Thứ tư, 24/04/2024, 02:55 [GMT+7]

Chiêu trò sang nước ngoài làm “việc nhẹ, lương cao”: Cần tỉnh táo

Thứ tư, 03/08/2022 - 09:58'
(BLC) - Có tới gần 20 trường hợp là con em của đồng bào các dân tộc trong tỉnh do nhẹ dạ cả tin, nghe theo lời rủ rê, dụ dỗ sang nước ngoài làm việc nhẹ nhưng có thu nhập cao đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo. Thực trạng này đang là bài học cảnh tỉnh cho nhiều gia đình, cần tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò của chúng.

Vỡ mộng đổi đời

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh), qua trình báo của người dân cũng như công tác điều tra, rà soát của lực lượng công an, hiện toàn tỉnh có 18 trường hợp là công dân trong tỉnh bị đối tượng lừa đảo dụ dỗ sang nước Campuchia lao động. Những trường hợp này độ tuổi từ 16-23, hầu hết là con em đồng bào các dân tộc đi làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp, công ty các tỉnh miền xuôi.

Lợi dụng sự sơ hở, nhẹ dạ cả tin của các cô gái, chàng trai tuổi còn trẻ, kinh nghiệm sống còn non nớt, xa quê hương, không người kèm cặp theo dõi; tận dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook) các đối tượng xấu đã kết bạn, nhắn tin hoặc gọi điện làm quen và giới thiệu việc làm. Luận điệu chúng đưa ra là nếu đồng ý sẽ được bố trí làm công việc nhẹ nhàng, điều kiện làm việc tốt và có thu nhập cao. Đồng thời, quá trình di chuyển đến địa điểm làm việc mới không mất chi phí tàu xe, đi lại. Hấp dẫn với lời mời đó, nhiều chàng trai, cô gái đã bị sập bẫy một cách xót xa. Thực tế là họ đã bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình do người nước ngoài điều hành.

Nhằm nâng cao hiểu biết cho lứa tuổi học sinh về phòng chống mua, bán người, hàng năm Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) đã phối hợp tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến các em học sinh.

Nhằm nâng cao hiểu biết cho tuổi trẻ về phòng, chống mua bán người, hàng năm Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) đã phối hợp với các trường học tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến các em học sinh.

Theo Đại úy Trần Văn Toàn – Cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh), qua công tác nắm tình hình, hiện toàn tỉnh có 18 trường hợp mắc bẫy, là thanh niên ở các địa bàn trong tỉnh, trong đó nhiều nhất là ở địa bàn huyện Tam Đường. Đến cuối tháng 6 vừa qua, đã có 5 trường hợp là nam giới được trở về với gia đình. Song cái giá không hề rẻ khi gia đình đã phải chạy vạy vay mượn, bán tài sản, gom góp số tiền lên tới 100 – 150 triệu đồng gửi cho con em mình nộp cho chúng thì mới được thoát khỏi vòng vây. Trở về, các nạn nhân khai nhận, sau khi sa vào bẫy của kẻ lừa đảo, chúng đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh, đến Bến xe miền Đông có người đợi sẵn. Chúng chở tiếp đi Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) và cho nghỉ lại một đêm lấy sức, cũng là cơ hội để chúng “bày mưu tính kế” đưa các nạn nhân đi sang Campuchia bằng đường rừng.   

Chúng cho các công nhân mỗi người một chai nước, sau khi uống nước là lịm đi không biết gì cho đến sáng hôm sau. Nơi làm việc của những người này là phòng máy vi tính đã được cài đặt sẵn, tất cả các thao tác đều phải thực hiện theo sự chỉ đạo của đối tượng lừa đảo. Chúng yêu cầu những người công nhân tạo tài khoản ảo trên mạng xã hội, nói chuyện với người Việt Nam theo sự giám sát của chúng và mục đích là lừa để lấy tiền. Nếu ai không làm đúng ý sẽ bị đánh, nhẹ thì bằng tay, chân; nặng thì bằng roi điện.

Hình thức tra tấn đó của các đối tượng bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 23h đêm. Chúng vẫn cho những người công nhân dùng điện thoại nhưng khi gọi điện cho người thân đều phải dấu. Người nào không chịu được áp lực công việc, muốn trở về Việt Nam phải ký khống giấy vay nợ và yêu cầu bồi thường khoản tiền từ 50-150 triệu đồng. Hiện vẫn còn 13 người đang “mắc kẹt” tại Campuchia do gia đình chưa thể lo đủ số tiền theo yêu cầu của chúng.

Sự vào cuộc quyết liệt từ nhiều phía

Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã báo cáo lên Bộ Công an và cấp ủy chính quyền địa phương. Ngay sau khi nắm tình hình, Tỉnh ủy đã ban hành công văn về việc tăng cường lãnh, chỉ đạo phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân bị lôi kéo, lừa đảo xuất cảnh sang Campuchia lao động. Trước hết là tập trung giải cứu, đưa các công dân của tỉnh đang bị giữ tại Campuchia về nước. UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cụ thể hóa sự chỉ đạo trên.

Được biết, cơ quan Công an tỉnh đã vào cuộc quyết liệt chỉ đạo, khẩn trương ngăn chặn và chấm dứt tình trạng này. Theo đó đã ban hành 5 văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai các biện pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và giải cứu công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh sang Campuchia bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản; tiếp tục phối hợp xác minh giải cứu các trường hợp còn lại.

Công an tỉnh phối hợp tích cực và chặt chẽ với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và trao đổi thông tin với công an các tỉnh, thành phố tiến hành điều tra làm rõ các hoạt động môi giới, lừa đảo sang Campuchia lao động để xử lý. Chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ quản lý thông tin trên mạng internet và mạng xã hội nhằm kịp thời phát hiện, tiến hành hoạt động điều tra các tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin quảng bá, tìm kiếm, lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người; các phương thức thủ đoạn mới, nhất là các thủ đoạn, hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi mua bán người. Tuyên truyền, vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo trước các lời mời kêu gọi qua Campuchia của các đối tượng xấu.

Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người đến người dân xã Giang Ma (huyện Tam Đường) những ngày cuối tháng 7 vừa qua.

Các chiến sỹ Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người đến người dân xã Giang Ma (huyện Tam Đường).

Thiết lập, duy trì, phát huy hiệu quả hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng, trực ban hình sự theo số điện thoại: 02313.876.490. Tuyên truyền, vận động người dân khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người cần thông báo cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan công an để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Dưới sự tận tụy, kiên trì, trách nhiệm của lực lượng Công an Lai Châu nói chung, lực lượng Cảnh sát Hình sự nói riêng, những câu chuyện về “mua bán người” đã không còn nhiều ám ảnh, xót xa như trước. Mong rằng, sự vào cuộc đầy quyết tâm của cấp ủy chính quyền và lực lượng công an trong toàn tỉnh, chiếc bẫy lừa tìm “việc nhẹ, lương cao” sẽ sớm được dẹp bỏ nhờ sự tỉnh táo, thông thái của mỗi người dân Lai Châu.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...