Thứ tư, 24/04/2024, 08:03 [GMT+7]

Lợi ích từ việc xây dựng môi trường không khói thuốc

Thứ ba, 31/05/2022 - 22:40'
(BLC) - Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25-31/5, phóng viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật về nội dung này.

Phóng viên: Ông hãy cho biết những tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Tác hại của thuốc lá: Khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 70 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Khi hút thuốc lá, hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích luỹ lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương trong lòng mạch máu. Vì vậy, người hút thuốc lá dễ bị các bệnh như: rụng tóc, đục thủy tinh thể, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy...

CBCNVCLĐ ngành Y tế cổ động mặt đường hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.

Cán bộ công nhân, viên chức, lao động ngành Y tế cổ động mặt đường hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5.

Đặc biệt những người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 25 lần. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.

Tác hại của hút thuốc lá thụ động: Hút thuốc thụ động là người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó có nhiều chất gây ung thư hay chất độc hại. Có thể nói, người hút thuốc thụ động cũng phải chịu những tác hại nghiêm trọng không kém so với người hút thuốc.

Mọi người đều có thể bị phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại những nơi có người hút thuốc. Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc như: ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch, …. Trong đó, trẻ em, phụ nữ là những đối tượng đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em.

Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em rất nguy hiểm. Trẻ em có lá phổi dễ bị tổn thương hơn người lớn nên dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có trong khói thuốc lá. Do đó, các em có thể mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, các triệu chứng hen, …

Đối với người lớn, người mẹ hít phải khói thuốc lá trong thời gian mang thai có thể bị sảy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai, con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh, ….

Theo Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm thế giới có 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc thụ động, 64% số ca tử vong trong số này là nữ giới.

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian qua, giới trẻ có xu hướng hút thuốc lá điện tử và hút thuốc lá nung nóng, shisa ngày một gia tăng? Vậy ông cho biết về tác hại của các loại thuốc lá này?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng, shisha: Giới trẻ có xu hướng hút thuốc lá điện tử và hút thuốc lá nung nóng ngày một gia tăng, vì cho rằng, hút hai loại này chỉ để nhả khói cho vui và dùng để cai nghiện hút thuốc lá điếu truyền thống. Nhưng suy nghĩ như vậy là chưa hoàn toàn đúng, bởi những tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến sức khỏe không thua kém gì thuốc lá điếu truyền thống.

Đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Ngoài ra, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn và đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, nhất là giới trẻ.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chấp thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe.

Phóng viên: Thưa ông, việc xây dựng môi trường không khói thuốc sẽ đem đến những lợi ích như thế nào từ sức khỏe, đến kinh tế và môi trường?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Môi trường không khói thuốc sẽ giúp cho người không hút thuốc giảm nguy cơ tiếp xúc thụ động với khói thuốc, điều này đồng nghĩa với việc giúp họ tiết kiệm được chi phí khám chữa bệnh và giảm số ngày nghỉ ốm do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá.

Môi trường làm việc không khói thuốc lá là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. Tại Việt Nam, khoảng 5 triệu người đang hút thuốc lá thụ động tại nơi làm viêc. Việc cấm hút thuốc tại nơi làm việc để tạo môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ giúp những người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá của mình.

Môi trường làm việc không khói thuốc lá sẽ hạn chế được các nguy cơ cháy nổ do việc hút thuốc, tàn thuốc ... Đồng thời giảm bớt được những chi phí cho vệ sinh môi trường.

Môi trường làm việc không khói thuốc góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lịch sự cho cán bộ, công chức, viên chức. Người cán bộ sẽ là tấm gương trực tiếp cho người dân trong việc gương mẫu chấp hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá.

Phóng viên: Thời gian qua, ngành Y tế Lai Châu, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai những biện pháp gì để phòng chống tác hại thuốc lá?

Ông Nguyễn Hồng Hải: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được Sở Y tế giao là cơ quan đầu mối trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Trung tâm đã tham mưu kế hoạch triển khai công tác này trong toàn tỉnh. Sau gần 10 năm triển khai, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh (gọi tắt BCĐ) đã chỉ đạo 100% sở, ban, ngành và 100% các huyện, thành phố thành lập BCĐ và xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá…; thành lập Đoàn giám sát liên ngành giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.

Hàng năm, trung tâm phối hợp với các cơ quan: Giáo dục, Công an, Thanh tra tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền tìm hiểu Luật PCTHTL, các quy định, hướng dẫn và các văn bản liên quan. Tập huấn cho đối tượng già làng, trưởng và các chức danh khác tại thôn bản. Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá được quan tâm, tăng cường, nhất là trong giáo dục và ngăn ngừa thanh, thiếu niên sử dụng các sản phẩm của thuốc lá. Trong đó, các cơ quan truyền thông đã đăng tải hàng trăm tin bài, phóng sự, clip thông điệp tuyên truyền trên Đài PT - TH tỉnh, Báo Lai Châu.

Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề về PCTHTL tại các trường học, bệnh viện và nơi công cộng với hàng chục nghìn người tham gia…

Đến nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung thực hiện Luật PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hàng năm; tổ chức tốt công tác tuyên truyền; treo biển cấm hút thuốc tại cơ quan, đơn vị; tổ chức cho cán bộ, công chức ký cam kết không hút thuốc ở cơ quan, đơn vị; xây dựng cơ sở y tế không khói thuốc lá trong toàn ngành Y tế; công đoàn cơ sở của các đơn vị cũng đã gắn việc thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá vào công tác thi đua; đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học… Đến nay, cho thấy việc thực hiện công tác này ở các cơ quan, đơn vị và của các tầng lớp Nhân dân là tương đối tốt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hoa - Sở Y tế

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...