Thứ sáu, 26/04/2024, 02:52 [GMT+7]

Giao thông ở Tủa Sín Chải còn nhiều khó khăn

Thứ tư, 29/09/2021 - 11:23'
(BLC) - Đường giao thông là huyết mạch, là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, tại nhiều bản của xã Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ), giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, người dân thiếu cơ hội để giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Xã Tủa Sín Chải nằm cách trung tâm huyện gần 40km. Đây là xã vùng cao, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, địa hình đồi núi dốc, thiếu đất sản xuất. Đặc biệt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng tới chăn nuôi và trồng trọt của người dân. Cùng với những hạn chế về điều kiện tự nhiên thì phần lớn các bản của xã Tủa Sín Chải đều trong tình trạng “4 không”: không đường giao thông liên bản, không điện lưới quốc gia, không sóng điện thoại và không nước sạch. Những khó khăn trên đã ảnh hưởng tới việc đưa khoa học vào sản xuất, khiến kinh tế của xã chậm phát triển.

Là địa phương khó khăn nhất của huyện Sìn Hồ, xã Tủa Sín Chải có 11 bản, trong đó, có 8 bản chưa có đường xe máy và chưa có điện lưới quốc gia, thiếu nước sinh hoạt. Thực tế này cản trở việc phát triển kinh tế - xã hội của xã, cũng như chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, xã là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất toàn huyện, xã có 937 hộ, 5.611 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo là 343 hộ, 1.877 nhân khẩu, chiếm 36,6%; 31 hộ với hơn 187 nhân khẩu (chiếm 3,3%) là hộ cận nghèo. Năm vừa qua do tình hình dịch bệnh, mưa đá, gió lốc, 147 hộ của xã bị ảnh hưởng nặng, cấp ủy, chính quyền huyện phải tổ chức các đợt hỗ trợ khẩn cấp để bà con có thể đón tết.

(Theo SKĐS)

Con đường đến trường của học sinh mầm non bản Pú Chứ Phìn (xã Tủa Sín Chải) chưa thuận lợi.

Dù thấu hiểu khó khăn của bà con tại địa phương, biết rõ nơi đây cần đường giao thông, điện và các nhu cầu thiết yếu khác làm cơ sở, để người dân có điều kiện phát triển. Nhưng đặc thù điều kiện địa chất tại các bản trên địa bàn xã là núi đá, độ dốc cao, để làm đường cần nguồn lực lớn mà hiện tại điều kiện của huyện khó đáp ứng được. Đơn cử như tuyến đường từ trung tâm xã tới bản Thành Chử và Háng Lìa, theo khảo sát ước tính dài khoảng 20km, địa hình núi đá phức tạp như độ dốc cao, nhiều đoạn là núi đá tai mèo hiểm trở khó thực hiện.

Tại hầu hết các bản của xã, trong đó có bản Ha Vu Chử và Chinh Chu Phìn, đường điện lưới khi thi công gặp không ít trở ngại. Ngoài ra, việc thi công cột điện trên nền đá tai mèo, giao thông không thuận lợi, khó di chuyển thiết bị thi công là vướng mắc điển hình dễ thấy nhất. Có thể nói mối tương quan hỗ trợ lẫn nhau của các hạng mục hạ tầng mà quan trọng và cần thiết nhất là giao thông, cần phải được đảm bảo trước.

Ông Lầu Hòa Bình, người dân bản Háng Lìa (xã Tủa Sín Chải) cho biết: Bản tôi có trên 70% là hộ nghèo. Bản không có đường giao thông để trao đổi buôn bán nông sản, phát triển kinh tế, trẻ con trong bản học lớp 5 phải đi bộ hơn 2 giờ mới tới trung tâm xã để học, đấy là vào những hôm thời tiết thuận lợi. Người dân chúng tôi muốn đi xe máy lên trung tâm xã giải quyết công việc thì phải đi vòng hơn 20km, qua bản Tả San 2 của xã Tả Ngảo mới tới được. Cùng với việc không có điện thắp sáng và nước sạch, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

11 bản của xã Tủa Sín Chải phân bố rải rác, cách nhau bởi núi cao và thung lũng sâu, khoảng cách giữa các bản bình quân từ 7-10km, có những bản xa nhất phải đi bộ mất nửa ngày mới tới được trung tâm xã. Vì không có điện, nên đa phần các bản đều không có sóng điện thoại, liên lạc giữa cơ quan đến bản khi có chủ trương, chính sách cũng chậm được triển khai, bởi công văn bằng giấy là thứ duy nhất kết nối các điểm bản với xã. Các bản vùng cao còn thiếu nước sinh hoạt, chủ yếu dùng nước mưa, nước mó. Đáng nói hơn là nhiều cơ sở giáo dục, trường học của xã đã cũ nát chưa đảm bảo an toàn cho các em học sinh tiểu học và mầm non học tập. Bế các em học sinh mầm non vượt đường đá lởm chởm tới lớp là việc làm thường thấy của các cô giáo nơi đây.

Ở các điểm bản khó khăn này, cán bộ có chế độ đãi ngộ cao nhất của Nhà nước là giáo viên mầm non và tiểu học cắm bản, nhưng họ cũng phải đối diện với những vất vả khó mà hình dung được. Cuộc sống của các thầy cô ở đây chủ yếu là “tự cung, tự cấp”. Còn các nhu yếu phẩm khác được mang từ thị trấn tới trung tâm xã rồi chuyển đi các bản. Sứ mệnh “cõng chữ” lên núi cao của họ cũng "gập ghềnh" như những con đường vận chuyển lương thực này.

Anh Mùa A Đại - Chủ tịch UBND xã Tủa Sín Chải cho biết: Người dân trong xã vì thiếu đường giao thông và điện lưới quốc gia nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp, quan tâm, bố trí, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ, sớm đầu tư các tuyến đường để người dân có thể di chuyển bằng xe máy, bà con có nông sản không phải vượt sông sang huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) để bán, trẻ em có thể thuận lợi đi học.

Có một thực tế là nơi đâu có đường giao thông được cứng hóa thì việc đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thường thuận lợi. Một số địa phương trên địa bàn huyện như: Nậm Tăm, Chăn Nưa, Lùng Thàng… máy móc đã góp phần giải phóng sức lao động cho người dân, năng suất cây trồng cao nhờ cập nhật khoa học áp dụng vào sản xuất. Với chủ trương xóa bản “trắng” địa phương không có đường xe máy tới bản, từ năm 2015 đến nay toàn huyện đã nâng cấp làm mới cứng hóa giao thông cho 58 bản thuận lợi tới trung tâm xã. Tuy nhiên do thiếu nguồn lực cùng với những khó khăn đặc thù nên giao thông của Tủa Sín Chải vẫn còn nằm trên dự án.

Sau nhiều năm chờ đợi, người dân bản Thành Chử đang khấp khởi vui mừng khi nghe tin có 1 con đường 16km tới trung tâm xã sẽ được khởi công, với nguồn vốn được cân đối từ ngân sách huyện. Khi hoàn thành đây sẽ là xương sống huyết mạch, nối thông không chỉ riêng bản Thành Chử mà còn một số bản khác tới trung tâm xã, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Hay như tuyến đường từ Ha Vu Chử - Chinh Chu Phìn tới trung tâm xã dài 4km, nếu được hoàn thành sẽ giúp học sinh đi học được thuận lợi.

Dù biết các tuyến đường nối từ trung tâm xã Tủa Sín Chải đến các bản tương đối dài, đi qua nhiều núi đá, việc đầu tư cần nguồn vốn rất lớn. Thậm chí có tuyến đường chỉ đến duy nhất một bản như Thành Chử, có kinh phí đầu tư đến 36 tỷ đồng. Điều này gây khó khăn trong thực hiện dự án, nhưng nếu không có đường người dân nơi đây sẽ vẫn phải đi bộ nửa ngày để lên xã trong thời đại 4.0.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...