Thứ tư, 24/04/2024, 15:38 [GMT+7]

Chuyện những người “đếm gió, đo mưa”

Thứ tư, 16/09/2020 - 15:02'
(BLC) - Để có được những bản tin dự báo thời tiết hàng ngày phát trên sóng phát thanh truyền hình, ít ai biết phía sau đó là sự đóng góp thầm lặng của những quan trắc viên ngày đêm miệt mài “đếm gió, đo mưa” trên địa bàn tỉnh.

Công việc thầm lặng

Chúng tôi đến thăm Trạm Khí tượng Tam Đường (thành phố Lai Châu) vào một buổi chiều mưa tầm tã. Nhìn ngôi nhà cấp 4 - trụ sở của Trạm cũ kỹ bong tróc, vắng lặng như tờ, nằm xa khu dân cư. Thấy có khách, chị Nguyễn Thị Tình - quan trắc viên của Trạm đon đả chào mời. Nhìn nụ cười tươi rói của chị, ý nghĩ về những quan trắc viên nghiêm nghị, khô khan trong tôi dường như tan biến. Trò chuyện với chị Tình, tôi được biết, Trạm Khí tượng Tam Đường có 4 thành viên, hôm nay đến phiên trực của chị nên chỉ có một mình.

Sau chén trà mời khách, chị Tình trải lòng: "Nghề của chúng tôi lúc nào cũng phải có mặt ở Trạm, nghĩa là đã làm việc thì phải ăn, ở, ngủ tại đây. Vì vậy, căn phòng này lúc nào cũng có người trực và đo số liệu về nhiệt độ, mây, mưa, gió, đất, khí áp…”. Đang nói dở câu chuyện, chiếc điện thoại của chị Tình rung lên báo hiệu đến giờ phải đi quan trắc. Ngoài trời đang mưa tầm tã, chị vội khoác áo mưa ra vườn khí tượng lặng thầm với công việc quan sát hướng gió, đo mưa... và ghi chép.

Theo chị Tình, thời gian làm việc của quan trắc viên ở đây được chia làm 2 ca trực và đi 8 “ốp” với các khung giờ: 1, 4, 7, 10, 13, 16, 19, 22 giờ. Ngày nắng không sao nhưng mùa mưa rất vất vả, nhất là phải trực ca đêm, khi mọi người đang yên giấc thì các quan trắc viên vẫn lặng lẽ đi đo số liệu. Từ số liệu thô, quan trắc viên phải mã hóa dữ liệu và gửi về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc (tỉnh Sơn La). Do vậy, phải cập nhật liên tục và chính xác tuyệt đối cả về số liệu, thời gian, chỉ cần chệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nhất là khi các hiện tượng mưa đá, dông lốc xảy ra, quan trắc viên phải báo cáo tỷ mỷ để chuyên gia dự báo kịp thời đưa ra nhận định, khuyến cáo cho người dân.

Quan trắc viên Trạm Khí tượng Tam Đường theo dõi và kiểm tra lượng mưa trên máy vũ lượng kí.

Quan trắc viên Trạm Khí tượng Tam Đường theo dõi và kiểm tra lượng mưa trên máy.

Nằm ở độ cao gần 340m so với mực nước biển, Trạm Khí tượng Mường Tè (huyện Mường Tè) được biên chế 2 cán bộ làm quan trắc viên. Vì là Trạm nhỏ nên giờ đi “ốp” cũng nhẹ nhàng hơn so với Trạm Khí tượng Tam Đường. Trò chuyện với chị Hà Thị Mai - Trạm trưởng Trạm Khí tượng Mường Tè, chúng tôi được biết, thời gian đi “ốp” của Trạm vào 4 khung giờ: 1, 7, 13 và 19 giờ. Gắn bó gần 5 năm với nghề, dù ngày hay đêm, thời tiết nắng nóng hay mưa rét, đến giờ đi “ốp” là chị Mai lấy sổ sách ra vườn khí tượng ghi chép số liệu. Chị Mai chia sẻ: “Xác định theo nghề này, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải cẩn thận, tỷ mỉ, vì khi sai sót có thể phải trả giá bằng sinh mạng con người. Mỗi khi thông tin của tôi chuyển về phục vụ cho những bản tin thời tiết chính xác đến người dân, trong lòng cảm thấy rất hạnh phúc, vì việc làm của mình có ý nghĩa hơn”.

Được biết, hiện nay Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đang quản lý 4 trạm thủy văn và 4 trạm khí tượng với hơn 20 cán bộ, nhân viên. Đa số các trạm đều nằm ở nơi khó khăn, xa khu dân cư sinh sống nên điều kiện sinh hoạt của các quan trắc viên rất vất vả, nếu không có tình yêu nghề thì khó bám trụ được.

Những điều biết chỉ để mà thương

Trò chuyện với chị Tình vào buổi chiều mưa hôm ấy, tôi ám ảnh mãi về sự gian nan vất vả trong 27 năm gắn bó với nghề làm khí tượng của chị. Thử hỏi làm sao không sợ hãi khi là phụ nữ một mình đêm hôm đi “ốp” và gặp sự cố không may. Chị Tình kể: Khoảng hơn 12 giờ đêm vào một ngày tháng 6/2016, mưa to, gió lớn, sấm chớp, sắp đến giờ đi “ốp” thì sét đánh vào phòng trực làm chập dây điện cháy khét lẹt, máy móc hỏng hết. Vượt qua nỗi sợ hãi cùng với tinh thần trách nhiệm của một quan trắc viên, chị Tình nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình để kịp thời gửi số liệu về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc theo đúng quy định. Vì máy móc đã mặc định các khung giờ nên yêu cầu tính chính xác của công việc dự báo thời tiết được đề cao tối đa, yêu cầu tất cả các quan trắc viên phải tuân thủ.

Theo chị Tình, nghề làm khí tượng gặp thiên tai là chuyện bình thường, nhất là vào mùa mưa bão, ở địa bàn thuận lợi còn đỡ, địa bàn như các huyện: Sìn Hồ, Mường Tè… còn khó khăn gấp bội, vì nguyên tắc nghề nghiệp là thế. Nghe chị nói, trong lòng tôi dâng lên nỗi xót xa. Và có lẽ, những người làm nghề như chị thì khó khăn, vất vả trong nghề cũng là quá bình thường.

Cũng trong buổi trò chuyện, tình cờ tôi biết được hoàn cảnh của gia đình chị Tình. Vì làm nghề quan trắc khí tượng, chị Tình ít có thời gian ra ngoài, chồng chị làm ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thường xuyên phải đi chiếu bóng, quay phim ở các bản làng vùng cao ròng rã hàng tháng trời, có khi vài tháng, một mình chị vừa làm việc, vừa chăm sóc các con. Khi con còn nhỏ, nhiều đêm chị phải để con ở nhà một mình để đi quan trắc, khi về đến nhà thì con khóc khản tiếng. Chị Tình cười: Nghề nào cũng phải yêu thì mới có thể cống hiến hết mình, ngoài vì cuộc sống mưu sinh thì nghề này phải ngấm vào máu mới trụ được. Tôi vẫn thấy mình may mắn khi làm việc ở trạm này. Trụ sở dẫu có cũ, bong tróc vì xây dựng từ năm 2000 nhưng vẫn tốt hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp ở các trạm khác còn nhiều thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần”.

Khi quyết định rời quê hương Cao Bằng lên Lai Châu lập nghiệp, chị Hà Thị Mai đã xác định là rất khó khăn. Sau 5 năm làm việc từ Trạm Khí tượng Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đến Trạm Khí tượng Mường Tè (tỉnh Lai Châu), chị không sợ khắc nghiệt của thời tiết, không sợ đêm hôm phải đi “ốp” một mình hay áp lực về thời gian mà chính là sự cô đơn. Do đặc thù công việc, những ngày lễ, tết, cán bộ, công chức các ngành khác được nghỉ, đi chơi hay được sum họp với người thân còn những quan trắc viên như chị vẫn lặng lẽ dò “bụng” ông trời cho ra bản tin dự báo thời tiết chính xác.

Công việc thầm lặng của những người được ví như “đếm gió, đo mưa” không dễ nói hết. Nhưng những quan trắc viên tôi đã được gặp dù còn rất nhiều thiếu thốn, công việc buồn tẻ, vất vả nhưng khi được hỏi, các chị, các anh đều có chung câu trả lời: rất hạnh phúc vì được cống hiến chút công sức nhỏ bé cho xã hội. Có lẽ chính vì hạnh phúc đó là động lực giúp những quan trắc viên tiếp tục bám trụ với nghề.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...