Thứ hai, 29/04/2024, 23:30 [GMT+7]

Những Điều dưỡng viên tận tâm với nghề

Chủ nhật, 29/10/2023 - 12:49'
(BLC) - Đổi những vất vả, mệt nhọc, đêm trắng lấy những niềm vui, ánh mắt, nụ cười và lời cảm ơn của người bệnh sau khi được ra viện là việc làm mà các điều dưỡng viên trên địa bàn tỉnh thực hiện suốt bao năm qua. Từ đó, góp sức nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh.

Chúng tôi đến Khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền. Nơi đây có rất nhiều bệnh nhân bị tai biến mạch máu não chấn thương, đau cứng khớp… đang điều trị theo y lệnh của bác sĩ và sự hỗ trợ tích cực của các điều dưỡng viên. Được biết, Khoa có 8 điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, họ làm việc luôn chân, luôn tay bởi trung bình mỗi ngày có khoảng 50 lượt bệnh nhân điều trị, trong đó có 10 bệnh nhân nặng cần hỗ trợ tập vận động, phục hồi cơ thể.

Điều dưỡng Hà Văn Sơn - Khoa phục hồi chức năng chia sẻ: "Đối với những bệnh nhân bị rối loạn về ngôn ngữ, chúng tôi hướng dẫn cho bệnh nhân bài tập ngôn ngữ trị liệu, đánh vần. Với bệnh nhân nặng hơn, bị chấn thương, đau cứng khớp vai, tai biến, cho tập vận động thụ động các bài tập vận động tay, chân… Ngoài ra, các điều dưỡng còn thay nhau chăm sóc ăn, uống thuốc đúng giờ, đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh. Niềm vui mỗi ngày của chúng tôi đó chính là được trò chuyện, tập luyện và thấy được sự phục hồi sức khoẻ tích cực của người bệnh".

Điều dưỡng viên khoa phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh) cho bệnh nhân bị tai biến tập các bài vận động.

Điều dưỡng viên Khoa phục hồi chức năng (Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh)  hướng dẫn bệnh nhân bị tai biến tập các bài vận động.

Được biết, điều dưỡng viên giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu với mục tiêu chẩn đoán, điều trị, chăm sóc các nhu cầu thiết yếu của người dân trong việc nâng cao sức khỏe, duy trì, phục hồi và dự phòng bệnh tật ở ba tuyến: tuyến đầu, tuyến sau, và tuyến cuối. Công việc của một điều dưỡng viên ở nhiều vị trí khác nhau, vừa là người chăm sóc bệnh nhân; vừa là người truyền đạt thông tin, báo cáo kết quả điều trị, phục hồi của người bệnh với bác sĩ; vừa là người tư vấn, động viên bệnh nhân chủ động, tích cực phối kết hợp trong quá trình điều trị bệnh…

Thực tế tại các bệnh viện lớn của tỉnh hay một số Trung tâm Y tế huyện nơi chúng tôi đã đến, đa số điều dưỡng viên là người tiếp đón người dân đến khám, phối hợp cùng bác sĩ đưa ra những chẩn đoán ban đầu về sức khoẻ của người bệnh. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, họ đóng vai trò là người chăm sóc chính, thúc đẩy quá trình phục hồi sức khoẻ người bệnh. Dù ở vị trí, vai trò nào, những điều dưỡng luôn tận tâm với nghề, chu đáo, ân cần với người dân và người bệnh.

Ông Lò Văn Thân - xã Mường Cang, huyện Than Uyên phấn khởi: "Mỗi lần tới khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện, tôi được các điều dưỡng viên đón tiếp chu đáo, hướng dẫn đi tới các phòng để khám. Lúc về còn dặn dò cẩn thận trong việc ăn uống đầy đủ dưỡng chất đảm bảo sức khoẻ, phòng chống bệnh giao mùa. Người dân chúng tôi được y, bác sĩ, điều dưỡng quan tâm như vậy là rất mừng".

Hiện nay, Hội điều dưỡng tỉnh Lai Châu có 254 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội. Chị Nguyễn Bích Thuận - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh cho biết: "Những năm qua, đội ngũ điều dưỡng viên trên địa bàn tỉnh được đánh giá luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên so với ngành khác trong hệ thống ngành y tế, ngành điều dưỡng dường như phai mờ, ít nhận được sự quan tâm của xã hội. Trong khi đó, 60% kết quả điều trị bệnh phụ thuộc vào điều dưỡng viên. Thời gian qua, Hội Điều dưỡng tỉnh cũng đã quan tâm tới các hội viên như xây dựng quỹ hội để thăm hỏi ốm đau; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho hội viên. Tuy vậy, đó chỉ là động viên nhỏ so với những công việc vất vả mà điều dưỡng viên hàng ngày làm.

Điều dưỡng viên Khoa hồi sức tích cực, chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc các bệnh nhân nặng thở máy.

Điều dưỡng viên Khoa hồi sức tích cực, chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc các bệnh nhân nặng thở máy.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình, những điều dưỡng viên gặp không ít rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Nhiều điều dưỡng viên đang chăm sóc bệnh nhân tâm thần, thường bị đuổi, đánh vô cớ; chăm sóc người bị bệnh truyền nhiễm. Vậy nhưng, họ vẫn luôn kiên cường, đối mặt với những thử thách để hoàn thành tốt sứ mệnh “cứu người”, đem lại tiếng cười, hạnh phúc cho mọi nhà.

Điều dưỡng Trần Thị Huyền Trang - Chi hội trưởng Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, khó khăn nhất là khi chăm sóc những bệnh nhân bị tai biến nặng và bệnh nhân bị ung thư. Chị bộc bạch: với những bệnh nhân này thì chúng tôi làm chăm sóc tâm lý thường xuyên, đều đặn mỗi ngày. Gần gũi, trò chuyện nhiều hơn, kể cho họ nghe câu chuyện vui; điều tốt đẹp cuộc sống; tinh thần bệnh nhân phấn chấn thì sẽ nhanh khoẻ lại.

Trong quá trình chăm sóc người bệnh, dẫu có những khi bệnh nhân đau đớn có lời lẽ không phải, nhưng điều dưỡng viên đã “quen” và họ bỏ ngoài tai để làm tròn bổn phận, tận tâm, tận tuỵ với nghề của mình. Điều mong mỏi lớn nhất của những điều dưỡng viên khi chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện, đó là được xã hội nhìn nhận về nghề một cách tích cực hơn, đồng cảm, thấu hiểu và chia sẻ với những công việc họ đã và đang làm vì sức khoẻ người bệnh, vì hạnh phúc của mọi nhà.

Đông - Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...