Thứ ba, 14/05/2024, 21:58 [GMT+7]

Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Thứ năm, 16/07/2015 - 20:59'
(BLC) - Trong những năm qua, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) đã khiến nhiều gia đình, bản, xã rơi vào tình trạng đói nghèo, suy giảm sức khoẻ, tăng tỷ lệ bệnh tật, gây suy thoái chất lượng giống nòi ở một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, Chi cục Dân số – KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm làm giảm tình trạng tảo hôn, HNCHT góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Những nỗi đau từ hôn nhân cận huyết thống

Theo chân cán bộ dân số chúng tôi đã được biết và gặp các em là con của những cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống đã để lại hậu quả khôn lường cho con cháu. Em Lò Văn Sòn, bản Can Hồ, xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ) là con của gia đình anh Vàng Văn Kẻo và chị Vàng Thị Ón, năm nay Sòn đã 15 tuổi nhưng hoạt động đi lại, nhận thức của em đều rất khó khăn, em bị câm, khoèo chân từ khi mới sinh ra. Sinh hoạt cá nhân như tắm, giặt, ăn uống vệ sinh phải dựa vào người lớn. Được biết anh Kẻo và chị Ón là những người có quan hệ anh em gần với nhau trong dòng họ Vàng.

Tại bản Nà Pháy, xã Bum Nưa, huyện Mường Tè có 2 em nhỏ là Vàng Thị Cúc, Vàng Thị Hoa phải chịu những dị tật ngay từ khi mới sinh ra. Em Cúc năm nay đã 14 tuổi nhưng trông chỉ như đứa trẻ 3-4 tuổi, em bị câm, thiểu năng trí tuệ nên khả năng giao tiếp rất khó khăn và thường xuyên ốm đau. Còn em Hoa 4 tuổi cũng bị dị dạng khi sinh, đầu to, nổi u ở lưng không thể tự đi lại được chỉ biết ngồi một chỗ với cặp mắt đờ đẫn. Qua tìm hiểu được biết cha mẹ của 2 em là anh Vàng Văn Cường và Lù Thị Thơm vốn là anh em con cô - con bác lấy nhau. Theo phong tục của người dân địa phương con gái đi lấy chồng thì con cái mang họ nhà chồng do đó mặc dù là anh em con cô - con cậu, con chị - con em… cũng cưới được nhau chỉ cần khác họ là được, hơn nữa lấy người anh em trong gia đình thì không phải phân chia của cải…

Nỗ lực vào cuộc

Bác sỹ Chuyên khoa I Lý Thị Thắng – Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: “Để triển khai hiệu quả các mô hình Nâng cao chất lượng dân số nói chung, Mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT nói riêng, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện công tác Dân số – KHHGĐ trên địa bàn tỉnh, trong đó có chỉ tiêu giảm tỷ lệ tảo hôn, HNCHT bình quân 5%/năm. Đặc biệt thí điểm mô hình Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đưa nội dung của mô hình lồng ghép trong nội dung tuyên truyền công tác dân số tại cơ sở, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng vào trong các hội nghị chuyên đề cho các cán bộ cấp huyện, xã, bản. Từng bước làm thay đổi nhận thức người dân, để mọi người thấy rõ được tác hại của tảo hôn và HNCHT”.

Cán bộ y tế xã Bản Bo (huyện Tam Đường) tuyên truyền chính sách dân số - KHHGĐ đến người dân.

Theo đó, Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp với 7 Trung tâm Dân số - KHHGĐ các huyện triển khai mô hình Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT từ năm 2009 ở 2 huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ tại 4 xã với 58 bản. Năm 2011, Mô hình tiếp tục được duy trì và mở rộng ở 13 xã, 173 bản thuộc các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ và Than Uyên. Năm 2014 Mô hình được triển khai tại 37 xã thuộc 7/7 huyện trong toàn tỉnh. Địa bàn triển khai mô hình là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có tình trạng tảo hôn, HNCHT cao.

Mục đích của mô hình là tăng cường sự hiểu biết, nâng cao nhận thức cho cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội và người dân về: Chính sách Dân số, Luật Hôn nhân và gia đình, hậu quả của tảo hôn, hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống… nhằm làm giảm thiểu trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Mô hình cũng xây dựng các tiêu chí cụ thể cần đạt được như: 70 - 90% vị thành niên, thanh niên, các bậc cha, mẹ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp thông tin và kiến thức về nội dung mô hình. Trên 80% các bà mẹ, phụ nữ mang thai trước tuổi kết hôn (tảo hôn) được hướng dẫn chăm sóc thai nghén, sinh con tại cơ sở y tế và nuôi con bằng sữa mẹ; hàng năm tăng từ 20% số trẻ được làm giấy khai sinh, tăng từ 20% số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, giảm 20% số cặp vợ chồng tảo hôn; giảm 30% số cặp vợ chồng  HNCHT…

Những tín hiệu vui

Qua gần 7 năm triển khai mô hình, kết quả cho thấy công tác tuyên truyền vận động được đẩy mạnh, số người dân hiểu biết về các chính sách dân số, Luật Hôn nhân và gia đình tăng hàng năm từ 15 - 20%, tỷ lệ tảo hôn giảm từ 45,88% (năm 2009) xuống còn 23,49% (năm 2014), tỷ lệ HNCHT năm 2009 có 19 cặp, đến năm 2014 đã không còn cặp nào; số trẻ em được đăng ký khai sinh tăng hàng năm.

Ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ vẫn còn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên.

Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra, nguyên nhân ngoài việc hiểu biết về công tác dân số cũng như các vấn đề về hôn nhân gia đình thì ở một số xã, bản vẫn còn phong tục ép gả con lấy vợ, lấy chồng sớm hoặc tập tục bắt vợ... Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn không thể làm ngày một ngày hai mà cần phải thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để họ tự chuyển đổi hành vi. Trong đó cán bộ xã, bản luôn phải tiên phong tuyên truyền cho anh em, con cháu, họ hàng không cho con em mình tảo hôn, thực hiện nghiêm túc chính sách dân số để làm gương cho những người dân khác; xây dựng hương ước, quy ước thôn bản đủ tính pháp lý và các quy định xử phạt cụ thể, cùng thống nhất quan điểm để Nhân dân thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng giống nòi.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Gắn bó với giáo dục vùng biên
Hơn 14 năm gắn bó với huyện Mường Tè là từng ấy năm cô giáo Nguyễn Thị Thảo hết mình với sự nghiệp giáo dục tại các xã biên giới: Pa Ủ, Pa Vệ Sủ. Từ những nỗ lực vì sự nghiệp “trồng người”, cô...
Đi tìm “sự thật” cho 3,8 tấn thóc giả
(BLC) - Tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) bóc gỡ thành công vụ án về sản xuất, kinh doanh 3,8 tấn thóc giống giả. Đây là vụ việc chưa có tiền lệ trong cả nước cũng như trong...