Thứ ba, 19/03/2024, 16:02 [GMT+7]

Nghề báo và những chuyến đi

Thứ sáu, 19/06/2020 - 20:03'
(BLC) - Tôi sinh ra và lớn lên trên chính quê hương Lai Châu, lại được công tác tại Báo Lai Châu - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Nghề báo luôn đem đến những trải nghiệm thú vị, những bài học kinh nghiệm được rút ra sau mỗi chuyến đi tác nghiệp, khiến bản thân thêm gắn bó, yêu công việc của mình hơn.

Cùng như nhiều công việc khác, nghề báo cũng có những khó khăn, vất vả đặc trưng riêng. Đối với những phóng viên thuộc tỉnh miền núi, biên giới như Lai Châu còn cần hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán, điều kiện thời tiết, khí hậu… và đặc biệt phải biết đi xe máy ở những địa hình hiểm trở, khó đi. Dù làm phòng viên gần chục năm, khoảng thời gian không phải nhiều nhưng bản thân tôi đã có không ít những trải nghiệm thú vị với công việc mình đang làm. Huyện Sìn Hồ - nơi đầu tiên tôi đến công tác, cảnh sắc thiên nhiên đẹp tựa tranh thủy mặc đã làm tôi say mê. Những dãy núi cao quanh năm mây mù che phủ, hồ nước xanh biếc làm xao xuyến lòng người. Các bài viết tôi thực hiện tập trung vào: công tác xây dựng nông thôn mới; đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; công tác lãnh, chỉ đạo của Đảng và quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp; nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Song với bản thân, ấn tượng nhất là các bài viết về đề tài tảo hôn, bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản. Nó đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự tỷ mỷ trong thực hiện công việc của phóng viên. Một tuần, thậm chí cả tháng đi xe máy, trèo đèo, lội suối hay cả rủi ro tôi mới lấy đủ hình ảnh, thông tin để thực hiện bài viết. Bài đăng đến với độc giả mới thấy giá trị công sức lao động hoàn toàn xứng đáng.

Phóng viên đi qua điểm sạt lở trong trận mưa lũ năm 2018 ở xã Vàng Ma Chải

Phóng viên đi qua điểm sạt lở trong trận mưa lũ năm 2018 ở xã Vàng Ma Chải.

Tại huyện biên giới Phong Thổ, bản thân cũng có nhiều chuyến đi mà có lẽ trong cuộc đời làm nghề sẽ chẳng bao giờ quên được. Vào một ngày trung tuần tháng 5/2018, thời điểm học sinh vừa bước vào nghỉ hè. Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ở bản Sàng Giang, xã Bản Lang của huyện Phong Thổ. Nạn nhân là hai học sinh và một người điều khiển xe công nông tự chế. Trải qua hơn ba tiếng đi xe máy, 22 giờ đêm chúng tôi có mặt tại hiện trường, các cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện nhiệm vụ. Sau khi lấy thông tin, 1 giờ sáng ngày hôm sau chúng tôi bắt đầu trở ra trung tâm xã. Bụng đói cồn cào, không nhà dân nào mở cửa nên chúng tôi đến nhờ các thầy cô giáo của trường học để xin thức ăn. Gói mỳ tôm pha sẵn nghi ngút hơi bốc lên cùng với bụng đói, có lẽ trong đời chưa bao giờ bản thân ăn mỳ tôm tới hai gói và cảm thấy ngon đến thế. Sau chuyến đi đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã tới thăm hỏi, động viên gia đình học sinh, người bị nạn vượt qua nỗi đau nhờ thông tin báo chí đăng tải. Đó cũng chính là niềm động viên, an ủi cho những người làm nghề như chúng tôi.

Cũng tại Phong Thổ, trong trận mưa lũ lịch sử năm 2018, để đến được địa bàn bị ảnh hưởng chúng tôi phải vượt qua hàng chục điểm sạt lở. Trời vẫn đổ mưa như trút nước, thỉnh thoảng đất đá từ các vách núi vẫn rơi xuống. Đoàn chúng tôi gồm phóng viên: Báo Lai Châu, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân dân tại Lai Châu. Mất 4 giờ để vượt qua những điểm đó, chỉ cần sơ sẩy trượt chân hay đất lở, đá lăn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Phải mất nửa ngày để chúng tôi có thể đến được trung tâm xã Vàng Ma Chải, những hình ảnh người dân, bộ đội biên phòng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, cán bộ xã… dưới trời mưa tầm tã vẫn cặm cụi lật từng tảng đá cùng nhau tìm kiếm người còn mất tích. Hình ảnh đau thương, hoang tàn, ánh mắt thất thần của người dân khi cơn lũ đi qua. Không kịp ăn uống, ngay lập tức tất cả chúng tôi bắt tay vào viết tin, bài và chuyển hình ảnh về cơ quan, đăng thông tin để người dân cả nước biết được.

Gần đây nhất là chuyến đi tới bản Lùng Than, xã Mù Sang của huyện Phong Thổ, trận thiên tai gồm mưa đá, lũ quét, sạt lở đất khiến 3 người chết. Ngay sau khi nhận được thông tin, tôi lập tức lên đường tới bản. Mưa vẫn như trút nước, đất đá đổ xuống đường. Nhiều đoạn sạt lở tôi phải nhờ sự hỗ trợ của bà con chuyển qua. Với chúng tôi, việc bảo vệ máy móc, trang thiết bị phục vụ công việc nhiều lúc quan trọng hơn bản thân mình. Vì thiết bị hỏng hóc chẳng thể tác nghiệp được. Sau những hình ảnh ở Vàng Ma Chải, Mù Sang đến với công chúng thì đã có hàng trăm đoàn tổ chức, cá nhân khác nhau đến thăm hỏi, động viên bà con vượt qua khó khăn. Với chúng tôi, những người làm báo, đó cũng chính là niềm động viên, an ủi tiếp tục yêu, đam mê với công việc mình đang làm.

Có thể nói, công việc làm phóng viên, nhà báo rất cần có sự đam mê, yêu nghề bởi có như vậy mới có thể vượt qua những khó khăn, nguy hiểm khi tác nghiệp. Đồng thời, trong quá trình làm việc chúng tôi luôn nhớ phương châm “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” những yêu cầu cơ bản của người cầm bút.

Nguyễn Tùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...