Thứ hai, 09/09/2024, 16:19 [GMT+7]

Khát vọng và niềm tin về một Lai Châu phát triển giàu đẹp, văn minh

Thứ hai, 08/01/2024 - 20:41'
Sau 20 năm chia tách, thành lập, với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lai Châu đã khoác lên mình diện mạo mới. Trong sâu thẳm của mỗi cán bộ, đảng viên, thanh niên, học sinh, người dân, nhất là các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, thành tựu của Lai Châu hôm nay là niềm tự hào, vinh dự. Tại buổi gặp mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, phóng viên Báo Lai Châu có cuộc trao đổi với một số đại biểu.

Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân


Đồng chí Trịnh Long Biên - nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu: Tôi thấy việc chia tách Lai Châu để thành lập mới 2 tỉnh: Lai Châu - Điện Biên là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, hợp với ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, cơ quan, quân và dân các dân tộc trong tỉnh. Trước khi thành lập, Lai Châu có gần 17.000km2 tính từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh theo đường quốc lộ; cơ sở hạ tầng về giao thông, thông tin liên lạc, phương tiện kỹ thuật thời điểm đó rất khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện với cơ sở. Việc chia tách là một tất yếu khách quan trong giai đoạn mới, cũng là điều kiện để mỗi cán bộ phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho.
Ngay sau khi chia tách, là tỉnh mới, Lai Châu gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt, trong khi đó lại kế thừa từ một tỉnh chung nghèo khó đi lên. Trong điều kiện ấy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ, đưa tỉnh vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh Lai Châu.
Đến Lai Châu hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi khi thấy cơ sở vật chất, kinh tế - xã hội được đầu tư, xây dựng ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. Nhất là giao thông, điện, đường, trường, trạm, trụ sở cơ quan, nhà dân... không chỉ ở đô thị mà cả nông thôn, từ vùng cao đến vùng thấp đều được đổi mới, nâng cao.
Lai Châu phát triển toàn diện


Đồng chí Phạm Ngọc Thiểm - nguyên Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Lai Châu: Khi mới chia tách, thành lập, tỷ lệ nghèo, đói của Lai Châu cao. Do đó, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2005-2010 đã xác định mục tiêu “phấn đấu đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các tỉnh khác, tạo thế và lực mới cho sự phát triển vững chắc của tỉnh vào giai đoạn tiếp theo”. Xác định đúng thực trạng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quyết đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở nền móng đã được các thế hệ lãnh đạo đầu tiên của tỉnh dày công xây dựng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ tiếp theo đã kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ bằng những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của Đảng bộ trong từng giai đoạn.
Sau 20 năm chia tách và thành lập, Lai Châu đã thay đổi toàn diện với nhiều kết quả nổi bật về kinh tế; thu ngân sách; phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần, từ 2,2 triệu đồng năm 2004 lên trên 47 triệu đồng năm 2023; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 5%/năm. Tôi rất tự hào trước kết quả xây dựng, củng cố, phát triển của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị Lai Châu; đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, đóng góp quan trọng vào kết quả suốt chặng đường 20 năm phát triển và trưởng thành.

Đổi thay diệu kỳ


Đồng chí Lỳ Khai Phà - nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu:
Là một trong những lãnh đạo đầu tiên của tỉnh khi mới chia tách, thành lập, nhìn về chặng đường 20 năm qua, tôi thấy rất hạnh phúc, vui mừng. Nhớ về những ngày đầu mới chia tách, thành lập, Lai Châu nghèo lắm, chỗ ăn, chỗ ngủ cho cán bộ thiếu thốn đủ bề; giao thông đi lại trắc trở; người dân sinh sống thưa thớt trên các quả đồi cao. Đời sống của bà con đồng bào các dân tộc chủ yếu dựa vào cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi theo hình thức “tự cung tự cấp”.
Hôm nay, tôi phải khẳng định rằng, Lai Châu có sự thay đổi diệu kỳ. Từ thành phố xuống huyện, xã, bản đều đã có đường bêtông đẹp, thuận lợi cho ôtô, xe máy đi lại. Nhân dân có cuộc sống ấm no hơn với các mô hình kinh tế mới: trồng chè, lúa chất lượng cao, sâm Lai Châu, chăn nuôi có quy mô hơn… Hoạt động thương mại, dịch vụ nhộn nhịp, sầm uất. Qua đọc báo, xem thời sự, thấy du lịch Lai Châu phát triển với những điểm du lịch đẹp, nổi tiếng; thấy sự đổi thay tư duy của bà con vùng cao, khai thác lợi thế văn hóa để làm du lịch.
Nhất là thành phố Lai Châu, phố xá rực rỡ cờ hoa, nhộn nhịp xe tấp nập, dân cư đông đúc hơn. Cảnh quan nơi đây đẹp hơn, không khí trong lành, mát mẻ, đúng như lời mọi người nói, Lai Châu - thành phố trẻ, đẹp, năng động và giàu sức sống mới.
Những thành quả ngày hôm nay, tôi cho rằng đó là sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu qua các thời kỳ phát triển. Tin tưởng rằng, với nền móng vững chắc, tương lai, địa phương sẽ ngày càng phát triển, giàu đẹp hơn nữa, tiến kịp với sự phát triển của các tỉnh trong khu vực, trong cả nước; trở thành điểm đến được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích.

Nhóm P.V

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.