm nhất.

Như vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 75 được cho là chính sách rất kịp thời và nhân văn, trong đó có nhiều quyền lợi BHYT của học sinh ở những vùng còn khó khăn như Tân Uyên được quan tâm, tháo gỡ.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Phòng ngừa đuối nước cho trẻ em
Mặc dù chưa đến kỳ nghỉ hè nhưng những ngày qua, rất nhiều trẻ em trên địa bàn tỉnh tự tắm tại sông, suối, ao, hồ không có sự theo dõi, quản lý của người lớn. Do đó, rất cần sự quan tâm của mỗi...
Tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Lê Thế Thành - Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, không chỉ gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn đi đầu trong công tác tuyên...