Thứ tư, 17/04/2024, 05:43 [GMT+7]

Nỗ lực đưa chương trình giáo dục phổ thông mới đi đúng lộ trình

Thứ hai, 15/05/2023 - 16:19'
Sau 2 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1, 2, 6 và đang triển khai đối với lớp 3, 7 và 10, dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Lai Châu đã tập trung huy động nguồn lực từng bước đưa chương trình GDPT mới đi đúng lộ trình.

ĐÃ VÀO NỀ NẾP
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên đối với cấp học thực hiện chương trình GDPT 2018, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã thực hiện song song chương trình GDPT 2006 (khối 11, 12) và chương trình GDPT 2018 (khối 10). Theo đó, đặc biệt trao quyền xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho từng tổ, cá nhân. Chú trọng công tác tuyên truyền; hoạt động tư vấn tâm lý, giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức dạy học theo quan điểm lấy học sinh làm trung tâm; đa dạng hình thức dạy học: 2 buổi/ngày, tăng cường tiết học ngoài trời, dạy học qua các ứng dụng điện tử… giúp học sinh tư duy, logic vấn đề, phát triển các kỹ năng cần thiết tốt hơn.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dào San (huyện Phong Thổ) xác định những năm đầu triển khai chương trình GDPT mới sẽ có khó khăn nhất định nên đã bố trí những giáo viên có chuyên môn vững dạy các lớp học mới. Quan tâm đổi mới phương pháp thông qua sinh hoạt nhóm, tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn liên trường. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản giáo viên đáp ứng được tinh thần đổi mới của chương trình GDPT 2018. Thầy giáo Mai Văn Tường - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Sách giáo khoa mới có nội dung phù hợp với từng lớp học, từng lứa tuổi học sinh. Nội dung bài học gần gũi đề cập trong các bộ sách giáo khoa mới phù hợp với cuộc sống, phát triển năng lực của học sinh trong thực tế, đáp ứng đúng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Kênh hình, kênh chữ rõ ràng, thu hút sự thích thú của học sinh trong quá trình học tập.

Giờ học môn tiếng Anh của cô - trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Dào San (huyện Phong Thổ).

Thực hiện chương trình GDPT 2018, các cơ sở giáo dục trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương pháp đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh. Tích cực tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để rèn kỹ năng sống, tăng tính thực hành và gắn học tập với thực tiễn cuộc sống, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, học tập. Giáo viên được giao quyền chủ động, xây dựng nội dung kế hoạch môn học, lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm, áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh.
UBND tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo lồng ghép, bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018. Trang thiết bị được đầu tư theo hướng có ưu tiên, có chọn lọc, bổ sung từng bước, ưu tiên đối với các hạng mục cần thiết, cấp thiết để phát huy hiệu quả.
Đánh giá cao sự nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, đúng định hướng và đặc biệt là giáo viên tại tỉnh Lai Châu đã thấm nhuần tinh thần đổi mới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhận định: Việc triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 tại Lai Châu đã đi vào nề nếp; phù hợp với điều kiện của địa phương về giảng dạy, học sinh học 2 buổi/ngày. Chất lượng đội ngũ, chất lượng học sinh được nâng lên, tạo được niềm tin đối với cha mẹ học sinh và Nhân dân trên địa bàn tỉnh”.
CÒN NHỮNG TRĂN TRỞ
Thực hiện chương trình GDPT 2018, chất lượng giáo dục của các bậc học trên địa bàn huyện Phong Thổ đều được nâng lên. Huyện giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 43,13%. Theo bà Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện, còn tình trạng thiếu giáo viên ở một số trường trên cùng địa bàn; trình độ, kỹ năng khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới trong quản lý và dạy học ở một số cán bộ, giáo viên hạn chế. Việc tích hợp các môn khoa học tự nhiên và môn lịch sử, địa lý cấp THCS gây khó khăn cho các đơn vị trong việc bố trí giáo viên giảng dạy. Cơ cấu giáo viên các môn tại một số trường không đồng đều. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù được đầu tư nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Nhiều trường còn thiếu các phòng học chức năng, phòng bộ môn; diện tích sân chơi, bãi tập chưa đảm bảo.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn nhiều trường THCS chưa thực hiện tổ chức dạy học môn tin học, ngoại ngữ theo chương trình GDPT 2018 mà vẫn thực hiện chương trình GDPT 2006 do chưa đủ điều kiện theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, môn tin học có 48/110 trường, 207 lớp (trong đó có 211 lớp 6 và 198 lớp 7); môn ngoại ngữ có 91/110 trường, 409 lớp (trong đó có 211 lớp 6 và 198 lớp 7).
Đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới về chất lượng và cơ cấu, còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Đặc biệt thiếu giáo viên môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật ở các cấp học. Nguyên nhân được xác định là khó nguồn tuyển dụng. Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng năm học 2022-2023, môn tin học là 67, nhưng không tuyển được giáo viên nào; còn môn tiếng Anh có 82 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 3 giáo viên…
GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
Trước những bất cập đó, tỉnh Lai Châu đã bàn thảo và đề ra giải pháp, lộ trình từng bước khắc phục, tháo gỡ. Đó là không lệ thuộc, phụ thuộc sách giáo khoa một cách cứng nhắc hay máy móc trong việc dồn dịch, chuyển trường. Không ép buộc trong việc phân luồng hướng nghiệp. Chủ động đổi mới giáo dục toàn diện để đưa chương trình GDPT mới đi đúng lộ trình, đạt hiệu quả trong những năm học tới.
Cùng với đó, thực hiện tốt công tác truyền thông, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân về sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Rà soát và có các giải pháp hữu hiệu sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên đảm bảo cơ cấu phù hợp; ưu tiên bố trí biên chế, bổ sung đủ số lượng giáo viên tiếng Anh, tin học. Tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí lồng ghép các nguồn lực; đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với các bộ, ngành trung ương có đề án dành cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh; quan tâm và có chính sách hỗ trợ cho học sinh, giáo viên ở xã vùng I. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho ngành Giáo dục, nhất là tự chủ về đội ngũ và tài chính.

Thắm - Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...