Chủ nhật, 12/05/2024, 14:23 [GMT+7]

Bắc Trung bộ: Mưa lớn, ngập sâu

Chủ nhật, 03/10/2010 - 16:48'
Các tỉnh Bắc Trung bộ từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang trong tình trạng mưa lớn, nhiều nơi ngập sâu, ảnh hưởng đến giao thông. Đoạn đường sắt Bắc - Nam đang bị tắc nghẽn tại Quảng Bình...

>> Đà Nẵng mưa là ngập

Huế: Biển nước

Do nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trong chiều ngày 2 và sáng ngày 3-10-2010 trên địa bàn TP Huế và Quảng Trị có mưa lớn trên diện rộng. Tại Huế, cơn mưa bất chợt trong nhiều giờ khiến cho nhiều tuyến đường, ngõ hẻm khu dân cư TP. Huế ngập sâu trong nước.

Nhiều khu vực như phường Thủy Dương, Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế); các tuyến đường lớn của TP Huế như Hùng Vương, Ngự Bình, Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh… nước lên nhanh trong mưa, có chỗ lên đến hơn nửa đầu gối.

Mực nước tại các sông An Cựu, sông Hương, sông Đông Ba… đang tiếp tục dâng cao, bắt đầu ngập đến khu vực nhà dân.

Khoảng gần 3g sáng nay 3-10, trên tuyến đường giao nhau Ngự Bình - Hùng Vương, do nước dâng cao nên nhiều phương tiện lưu thông đã bị “chết” máy, gây khó khăn cho người đi đường. Một số xe tải, taxi cũng bị chết máy được người dân khu vực giúp đẩy đến sửa chữa gần đó.

Tại đoạn đường Ngự Bình, một vài người dân đi buôn chợ đã phải đứng trú mưa bên lề đường do không thể qua phía bên kia chợ An Cựu. Vừa trực tại chốt thoát nước, anh Phúc - một người dân ở Kiệt 1, đường Ngự Bình, TP Huế cho biết: do mưa lớn kéo dài từ suốt buổi sáng ngày 2-10 nên hệ thống thoát nước tại nhiều điểm không hoạt động kịp để rút nước. Tại một số khu vực như xóm Gióng (phường Thủy An, TP Huế) do không có hệ thống thoát nước nên lượng nước mưa cứ dâng cao theo từng giờ.

Đến khoảng hơn 5g sáng nay, mưa vẫn tiếp tục đổ xuống địa bàn TP Huế. Theo dự báo, nếu trong ngày 3-10 lượng mưa không dứt thì nguy cơ TP Huế ngập chìm trong biển nước là điều khó tránh khỏi.

Có nơi đường ngập sâu tới 0,5m - 1m khiến cho giao thông bị đình trệ, ùn tắc cục bộ như: Đống Đa, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Phạm Văn Đồng, cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền… Có nơi phải dùng cả sõng (ghe) để đưa du khách nước ngoài và người dân qua khỏi nơi ngập sâu như tại tuyến đường Bến Nghé.

Bà Trần Thị Hoa, một người dân sống trên đường Đống Đa - TP Huế cho biết: “Hễ trời mưa xuống là đường lại ngập, chuyện ngập úng ở TP. Huế không phải mới xảy ra đây, mà tồn tại từ nhiều năm nay. Nhưng chính quyền TP vẫn chưa tìm ra cách giải quyết”.

Sinh viên Nguyễn Đức Tín, lớp Xã hội học K33, trường Đại học Khoa học Huế, phân trần: “Thật sự mới đầu đặt chân ra Huế, em chưa bao giờ hình dung cảnh TP. Huế thơ mộng như thế mà cứ hễ mưa xuống là ngập. Dù mưa nhỏ hay mưa to vẫn ngập”.

Dưới đây, là những hình ảnh mà chúng tôi kịp ghi lại vào 8g sáng 3-10-2010 trên địa bàn TP. Huế.

Cảnh ngập úng cục bộ trên đường Đống Đa, Nguyễn Huệ, Hùng Vương.

 


Đoàn khách du lịch tới Huế vào thời điểm này, phải dùng sõng để đi (ảnh chụp tại đường Bến Nghé - TP. Huế).

 

Khung cảnh ùn tắc giao thông cục bộ trên đường Hà Nội, cầu Phú Xuân Huế.

 

 Người và phương tiện đi bơi trong nước (ảnh chụp trên đường Đống Đa).

 

Bắt cá trong mưa

Sau nhiều ngày mưa kéo dài, đến sáng nay 3-10, nước các con sông tại Thừa Thiên - Huế dâng cao. Trên địa bàn TP. Huế, nước dâng gây ngập nhiều tuyến đường, có nơi ngập quá 0,5 m, gây tắc nghẽn giao thông.

Bất chấp khó khăn, nhiều người dân đã ra dưới mưa để mưu sinh. Theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều nơi ven sông An Cựu, sông Hương, nhiều người dân đổ xô ra sông cất vó bắt cá. Tuy nhiên trong vó chỉ có những con cá bé tí, còn gọi là cá cơm.

Anh Lưu (ngụ đường Phan Đình Phùng) cho biết: “Năm ni mưa muộn nên chỉ có cá con thôi, mấy năm trước giờ ni cá to nhiều lắm. Từ sáng tới chừ mà chỉ có mấy con cá cơm thôi”. 


Cất vó dưới mưa.

 

Quảng Trị: báo động lũ toàn tỉnh

Tại Quảng Trị trưa ngày 3-10, mưa lớn kéo dài và liên tục từ ngày 29-9 đến nay khiến mực nước các sông trên toàn tỉnh tăng chóng mặt. Nhiều nơi nước sông đã tràn bờ và xâm xấp mép nhà dân. Hàng trăm thuyền vạn chài trên sông Hiếu đã phải sơ tán vào các con lạch ven sông.

Nước lũ tràn bờ trên sông Hiếu tại khu vực cầu Đuồi (Cam Lộ) khiến nhiều thuyền vạn chài phải dạt bờ lánh tạm.

Đặc biệt, trên các sông như sông Hiếu, sông Bến Hải, lượng nước lũ đầu nguồn đổ về kéo theo số lượng lớn củi, gỗ đã khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm chèo thuyền ra giữa sông vớt củi.

 Nước lũ đe dọa những hộ dân sống ven sông.

Theo thống kê của trung tâm phòng chống lụt bão tỉnh, lượng mưa đo được trung bình trên toàn tỉnh mấy ngày qua dao động từ 200 – 450mm, có vùng như Hải Tân, Hải Sơn lên đến trên 500mm. Hiện mực nước tất cả các sông lớn ở Quảng Trị như Bến Hải, Hiếu Giang, Thạch Hãn…đều đã vượt mức báo động 1 trên nửa mét, riêng các sông Ô Lâu, Ô Giang ở Hải Lăng đã vượt trên báo động 2.

Nhiều người dân bất chấp nguy hiểm vớt củi trên sông Hiếu.

Ông Nguyễn Văn Bài, phó ban phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, hiện tại tình hình thời tiết vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Dự kiến đến ngày 4-10, mực nước trên các sông sẽ vượt qua mức báo động 2, chạm mức báo động 3 gây lũ cục bộ ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng trũng như Hải Lăng, Triệu Phong. 

Hà Tĩnh: lũ lớn làm 2 người mất tích

Tính đến thời điểm này, lũ lớn hành hoành ở hai huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) đã làm 2 người mất tích, hàng nghìn hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Ban Phòng chống bão lút huyện Hương Khê cho biết đến 14 giờ chiều nay 3-10, khoảng hơn 300 hộ dân trong vùng đã sơ tán lên những vùng núi cao hơn để tránh tình trạng hồ thủy điện Hồ Hô có nguy cơ vỡ.

 

Mưa lũ đang lên và hàng nghìn hộ dân ở hai huyện Vũ Quang, Hương Khê đang bị cô lập.

Theo báo cáo của Ban phòng chống bão lũ Hà Tĩnh, do ảnh hưởng khối không khí lạnh kết hợp với vùng áp thấp, từ ngày 29-9 đến 3-10, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa to và rất to, có nhiều nơi lượng mưa từ 300-400mm nên ở hai huyện Hương Khê và Vũ Quang xuất hiện lũ lớn và đang lên. Đặc biệt ở huyện Hương Khê đã có hai người mất tích do mưa lũ.

Được biết, chiều ngày 2-10, hai chiến sĩ Đại đội công binh thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh trên đường trở về đơn vị thì một chiến sĩ bị nước lũ cuốn trôi. Hiện tỉnh đội Hà Tĩnh huy động hàng trăm chiến sĩ nỗ lực tìm kiếm trên sông Rào Hào.

Vào lúc 6g sáng nay 3-10, cô giáo Trần Thị Hoa, giáo viên mầm non ở xóm 6 xã Hương Bình cũng bị nước lũ cuốn trôi. Mọi nỗ lực tìm kiếm đang được địa phương nay triển khai.

Ông Lê Trần Sáng, phó chủ tịch huyện Hương Khê cho biết, đến thời điểm này huyện Hương Khê đã có hơn 1.000 hộ dân bị ngập, tập trung chủ yếu ở các xã dọc hai bờ sông Ngàn Sâu như Phương Điền, Phương Mỹ, Hà Linh, Hương Thủy, Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Đô…

Mưa lũ làm cho hàng trăm ngôi làng bị cô lập hoàn toàn.

 

Hàng nghìn người dân ở huyện Hương Khê được di dời khẩn.

Hiện nay một số công trình thủy lợi đang có nguy cơ bị vỡ, đặc biệt ở thủy điện Hồ Hô nước đã chảy qua mặt đập gần 1m, hệ thống cống xả lũ ngừng hoạt động, nếu mưa lớn kéo dài hồ thủy điện Hồ Hô sẽ có nguy cơ vỡ.

Sáng ngày 3-10, UBND huyện Hương Khê tổ chức họp khẩn các thành viên ban phòng chống lụt bão và một số ban phòng. UBND huyện Hương Khê cũng đã có công lệnh khẩn cho các xã, thị trấn phải di dời dân đến những nơi an toàn, đặc biệt hàng nghìn hộ dân sống dọc sông Ngần Sâu đang đe dọa bởi lũ quét.

Được biết hiện nay lũ ở hai huyện Vũ Quang và Hương Khê đang lên cao. Nếu mưa kéo dài hai huyện này có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn.

Theo Tuổi trẻ

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...