

Anh Lò Hải Ươi - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" huyện Than Uyên cho biết: Để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đạt hiệu quả, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng quy chế làm việc. Cùng với đó, phân công trách nhiệm cho các thành viên tổ chức phát động, tuyên truyền các chủ trương của đảng, nhà nước về ý nghĩa, mục đích của cuộc vận động đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Đặc biệt, vận động các tầng lớp Nhân dân ưu tiên mua sắm, tiêu dùng, sử dụng hàng Việt; nhất là những sản phẩm trên địa bàn huyện Than Uyên và các cơ sở, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh sản xuất. Coi đó như một hành động thiết thực thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Than Uyên. Đến nay, một số sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện được đông đảo bà con đón nhận mà còn được phân phối, tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, các chợ đầu mối, các cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh. Từ đó, góp phần đưa sản phẩm do địa phương sản xuất đến tay người tiêu dùng.
Hợp tác xã (HTX) Thanh Xuân (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến bởi có một số sản phẩm gạo dẻo, thơm, hương vị đậm đà như: séng cù, tẻ tròn, nếp tan pỏm. Hàng năm HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với bà con nông dân ở các xã: Tà Hừa, Hua Nà, Mường Cang để có nguồn nguyên liệu về sơ chế, bảo quản và bao tiêu sản phẩm. HTX thường xuyên liên kết với các đại lý, cửa hàng tiêu thụ các sản phẩm trong tỉnh và ở thị trường Thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình…
Khách hàng lựa chọn sản phẩm OCOP do các địa phương trong tỉnh sản xuất.
Cùng với đó, chú trọng từ các khâu quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như: facebook, zalo và website riêng của HTX. Vì vậy, doanh thu của HTX hàng năm đạt từ 3 - 5 tỷ đồng. Đây cũng chính là động lực để HTX duy trì, tiếp tục phát triển các sản phẩm tốt, chất lượng đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Với mong muốn đưa những sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh, huyện nói riêng, sản phẩm hàng mang thương hiệu Việt nói chung đến gần hơn với người tiêu dùng, Siêu thị Dũng Long (khu 5A, thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên) do chị Lữ Thị Thanh Nga làm chủ đã nhập hàng của các nhà phân phối lớn với những mặt hàng của các công ty có thương hiệu Việt như: Tràng An, Vinamilk, Biscafun, Hải Hà… Đồng thời, mở thêm cơ sở bán các sản phẩm đạt OCOP của huyện và các địa phương trong tỉnh như: gạo séng cù Than Uyên, mật ong Nậm Nhùn, thịt lợn gác bếp Thiết Hà, mắc-ca Tân Uyên… Do đó, người tiêu dùng có thể tìm mua các sản phẩm nông sản chất lượng mà không lo hàng giả, hàng nhái.
Chị Vì Thị Thân (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) chia sẻ: Trước đây chị thường chọn mua đồ ngoại nhập để biếu người thân trong các dịp lễ, tết. Nhưng bây giờ hàng Việt ngày càng đa dạng phong phú về chủng loại nên chị chuyển sang mua hàng của các thương hiệu lớn do Việt Nam sản xuất. Đặc biệt, từ khi huyện có những cửa hàng bày bán sản phẩm OCOP mang thương hiệu của địa phương nên chị đã ưu tiên chọn mua làm quà biếu và được người thân rất thích.
Được biết, không chỉ chị Thân mà hiện nay đa số người dân có xu hướng dùng hàng Việt; đặc biệt những sản phẩm cho địa phương sản xuất, bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá bán không quá đắt.
Có thể thấy, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Than Uyên trong việc ưu tiên sử dụng, tiêu thụ hàng Việt. Đây cũng là một trong những giải pháp, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Than Uyên nói riêng, tỉnh nói chung. Đồng thời, khẳng định vị thế niềm tự hào hàng Việt trong lòng người tiêu dùng Việt.
Tin đọc nhiều

Hiệu quả nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường

Nâng cao chất lượng giáo dục ở Trường Mầm non Sà Dề Phìn

Bác sĩ vùng cao nỗ lực phục vụ cộng đồng
Thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sỹ chưa xác định được danh tính
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lê Đức Dục kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Nậm Nhùn

Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Mỗi căn nhà, hoàn thiện một ước mơ

Hướng tới sự hài lòng của người dân









