Xã Hội | KỶ NIỆM 115 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 75 THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH, 20 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP TỈNH LAI CHÂU
Nhiều giải pháp phòng, chống đuối nước cho trẻ em
Tổng số trẻ em trên địa bàn huyện Phong Thổ hiện có 29.441 trẻ; trong đó số trẻ em dưới 6 tuổi là 9.531. Theo số liệu thống kê năm 2022, toàn huyện có 147 trẻ em bị tai nạn thương tích; đuối nước 9 trẻ, chiếm 54,14%. Số trẻ em tử vong do đuối nước đã giảm đáng kể so với những năm trước đây.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn như: chưa có bể bơi cho trẻ (chỉ có 1 bể bơi ở khu du lịch suối nước nóng); đội ngũ thầy dạy bơi còn ít và chưa có chứng chỉ hành nghề, chỉ dạy theo nhu cầu của các phụ huynh và con em; việc rà soát, lập bản đồ cảnh báo các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn các xã, thị trấn.
Đoàn Thanh niên xã Lản Nhì Thàng tổ chức sinh hoạt và truyền thông, hướng dẫn các kỹ năng sống và phòng, chống đuối nước tại bản Séo Xiên Pho.
Nhiều người dân hiểu biết về tai nạn thương tích ở trẻ em còn hạn chế; việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng phòng, chống đuối nước chưa được sâu rộng, thường xuyên. Có phụ huynh do không có thời gian nên thiếu sự giám sát, quan tâm trẻ, thường để cho trẻ tự chơi.
Mùa hè nắng nóng như hiện nay các em được nghỉ học ở nhà, tự chơi với nhau nên có những lúc rủ nhau ra các khu vực như: sông, suối, hồ, ao, mó nước chơi đùa, tắm. Chưa kể nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới thường phải phụ giúp gia đình việc nhà từ khi còn nhỏ nên đi mò cua, bắt ốc tại sông, hồ hay ao để phục vụ bữa ăn hay bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Những điều đó là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tai nạn thương tích ở trẻ em.
Chị Lưu Kim Phượng - phụ trách lĩnh vực bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phong Thổ cho biết: Hiện địa bàn có nhiều con suối chảy xiết, trẻ em thường rủ nhau đi chơi trong mùa mưa lũ, chơi gần suối, ao sâu. Độ tuổi trung bình trẻ em hay bị đuối nước là 9 tuổi. Để phòng tránh, hạn chế tối đa thương tích và hậu quả do đuối nước cho trẻ, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện thực hiện kế hoạch triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025; kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023; lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn.
Cuối tháng 6 vừa qua, huyện Phong Thổ cũng đã tổ chức phát động “Toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước trẻ em huyện năm 2023”. 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện mở lớp dạy bơi cho 500 trẻ em; tiếp nhận và cấp phát, lắp đặt 10 biển cảnh báo nguy cơ đuối nước cho 7 xã, thị trấn trên địa bàn.
Thường xuyên tổ chức các trò chơi tại buổi sinh hoạt chi đoàn nhằm tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên, thanh, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn.
Giai đoạn 2011-2022, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với các phòng, ban có liên quan, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền bằng băng rôn, các tin, bài, phóng sự về phòng ngừa tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em.
Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện đã phát và đưa 115 tin, bài; hệ thống trạm truyền thanh cấp xã trung bình mỗi năm đưa từ 7-10 tin, bài; xây dựng các ấn phẩm băng, đĩa tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Huyện đoàn tổ chức hơn 96 lượt hoạt động truyền thông với hơn 17.000 lượt người tham gia; Hội Chữ thập đỏ huyện đã tổ chức hơn 16 lớp tập huấn về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, sơ cấp cứu ban đầu cho hơn 15.000 lượt người tham gia.
Đưa vào chương trình giảng dạy, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, tổ chức tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em lồng ghép trong các chương trình ngoại khóa, lồng ghép xây dựng “Trường học an toàn” với “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”... 100% giáo viên và học sinh từ cấp THPT, THCS, tiểu học đến giáo dục mầm non đều được thông tin về kiến thức phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Hằng năm, tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em lồng ghép triển khai với ngày sức khỏe thế giới 7/4; Tháng An toàn vệ sinh lao động; Tháng hành động vì trẻ em. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết như bơi, phương pháp sơ cấp cứu đuối nước và đặc biệt là phương pháp phòng tránh tai nạn trên sông nước.
Hy vọng rằng với những giải pháp khắc phục trên sẽ từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, các bậc cha, mẹ trong việc phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho con em mình và nâng cao kỹ năng tự bảo vệ trong phòng ngừa các nguy cơ tai nạn, thương tích gây ra cho trẻ em. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, để công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho con em đạt hiệu quả thiết thực cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội; góp phần bảo vệ trẻ em - những "mầm xanh" tương lai của đất nước.
Vương Trang
Bình luận