Thứ bảy, 27/07/2024, 07:03 [GMT+7]

Bảo vệ môi trường trong chăn nuôi

Thứ hai, 30/10/2023 - 10:46'
Chăn nuôi phát triển góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Trong quá trình chăm sóc vật nuôi, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến bảo vệ môi trường (BVMT), nhằm hạn chế dịch bệnh, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

Xác định phát triển chăn nuôi gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là khâu then chốt, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thành phố tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua đó, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, hàng hoá gắn với BVMT.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 800 hộ gia đình và 200 cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung quy mô trang trại được hỗ trợ (xây dựng chuồng trại với tổng diện tích trên 50.000m2; xây dựng công trình biogas để xử lý chất thải với thể tích 2.400m3; sử dụng đệm lót sinh học 1.600m2) theo Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 17/1/2020 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, bà con còn được hướng dẫn kiên cố hoá chuồng nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, có hồ/bể chứa để thu gom, xử lý phân nước thải chăn nuôi theo hướng đảm bảo vệ sinh môi trường; thực hiện biện pháp ủ phân, áp dụng công nghệ sinh học men vi sinh, khí sinh học biogas.

Người dân bản Rừng Ổi Khèo Thầu (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) xây hầm biogas và thường xuyên vệ sinh chuồng trại.

Đồng thời, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là những cơ sở chăn nuôi tập trung với quy mô trang trại, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát hạn chế dịch bệnh và BVMT theo tiêu chuẩn VietGAHP. Đối với các dự án thực hiện theo chính sách thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại trên địa bàn tỉnh cũng được các cơ quan chuyên môn rà soát, thẩm định, kiểm tra cấp phép đảm bảo đúng các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và Luật Bảo vệ môi trường, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp, HTX áp dụng công nghệ mới và quy trình chăn nuôi khép kín, tiên tiến, hiện đại, chăn nuôi an toàn sinh học.
Hằng năm, việc tuyên truyền về BVMT được chú trọng, Sở NN&PTNT đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn trong chăn nuôi với các doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thông qua các hội nghị tập huấn, các lớp đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về BVMT trong chăn nuôi. Trang bị, cung cấp kiến thức, phương pháp và kỹ năng phù hợp để áp dụng trong điều kiện thực tế sản xuất cũng như thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100.000 hộ chăn nuôi, 221 trang trại (4 trang trại quy mô lớn, 35 trang trại quy mô vừa, 182 trang trại quy mô nhỏ). 100% cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định; trên 75% các trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường như: hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học, men vi sinh…
Tuy nhiên, còn những khó khăn, hạn chế: hiện nay tỷ lệ các hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với quy mô nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%). Một số hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ gần khu dân cư chưa đầu tư BVMT, chưa có hệ thống xử lý chất thải; công nghệ sản xuất còn lạc hậu đã ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tống Văn Dương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Để tăng cường công tác BVMT trong chăn nuôi, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, vận động nhân dân, cơ sở chăn nuôi nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về BVMT. Song song với đó, những biện pháp chuyển đổi phương thức, giải pháp xử lý chất thải bằng các công nghệ phù hợp (sử dụng công nghệ khí sinh học, chăn nuôi bằng đệm lót sinh học…) tiếp tục được triển khai xuống các địa phương để cơ sở chăn nuôi ứng dụng, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ưu tiên sản xuất chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao nhằm giảm áp lực về môi trường, phát triển chăn nuôi theo chuỗi, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ. Cơ quan chuyên môn đẩy mạnh kiểm soát hoạt động sử dụng hoá chất, chất cấm, chất kích thích sinh trưởng, kháng sinh trong chăn nuôi hoặc thông qua kiểm soát, đánh giá chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý chất thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi”.
HTX Chăn nuôi và Trồng trọt Đức Điệp của anh Quyết Đức Đán ở bản Hoa Vân (xã Bình Lư) là một trong những HTX chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn huyện Tam Đường. Trung bình, HTX nuôi 300 con lợn; chuồng nuôi được thiết kế công nghệ cao khép kín, có hầm biogas đảm bảo vệ sinh môi trường. Anh Đán cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách, năm 2022 gia đình tôi được hỗ trợ gần 600 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, làm hầm biogas theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh. Sử dụng công nghệ cao khép kín trong chăn nuôi không chỉ giúp đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại thu nhập cao mà còn góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Nhờ chú trọng BVMT trong phát triển chăn nuôi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đàn vật nuôi tăng trưởng ổn định, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đồng thời góp phần BVMT.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.