Thứ bảy, 27/04/2024, 10:09 [GMT+7]

Ngành Giáo dục nỗ lực vượt khó

Thứ hai, 05/12/2022 - 19:00'
Bước vào năm học mới 2022-2023, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các hoạt động dạy và học của ngành Giáo dục tỉnh trở lại trạng thái “bình thường mới”. Tuy vậy, những khó khăn đặc thù của một tỉnh miền núi, biên giới vẫn trở thành “rào cản” nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt giáo dục mũi nhọn cũng như thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các nhà trường. Vượt lên những trở ngại đó, đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh đang hàng ngày nỗ lực, quyết tâm bám lớp, bám trường để “ươm mầm trên đá”.

Trường Dân tộc nội trú (DTNT) THPT Nậm Nhùn thành lập năm 2013 trên cơ sở chia tách và thành lập huyện Nậm Nhùn. Mặc dù còn nhiều khó khăn ban đầu về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nhưng các thế hệ thầy và trò vẫn luôn yêu nghề, nỗ lực không ngừng, đạt nhiều thành tích quan trọng trong sự nghiệp giáo dục. Toàn trường hiện có 26 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Tỷ lệ học sinh có đạo đức khá, tốt hàng năm chiếm trên 95%, học sinh có học lực khá, giỏi chiếm 48% trở lên.
Cô giáo Đinh Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường DTNT THPT Nậm Nhùn chia sẻ: Tập thể nhà trường đã nỗ lực vươn lên, phấn đấu thi đua dạy tốt - học tốt để được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I (tháng 5/2022). Đây là niềm vinh dự tự hào, tiền đề để tập thể nhà trường tiếp tục phấn đấu duy trì, nâng cao hơn nữa các tiêu chí. Góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của huyện theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Biến quyết tâm thành hành động, cụ thể hóa các phong trào thi đua phù hợp với thực tế; song song với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn; khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật… Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trưởng thành trong gian khó. Hiện, đã và đang giữ vững danh hiệu đơn vị dẫn đầu khối THPT của tỉnh và cũng là lá cờ đầu của ngành Giáo dục Lai Châu.

Giờ ôn luyện học sinh giỏi môn toán khối lớp 10 của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Giờ ôn luyện học sinh giỏi môn toán khối lớp 10 của thầy và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Điều đó thể hiện bằng những con số, thành tích ấn tượng: Từ năm học 2014-2015 đến nay, nhà trường có 64 học sinh giỏi quốc gia; 533 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 39 dự án đạt giải khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, 2 dự án thi cấp quốc gia; tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi đến năm học 2021-2022 đạt trên 57%, tỷ lệ trúng tuyển đại học đạt trên 95%. Riêng năm 2011, nhà trường được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; năm học 2016-2017 được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 341 trường, 5.444 lớp, 151.269 học sinh; 11.305 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn: mầm non 83%; tiểu học 70%; THCS 74%; THPT 100%. 174 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trường lớp học được quan tâm đầu tư khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Những năm học qua, sự nghiệp giáo dục của Lai Châu thực sự khởi sắc. Năm học này đã bước sang năm học thứ 2 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng theo đồng chí Đinh Trung Tuấn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ngành Giáo dục vẫn gặp những bất cập nhất định. Là năm đầu tiên triển khai một số môn mới, đặc thù đối với chương trình tiểu học và là năm đầu tiên triển khai đối với lớp 10 (khối THPT). Còn chương trình tiểu học không chỉ thiếu giáo viên tiếng Anh, tin học mà thiếu cả giáo viên nhiều môn mới và tình trạng thiếu - thừa cục bộ ở các đơn vị trường. Cơ sở vật chất tuy thời điểm này cơ bản đáp ứng, nhưng để phục vụ tốt hơn nhu cầu dạy và học vẫn cần thiết bị bổ sung.
Thống nhất một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa dù có ưu điểm nhưng khi triển khai vẫn có khó khăn cần tháo gỡ. Cụ thể như việc học hỏi, trao đổi chuyên môn giữa các trường có nhiều bộ sách khác nhau hoặc thực hiện chương trình đối với học sinh khi chuyển trường từ địa phương này sang địa phương khác. Trên tinh thần chung, các bộ sách đều đáp ứng nội dung chương trình nhưng trong từng giai đoạn, năm học, cấu trúc, cách thức tổ chức dạy học ở các trường không đồng nhất, không giống nhau vì đã giao quyền tự chủ cho nhà trường, cho giáo viên. Từ đó, khi học sinh có chuyển trường, đặc biệt chuyển giữa kỳ, giữa năm học sẽ gặp khó khăn trong tiếp thu kiến thức ở môi trường mới. Ngoài ra, cấp THPT - năm đầu tiên triển khai, đặc biệt cách thức tổ chức một số nội dung có khác so với cấp THCS, có một số bỡ ngỡ đối với giáo viên, học sinh.

Đại biểu tham quan mô hình trải nghiệm sáng tạo, thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Đoàn Kết (thành phố Lai Châu).

Đại biểu tham quan mô hình trải nghiệm sáng tạo, thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Đoàn Kết (thành phố Lai Châu).

Khó khăn, bất cập là vậy nhưng phát huy những thành quả đạt được sau 18 năm xây dựng, trưởng thành (từ khi chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu), ngành Giáo dục tỉnh xác định cố gắng khắc phục khó khăn, tìm ra hướng tháo gỡ, giải pháp thực hiện tình hình thực tiễn để triển khai nhiệm vụ. Đồng chí Đinh Trung Tuấn khẳng định: Sở đã chỉ đạo các đơn vị trường tăng cường luân chuyển giáo viên từ đơn vị đủ hoặc thiếu ít đến dạy học ở đơn vị thiếu nhiều hoặc chưa có giáo viên. Tăng cường cách thức tổ chức dạy học liên lớp, liên trường, dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm tăng thời lượng số tiết học trực tiếp của học sinh được học đối với giáo viên. Linh hoạt trong tổ chức dạy học phù hợp với nhu cầu trong điều kiện áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tăng cường xã hội hóa triển khai nhiệm vụ giáo dục nhằm huy động các lực lượng trong xã hội tham gia đóng góp nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, cổ vũ, động viên, tạo điều kiện cho thầy và trò hoàn thành nhiệm vụ.
Tin rằng, với những giải pháp tích cực trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cùng sự đoàn kết, tâm huyết của tập thể nhà giáo trong tỉnh, ngành Giáo dục Lai Châu sẽ thực hiện hiệu quả chủ đề năm học 2022-2023: “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

Thắm - Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...