Chợ thị xã Lai Châu: Nơi cần không có, nơi có không sử dụng
HIỆN TRẠNG
Vào giờ tan tầm (buổi trưa hoặc chiều), tại chợ Đoàn Kết, người dân kinh doanh buôn bán trong chợ “tràn” ra đường bán hàng, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Hoa
Phường Tân Phong hiện có 2 chợ là: Tân Phong 1, 2, nhưng đều vắng bóng người mua, kẻ bán.
Được biết chợ Tân Phong 2 (tổ dân phố 15) được xây trên diện tích gần 6.000m2 với tổng nguồn vốn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng. So với các chợ khác trên địa bàn thị xã Lai Châu, đây là chợ có quy mô lớn và đầu tư hoàn chỉnh nhất thị xã Lai Châu.
Dù đã được bàn giao và đưa vào sử dụng cách đây 6 tháng, nhưng đến thời điểm này chợ Tân Phong 2 gần như để không. Trong số 61 kiốt, chỉ có có vài kiốt được người dân bán những mặt hàng nhỏ lẻ (doanh thu rất thấp) hoặc làm phòng ở, các kiốt còn lại đều khóa cửa. Một vài gian hàng phía trong chủ yếu bán thịt, rau xanh và các loại thức ăn sẵn. Ngoài sân chợ, lâu nay đã trở thành sân đá bóng của thanh thiếu niên mỗi buổi chiều.
Đáng chú ý là một số hộ đăng ký và tự đầu tư kinh phí xây 2 - 3 kiốt liền nhau nhưng chưa một ngày kinh doanh. Nhưng với họ việc không mở cửa kinh doanh chẳng có gì đáng lo vì với 1 kiốt khoảng 15 - 20 triệu đồng, nếu kinh doanh có hiệu quả thì tiếp tục đầu tư, còn không thì chờ… bán, kiểu gì cũng lãi mấy chục triệu đồng.
Tại các tổ dân phố số 3, 19, 20, 25 (phường Tân Phong) lại không có chợ. Các hộ thuộc diện tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La và nhân dân sống lâu năm tại đây bức xúc bởi trồng được luống rau mang ra bán tại chợ xép phường Đoàn Kết thì đã chật kín người, mang ra lòng đường bán thì cán bộ trật tự đô thị thu; còn đến chợ Tân Phong 2 thì đường đi quá xa. Không có chợ để kinh doanh buôn bán, bà con buộc phải bán ở ven đường quốc lộ cạnh khu vực sinh sống.
Có “cung” ắt có “cầu”, mới đầu là vài hàng bán rau nhỏ lẻ hoặc bán rong, sau đó là quầy thịt lợn, sạp hàng xén... lâu dần người mua, người bán tập trung nhiều khiến đoạn đường 30/4 (phường Tân Phong) trở thành nơi trao đổi, mua bán hàng hóa tấp nập.
Không quán, không lều, mạnh ai nấy bày hàng trên vỉa hè có khi để cả dưới lòng đường. Qua tìm hiểu được biết nơi đây thu hút khá đông người đến trao đổi mua bán nên bà con đặt tên là “chợ 30/4”. Những người kinh doanh mua bán tại “chợ 30/4” đều là các hộ phi nông nghiệp, thuộc diện TĐC Thủy điện Sơn La từ thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) chuyển về. Việc họp chợ tự phát không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an ninh trật tự địa phương.
Một bất cập nữa là tại khu vực chợ xép phường Đoàn Kết, do không gian hẹp, khối lượng hàng hóa, nhu cầu buôn bán lớn, ngoài các hộ có gian hàng cố định trong chợ, những người bán hàng đến sau không còn chỗ ngồi lại mang ra ngoài cổng chợ ngồi bán. Do vậy, đến giờ tan tầm, lượng khách hàng mua đông, vì “tiện” nên không mấy người vào trong chợ mua mà mua luôn ở ngoài, thấy vậy những hộ trong chợ lại “ồ ạt” chuyển hàng ra cổng chợ để cạnh tranh gây ách tắc giao thông. Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng rồi đâu lại vào đấy. Song suy cho cùng, việc này cũng thật khó xử lý bởi lĩnh vực thương mại – dịch vụ phát triển sẽ nâng nguồn thu cho ngân sách địa phương; người dân mua bán theo thói quen “nơi nào nhiều hàng hóa thì đến mua”, không ai cấm quyền được mua, bán (trừ một số mặt hàng quốc cấm).
CƠ QUAN CHUYÊN MÔN NÓI GÌ?
Chúng tôi mang những băn khoăn trên trao đổi với anh Nguyễn Văn Bính – Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Lai Châu (cơ quan chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển thương mại – dịch vụ trên địa bàn, trong đó có quy hoạch xây dựng chợ thị xã Lai Châu) được biết: “Việc thị xã Lai Châu đã và đang đầu tư xây dựng các điểm chợ là một chủ trương đúng đắn, mang tính chiến lược lâu dài, nhằm tiến đến xây dựng thị xã Lai Châu trở thành đô thị loại 3 vào năm 2013 và lên thành phố vào năm 2015. Khi đó, quy mô dân số, mật độ dân cư sẽ tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm hiện tại, do vậy, việc đầu tư xây dựng chợ như hiện tại là điều tất yếu phải làm và phấn đấu mỗi xã, phường được đầu tư xây dựng 1 chợ, như vậy mới đạt yêu cầu đề ra”.
Được biết, nhằm thu hút người dân đến kinh doanh buôn bán tại các chợ có mật độ dân cư ít, thị xã Lai Châu đã có chính sách khuyến khích, thu hút như: miễn giảm tiền thuê kiôt; phí, lệ phí chợ… Nhưng người dân vẫn giữ thói quen “tiện đâu, mua đấy”, đã dẫn đến tình trạng chợ không người họp, chợ thì quá tải.
Theo Đề án phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015, thị xã Lai Châu tiếp tục đầu tư xây dựng 2 chợ ở phường Tân Phong, xã Nậm Loỏng và 1 trung tâm thương mại. Trong đó tại phường Tân Phong sẽ đầu tư chợ đầu mối phân phối mặt hàng nông sản và thu hút các doanh nghiệp có khả năng đầu tư kinh doanh lớn. Phấn đấu đến năm 2015, hàng hóa và dịch vụ lưu chuyển thông qua hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn đạt 523,9 tỷ đồng (ước chiếm 22% tỷ trọng ngành).
Với những giải pháp đề ra mang tầm vĩ mô và tính chiến lược lâu dài, hy vọng việc quy hoạch xây dựng chợ thị xã Lai Châu sẽ đáp ứng đúng, trúng nhu cầu mua, bán, trao đổi hàng hóa của người dân. Có như vậy mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Thu Trang
Bình luận