Chủ nhật, 12/05/2024, 00:56 [GMT+7]

Năm 2013-2014 sẽ thiếu điện nghiêm trọng

Chủ nhật, 03/10/2010 - 19:44'
Ngày 2-10, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch năm 2011 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


* Hạ tầng giao thông yếu kém đang cản trở sự phát triển

Dù đang vào mùa mưa nhưng thủy điện A Vương vẫn ở dưới mực nước chết.

Chính phủ đánh giá nền kinh tế phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng càng về cuối năm càng cao và ổn định hơn, ước GDP cả năm đạt 6,7% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,5%).

Nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang lấy lại đà tăng trưởng, đặc biệt xuất khẩu tăng gấp ba lần chỉ tiêu kế hoạch; giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, xấp xỉ thời kỳ phát triển ổn định; ngành xây dựng đạt tốc độ tăng thêm trên 10% - mức cao nhất trong nhiều năm qua...

Tuy nhiên, trong số năm chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra thì có bốn chỉ tiêu thuộc lĩnh vực môi trường là tỉ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch, tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị xử lý, tỉ lệ chất thải rắn y tế ở đô thị được thu gom, tỉ lệ che phủ rừng.

Chỉ số tăng giá tiêu dùng Quốc hội đề ra dưới 7% thì nay Chính phủ ước tính khoảng 7-8%.

Thiếu điện nghiêm trọng

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém: lãi suất tín dụng cao đã gây khó khăn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Tình trạng sách nhiễu gây phiền hà trong bộ máy hành chính, tham nhũng, lãng phí... vẫn chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh và hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và cơ sở hạ tầng đô thị, yếu kém, không đồng bộ đang là cản trở lớn cho sự phát triển.

Báo cáo của Chính phủ chỉ ra việc cung ứng điện không đảm bảo do nguồn thủy điện sụt giảm trong những tháng nắng nóng và tiến độ xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện không đảm bảo đã ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là sản xuất công nghiệp và đời sống nhân dân.

Dự báo nhu cầu điện năm 2011 tăng 15%. Nếu các kế hoạch sản xuất, nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào và điều kiện thủy văn bình thường thì có thể đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế nhưng không vững chắc. Nếu chỉ một dự án nguồn điện chậm tiến độ hoặc thời tiết không thuận lợi sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện.

“Theo tính toán, năm 2013-2014 sẽ thiếu điện nghiêm trọng, cần phải có biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện ngay từ năm 2010, đồng thời nghiên cứu lại giá điện để thu hút các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các nhà máy điện” - ông Phúc nói.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết hầu hết các dự án lưới điện và nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2010-2011 bị chậm. Kiểm tra 35 dự án nguồn điện đang thi công và 16 dự án nguồn điện chuẩn bị khởi công thì chỉ có năm dự án đúng tiến độ.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai yêu cầu Chính phủ làm rõ nguyên nhân thiếu điện. “Chính phủ chỉ nói về tiến độ xây dựng nhà máy điện, nhưng người dân bức xúc với cách điều hành của ngành điện” - bà Mai nói.

Tiềm ẩn bất trắc

Theo Ủy ban Kinh tế, tuy đạt mức tăng trưởng cao nhưng “chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc”. Hàng loạt dẫn chứng được ủy ban này đưa ra như tình trạng nhập siêu kéo dài trong nhiều năm đã làm sụt giảm nguồn dự trữ ngoại hối, tăng công nợ quốc gia và gây sức ép phá giá đồng nội tệ.

Việc Vinashin rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản là hậu quả của quá trình tập đoàn đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa thật sự tuân theo quy luật thị trường. Trong khi đó, tình trạng phân công, phân cấp bị phân tán, cắt khúc nên khi sự việc xảy ra không có đầu mối chịu trách nhiệm...

Lo ngại gánh nặng nợ nần, báo cáo của Ủy ban Tài chính - ngân sách phân tích: mức dư nợ công khá cao (đến hết năm 2010 bằng 52,6% GDP) cho thấy độ an toàn tài chính quốc gia sắp vượt ngưỡng cho phép.

Với tình trạng bội chi ngân sách ở mức cao trong nhiều năm liên tục và tốc độ phát hành trái phiếu chính phủ như hiện nay, việc các chỉ số nợ vượt ngưỡng an toàn sẽ rất dễ xảy ra trong trung hạn.

Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội khống chế nợ công không vượt quá 60% GDP, đồng thời cần kiểm soát chặt chẽ nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và cả khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước đi vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ.

Sự bất thường của giá cả cũng là nỗi lo chung của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là tình trạng đồng nội tệ mất giá so với USD, giá vàng tăng đột biến, chỉ số tăng giá ở mức cao nhiều năm liền...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Tăng trưởng cao để làm gì khi CPI (chỉ số tăng giá) ở mức 7-8%. Các nước chỉ tăng 2-3% người ta đã suy nghĩ lắm rồi, vậy mà lạm phát của ta 7-8% cứ bảo là hợp lý! Cả giai đoạn dài lạm phát cao như vậy có nghĩa là chúng ta có vấn đề”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phê bình: “Nghị quyết Quốc hội nói chỉ số tăng giá 7%, các quan chức Chính phủ phát biểu ra ngoài cứ nói là khống chế ở mức 8%, vậy nghị quyết của Quốc hội có ý nghĩa gì?”.

“Vấn đề ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do bụi, rác thải, khí thải, nước thải từ khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt... ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Bạo lực không chỉ diễn ra ngoài đường phố mà ngay cả trong gia đình và trường học; nhiều trường hợp xâm hại trẻ em, người già thô bạo đã trở thành vấn đề nhức nhối; nạn buôn bán, sử dụng ma túy, mại dâm, cờ bạc, lâm tặc ngang nhiên thách thức... gây lo lắng trong nhân dân. Bệnh viện quá tải chưa được cải thiện. Ùn tắc giao thông trầm trọng...” - báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhận định. Đây là vấn đề được đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ phân tích rõ.

Ưu tiên đầu tư cho biển Đông, hải đảo

Theo báo cáo kế hoạch đầu tư phát triển năm 2011, Chính phủ xác định tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong ba khâu đột phá lớn cần phải triển khai trong thời gian tới. Trong đó đầu tư cho các công trình, dự án lớn, công trình cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai một số công trình kết cấu hạ tầng quy mô lớn.

Đối với các chương trình bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, sẽ ưu tiên đầu tư cho chương trình biển Đông, hải đảo, đầu tư cho 62 huyện nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Thuế, hải quan đề xuất hưởng lương bằng 1,8 lần

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với ngành thuế, ngành hải quan giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cơ chế đảm bảo kinh phí hoạt động của hai ngành này được xác định bằng 1,9% trên dự toán thu ngân sách nhà nước hằng năm.

Ngành thuế, hải quan chủ động sử dụng kinh phí được giao hằng năm theo nhu cầu công việc, nhiệm vụ được giao. Trong đó, tiền lương bình quân của công chức thuế, hải quan được thực hiện tối đa là 1,8 lần mức tiền lương do Nhà nước quy định.

 

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Hết lòng với công tác thiện nguyện
“Năng động, nhiệt tình, đặc biệt là hết lòng với công tác thiện nguyện, Trung tá Hoàng Quốc Phong - Trưởng Ban Dân vận (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Quân khu 2, đứng chân trên địa bàn huyện...