Thứ sáu, 19/04/2024, 17:30 [GMT+7]

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng

Thứ bảy, 28/11/2020 - 17:46'
(BLC) - Nỗ lực chăm sóc, bảo vệ, những chủ rừng trên địa bàn xã Thu Lũm, huyện Mường Tè đã và đang hưởng nguồn lợi chính đáng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Đến bản A Chè những ngày này, chúng tôi hòa chung niềm vui với bà con đón tết truyền thống của dân tộc Hà Nhì (hay còn gọi là tết Hồ Sự Chà diễn ra vào tháng 11 hàng năm). Đón chúng tôi bằng cái bắt tay đầy thân thiện, trong câu chuyện, anh Chu Tư Lòng (người dân trong bản) chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi được nhận 23 triệu đồng từ tiền DVMTR. Ngoài mua vật dụng sinh hoạt thiết yếu, tôi đầu tư máy nổ và máy xay xát. Năm nay, tôi đang bàn với vợ sẽ mua thêm một chiếc xe máy phục vụ đi lại cũng như vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp đi bán. Chăm sóc, bảo vệ rừng đã cho nguồn thu ổn định, dân bản rất vui và động viên nhau tích cực giữ rừng.

Theo lời anh Lò Lù Cà – Trưởng bản A Chè, năm 2007, thực hiện chủ trương giãn dân ra biên giới, được sự động viên của các cấp chính quyền, Nhân dân từ bản: Pa Thắng, Thu Lũm, Còng Khà, Gò Khà tự nguyện đăng ký về bản mới tại khu vực biên giới sinh sống, giữ đất, giữ rừng. 18 hộ dân với trên 80 nhân khẩu của bản được giao quản lý hơn 300ha rừng, trong đó có khu rừng trên đoạn biên giới từ mốc 19 - 21 dài hơn 5km. Thông qua sự vào cuộc tích cực tuyên truyền của bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cùng nguồn thu thực tế từ chính sách chi trả DVMTR, dân bản nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, từ đó nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ rừng. 

ảnh kiểm tra

Người dân bản A Chè, xã Thu Lũm chăm sóc, bảo vệ rừng.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, bản A Chè đã tổ chức các buổi họp dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng chống cháy rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ dân; đưa việc bảo vệ rừng vào quy ước chung của bản, quy định xử phạt cụ thể đối với người vi phạm. Bản thành lập Tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng với sự tham gia của đại diện 18 hộ dân trong bản. Qua đó, bà con nắm bắt quy trình, hiệu lệnh báo cháy rừng bằng trống, kẻng, điện thoại, loa phát thanh và chủ động tham gia chữa cháy đối với từng mức độ, cấp độ. Các thành viên trong Tổ chuyên trách thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuần tra bảo vệ rừng và đường biên, mốc giới, vì thế những khu rừng giáp ranh, dấu hiệu khu vực biên giới luôn được bảo vệ và không bị xâm phạm.

Thu Lũm là xã vùng cao, biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, tổng diện tích tự nhiên là 11.289ha, diện tích đất có rừng 9.234ha, độ che phủ đạt 81,8%. Xã có 9 bản, 480 hộ với trên 2.300 nhân khẩu gồm 3 dân tộc: Hà Nhì, Dao và La Hủ cùng sinh sống. Trong những năm qua, chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Chu Mụ Hừ - Phó Chủ tịch UBND xã Thu Lũm khẳng định: Năm 2019, Thu Lũm được hưởng gần 9 tỷ đồng tiền DVMTR, năm 2020 xã đang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện chuẩn bị chi trả tiền DVMTR cho bà con. Nguồn thu từ tiền DVMTR góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Tăng nguồn thu theo hướng bền vững, công tác bảo vệ và phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, UBND xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và xây dự kế hoạch bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Phối hợp với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tăng cường xuống cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; tổ chức ký kết bảo vệ rừng.

Xã cũng đã thành lập 1 đội dân quân cơ động gồm các lực lượng: kiểm lâm, công an, quân sự, tổ chức đoàn thể; 9/9 bản thành lập tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng với sự tham gia của các hộ được nhận tiền DVMTR, trưởng bản kiêm thêm nhiệm vụ tổ trưởng. Các tổ chuyên trách chủ động chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy có sẵn trong gia đình như cuốc, xẻng, thùng tưới nước để ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra; xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình hình và sẵn sàng tổ chức Nhân dân tham gia chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ".

Nhờ chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhiều năm nay, những cánh rừng trên địa bàn xã Thu Lũm không xảy ra cháy, không có vụ vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ rừng cũng vì thế chất lượng rừng ngày một nâng lên. 

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...