Rừng phòng hộ kêu cứu
Những điều trông thấy
Để mục sở thị, nhóm phóng viên chúng tôi có chuyến dã ngoại đến khu rừng dọc tuyến đường từ ngã ba bản Đông Pao lên bản Hoa Dì Hồ. Dọc đường đi, anh bạn tôi luôn xót xa trước những đống gỗ mới được khai thác, những thân cây đã được chế tác hoàn chỉnh được bày công khai 2 bên lề đường. Nhiều đống gỗ còn mới tinh, có đống gỗ được khai thác gần 3 tháng nay (đã phai màu).
Gỗ được tập kết chuẩn bị vận chuyển.
Đi được hơn 5km, chúng tôi dừng lại bên đống gỗ chừng 2- 3 khối nằm sát đường. Để xe bên đường, bắt đầu cuộc hành trình xem “rừng chảy máu”. Vượt qua dốc đứng khoảng gần 30 mét, trước mắt chúng tôi còn trơ lại những gốc cây lớn nhỏ mà thân cây đã bị đốn hạ, dấu vết của việc xẻ gỗ trộm vẫn còn vương vãi khắp nơi. Nhiều gốc cây còn đang chảy nhựa, có khúc gỗ người dân mới xẻ chưa kịp đưa xuống đường...
Dấu vết còn mới do việc xẻ gỗ để lại.
Ngang nhiên xẻ gỗ.
Chúng tôi đang bàng hoàng trước cảnh rừng bị “xẻ thịt” bất ngờ từ phía trên núi tiếng cưa máy vang lên cả góc trời. Một nam thanh niên người dân tộc Mông chừng 25 tuổi đang cầm chiếc cưa máy “to đùng” “xẻ thịt” thân cây to vừa đốn ngã trước đó. Thấy chúng tôi, người thành niên vẫn mặc kệ và tiếp tục công việc của mình. Lân la làm quen, chúng tôi được biết anh là Lý A Tủa (người bản Hoa Dì Hồ), anh đang đi lấy gỗ về để dựng nhà mới. Anh cho biết: Mình lấy vợ được vài năm rồi, giờ đã có 2 con, ở cùng với bố mẹ. Khi có chủ trương di dân xuống vùng thuận, mình xin ra ở riêng cho đỡ chật nhà. Để làm căn nhà mới cần rất nhiều gỗ, khoảng gần chục khối, còn những hộ khác trong bản đa phần khai thác 2 – 3 khối để tu sửa nhà”.
Đây chỉ là một trong số các điểm khai thác gỗ trái phép mà người dân đang công khai thực hiện trên địa bàn bản Hoa Dì Hồ. Theo lời anh Tủa: Việc khai thác như thế này là trái phép, nhưng cũng đã đi xin giấy phép khai thác rồi nhưng vì không có sổ đỏ nên không được, tự đi khai thác thôi.
Được biết, hiện nay cả bản có 31 hộ, 208 khẩu nếu làm phép tính đơn giản trung bình mỗi hộ cần khoảng 2-3 khối gỗ để dùng cho việc sửa nhà khi đem nhân với số hộ thì số rừng phòng hộ bị triệt hạ cũng không nhỏ.
Cần xiết chặt việc quản lý, khai thác rừng phòng hộ
Thực hiện chủ trương của huyện Tam Đường về việc di dân ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của người dân tại nơi ở mới. Gần 20 hộ dân trong bản Hoa Dì Hồ đang bắt đầu dựng nhà tại nơi ở mới, các hộ còn lại đang khẩn trương di chuyển. Theo đó, mỗi hộ được 10 triệu đồng tiền hỗ trợ, 6 tháng gạo ăn với mỗi khẩu là 20kg và 2 triệu tiền vận chuyển nhà. Tuy nhiên, việc khai thác gỗ phục vụ cho sửa nhà của người dân lại đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống của hơn 500 ha rừng phòng hộ.
Trước thực trạng người dân đang tự ý xâm hại rừng tại khu vực rừng phòng hộ xã Bản Hon, huyện Tam Đường, phóng viên Báo Lai Châu đã đến trụ sở UBND xã Bản Hon để tìm hiểu rõ vấn đề. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề làm việc với ông Lò Văn Ban - Chủ tịch UBND xã thì chúng tôi đã nhận được cái lắc đầu từ chối không làm việc với lý do bận không tiếp. Tiếp đó, nhóm phóng viên đã làm việc được với ông Lò Văn Thuận – Phó chủ tịch UBND xã Bản Hon để tìm hiểu thông tin, Ông Thuận cho biết: “ Tháng 12/2011, UBND xã đã nhận được 3 đơn xin phép khai thác gỗ của người dân trong bản để sửa nhà, nhưng đồng chí Chủ tịch UBND xã chỉ xác nhận cho 1 hộ được phép khai thác, 2 hộ còn lại không được xác nhận, tuy nhiên mặc dù không được xã chấp thuận nhưng người dân vẫn cứ tự ý khai thác, do vấn đề tế nhị nên xã chờ ý kiến của huyện”.
Cũng theo ông Thuận, trước khi di chuyển dân, xã cũng đã xuống tận bản tuyên truyền đề nghị bà con nếu thật sự có nguyện vọng chính đáng, nhà nào quá hỏng làm đơn xác nhận xin phép khai thác gỗ để tu sửa nhà, xã sẽ đề nghị huyện xem xét. Nhưng chỉ vài hộ làm đơn lên xã, mà có hộ xin khai thác số lượng vượt quá thẩm quyền của xã và họ tự ý khai thác. Bây giờ đang tập trung cho việc chuyển dân xuống mà xã làm mạnh cũng rất khó, xã đang xin ý kiến của cấp trên xem hướng giải quyết như thế nào. Trước mắt, địa phương cũng chỉ biết tuyên truyền tới từng gia đình lợi ích từ rừng và không cho khai thác.
“Mặc dù đơn vị đã phân công 2 cán bộ kiểm lâm phụ trách khu vực địa bàn, nhưng việc người dân tự ý khai thác gỗ thuộc rừng phòng hộ ở xã Bản Hon thì lãnh đạo đơn vị chỉ được anh em báo cáo sơ qua, chưa rõ lắm” đó là lời của ông Trần Hùng – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tam Đường trả lời chúng tôi khi được hỏi Hạt kiểm lâm huyện có biết việc này không?
Chủ trương chuyển cư từ vùng khó khăn ra địa điểm thuận lợi để người dân có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội là hợp ý Đảng, thuận lòng dân. Nhưng không vì thế mà nhân sự kiện này, người dân vào rừng chặt gỗ để sửa nhà khi không có sự cấp phép của lực lượng chức năng.
Phương Ly
Bình luận